VN-Index - chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam - đã tăng 164 điểm (12%) từ đầu tháng 7, đạt 1.531 điểm. Trong cùng giai đoạn, một số cổ phiếu trong ngành chứng khoán như VIX, CTS, VND, SSI... đã tăng hàng chục phần trăm, là một chất xúc tác giúp thị trường chung vượt 1.500 điểm lần thứ hai trong lịch sử.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc điều hành bộ phận Môi giới khách hàng tổ chức và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán SBB (SBBS) nhận định việc được kỳ vọng nâng hạng đã kéo điểm số đi lên và tác động tích cực cho các công ty trong ngành. "Các công ty chứng khoán sẽ là nhóm hưởng lợi trực tiếp khi dòng vốn ngoại mới xuất hiện, thị trường sôi động hơn và thanh khoản tiếp tục tăng", ông Đức nói.
Chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell, một tổ chức xếp hạng và cung cấp chỉ số toàn cầu, xếp ở vị trí "cận biên" và là đối tượng được theo dõi để nâng hạng. Chứng khoán Vietcap đánh giá việc vào danh sách thị trường mới nổi có thể giúp chứng khoán Việt Nam hút thêm 6-8 tỷ USD vốn ngoại.
Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có thể được đưa lên "mới nổi" trong tháng 10 năm nay. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính hôm 2/7, dự báo thị trường sẽ được nâng hạng vào tháng 9. Ngày 17/7, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết Việt Nam sẽ sớm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng trong buổi làm việc với FTSE Russell.
Nhờ kỳ vọng nâng hạng, thanh khoản của thị trường cũng cải thiện, từ đó giúp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khả quan hơn, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Theo thống kê, thanh khoản trung bình mỗi phiên tháng 7 trên sàn giao dịch TP HCM (HoSE) - nơi chiếm gần 80% vốn hóa thị trường chứng khoán - đạt hơn 31.000 tỷ đồng. Kể từ tháng 4 năm nay, thanh khoản luôn duy trì mức trên 20.000 tỷ đồng, trong khi nhiều tháng trước đó không đạt được.
Ông Nguyễn Anh Đức đánh giá, mức thanh khoản hơn 30.000 tỷ như vậy là tích cực cho doanh thu của các công ty chứng khoán, đặc biệt là mảng môi giới.
Kết quả kinh doanh khả quan của các công ty chứng khoán là một yếu tố cần kể đến. "Nhiều công ty chứng khoán đã thắng lớn với mảng tự doanh trong quý II khi thị trường hồi phục sau cú sập hồi tháng 4. Vì vậy, lợi nhuận của ngành được cải thiện đáng kể", chuyên gia của Yuanta nhận xét.
Lợi nhuận của ngành chứng khoán đạt kỷ lục mới trong quý II, lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng, theo số liệu được VnExpress tổng hợp. Một số công ty như TCBS, SSI, MBS, VND... ghi nhận lợi nhuận đi lên. Trong đó, các doanh nghiệp như VIX, CTS, SHS... thắng lớn nhờ mảng tự doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý khả năng nhóm này có thể sẽ có nhịp giảm trong ngắn hạn. "Khi thị trường điều chỉnh sau đà tăng liên tục trong quãng thời gian qua, nhóm chứng khoán cũng sẽ ảnh hưởng khi nhà đầu tư chốt lời", ông Thế Minh nhận định.
Quy mô cho vay ký quỹ (margin) lớn chưa từng thấy cũng là một rủi ro tiềm tàng với nhóm chứng khoán, theo chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta. Cuối quý II, dư nợ cho vay của các công ty ngành này đạt 303.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, số tiền dành cho hoạt động ký quỹ chiếm trên 95%.
Còn với ông Nguyễn Anh Đức, định giá của một số cổ phiếu ngành chứng khoán không còn rẻ so với thị trường chung. P/B - giá trị sổ sách của cổ phiếu - của một số mã như VIX, SSI, MBS, CTS, FTS... đã ở trên mức 2 lần. Trong khi đó, một mã được coi là có định giá hấp dẫn khi chỉ số này nhỏ hơn 1.
"Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục hưng phấn, việc P/B của các cổ phiếu chứng khoán có thể đạt 2,3–2,5 lần là điều hoàn toàn có thể xảy ra", ông Anh Đức nhận định. Còn ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nếu lợi nhuận của ngành tiếp tục tăng, định giá sẽ giảm.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của nhóm chứng khoán. Chuyên gia của SBBS Nguyễn Anh Đức chia sẻ thị trường vẫn còn dư địa tăng, vì vậy các công ty trong ngành sẽ được hưởng lợi theo. "VN-Index có thể vượt đỉnh thời gian tới, vì vậy nhà đầu tư sẽ tiếp tục đổ tiền để mua cổ phiếu. Từ đó, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục cải thiện", ông Đức chia sẻ.
Pyn Elite Fund - quỹ ngoại có quy mô 800 triệu USD - dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.800 điểm vào cuối năm nay. Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định chỉ số này có thể đạt 1.660 điểm năm nay.
Nâng hạng thị trường tiếp tục là nguyên nhân được cả hai chuyên gia đưa ra khi chia sẻ về tiềm năng của nhóm này. Ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ khi cải thiện vị trí, chứng khoán Việt Nam sẽ đón được dòng vốn ngoại mới, quy mô theo đó cũng gia tăng. Ngoài ra, sau khi nâng hạng, nhiều doanh nghiệp sẽ muốn niêm yết cổ phiếu, giúp hoạt động tư vấn phát hành của các công ty hưởng lợi.
"Tôi cho rằng giai đoạn cuối năm hoạt động tự doanh sẽ không còn chi phối lớn đến kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán. Thay vào đó, nguồn thu việc cho vay margin, tư vấn phát hành và môi giới sẽ tăng trưởng", chuyên gia Yuanta nhận định.
![]() |
Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta ở quận 1, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần |
SSI của Chứng khoán SSI, HSC của Chứng khoán HCM và VCI của Chứng khoán Vietcap là ba cổ phiếu tiêu biểu của ngành được cả hai chuyên gia nhận định vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Đây là những đơn vị có uy tín trong ngành, có thương hiệu mạnh.
Cả ba doanh nghiệp này đều nằm trong top 5 công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường. Vì vậy, họ có lượng khách hàng lớn, từ tổ chức đến doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị này cũng nổi tiếng trong việc tư vấn phát hành.
Trọng Hiếu