Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Tập đoàn Masan (MSN) cho biết công ty con sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer (MCH) đang chịu tác động tiêu cực từ tình hình chung của thị trường. Trong quý II, ngành hàng tiêu dùng vẫn đối mặt nhiều thách thức do đà phục hồi yếu hơn kỳ vọng và các quy định thuế mới tác động đến kênh bán lẻ truyền thống (GT).
Theo tính toán của Masan, khoảng 30.000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng giảm hàng tồn kho diện rộng và doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chậm lại. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng FMCG tiêu thụ qua kênh GT giảm gần 3% so với cùng kỳ.
MCH đối mặt với thách thức ngắn hạn xuất phát từ thay đổi mang tính cấu trúc trong ngành bán lẻ Việt Nam. Việc áp dụng các quy định thuế mới với hộ kinh doanh cá thể đã gây gián đoạn tạm thời ở GT - kênh mà doanh nghiệp này có tỷ trọng hiện diện lớn. Kết quả là nhiều nhà bán lẻ truyền thống lớn và nhỏ đều giảm tồn kho mạnh, với số ngày tồn kho giảm khoảng 8 ngày với nhà bán lẻ lớn và 3 ngày với nhà bán lẻ nhỏ. Điều này dẫn đến ước tính doanh thu giảm khoảng 600-800 tỷ đồng cho Masan Consumer trong quý.
Tính chung, MCH ghi nhận doanh thu 6.276 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 1.605 tỷ đồng, giảm 13%. Tuy vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ nhờ kết quả tích cực trong quý I.
![]() |
Người tiêu dùng đang xem sản phẩm của Masan Consumer. Ảnh: MSN |
Để ứng phó, công ty này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình phân phối linh hoạt và bền vững hơn như chuyển dịch sang mô hình phủ trực tiếp, giảm phụ thuộc vào các nhà bán lẻ truyền thống lớn và tăng cường năng lực đưa hàng ra thị trường.
Nửa đầu năm, MCH đã mở rộng độ phủ điểm bán tại các khu vực thí điểm (tăng 62% so với cùng kỳ), số lượng điểm bán trung bình mỗi tháng có ít nhất 1 đơn hàng do mỗi nhân viên bán hàng phục vụ, tăng 48% so với cùng kỳ. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng của MCH các quý tiếp theo.
Trong khi kênh truyền thống bị ảnh hưởng, doanh thu quý II từ kênh bán lẻ hiện đại (MT) và kênh phân phối trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê (Horeca) ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 5,7% và 34,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số ngành hàng vẫn giữ được sự ổn định như cà phê, chăm sóc cá nhân và gia đình, mảng xuất khẩu phần nào bù đắp sự suy yếu ở các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống đóng chai.
Sáu tháng cuối năm, Masan Consumer tiếp tục kiên định với chiến lược củng cố nền tảng gồm mở rộng phân phối trực tiếp, tối ưu quản lý tồn kho tại điểm bán và đẩy mạnh đổi mới sản phẩm. Trọng tâm chiến lược sẽ là đưa MCH trở lại mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số trong khi vẫn duy trì lợi nhuận cao.
Với việc cùng nằm trong hệ sinh thái Masan, doanh nghiệp này có thế mạnh phối hợp sâu với WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+. Đây cũng là một trong những mảng trở thành bệ đỡ cho MSN thời gian qua.
Quý II, doanh thu WinCommerce đạt 9.130 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI đạt 10 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ tư liên tiếp WCM có lợi nhuận, nhờ vào vận hành vượt trội và chiến lược mở rộng mạng lưới hiệu quả. Trong nửa đầu năm 2025, doanh thu đạt 17.915 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) đạt 68 tỷ đồng, tăng 292 tỷ so với cùng kỳ. Kết quả trên được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (LFL) và mở rộng mạng lưới tại khu vực nông thôn.
Tính đến cuối tháng 6, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này mở ròng 318 cửa hàng mới, hoàn thành 80% mục tiêu cơ sở về mở mới trong năm. Con số này còn cách mục tiêu kịch bản cao hơn 380 điểm bán. Họ đang là nhà bán lẻ hiện đại lớn nhất theo quy mô với 4.146 cửa hàng trên toàn quốc.
Tổng lại, quý II, Tập đoàn Masan có doanh thu 18.315 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ 2024. Sự sụt giảm chủ yếu do mảng sản xuất hàng tiêu dùng. Họ có lợi nhuận sau thuế hơn 1.619 tỷ đồng, tăng hơn 71% nhờ đóng góp từ năng suất bán hàng và vận hành được cải thiện tại WinCommerce, cũng như hoạt động chăn nuôi hiệu quả hơn và giá trị heo thịt cao hơn tại Masan Meatlife (MML). Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSN có 37.212 tỷ doanh thu và 2.602 tỷ đồng lãi sau thuế. Doanh thu sụt gần 5% nhưng lợi nhuận lại tăng gần 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, MSN dự kiến có doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng 80.000-85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL khoảng 7-14% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI dự kiến đạt 4.875-6.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14-52%. Công ty muốn giảm đòn bẩy tài chính hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng cắt sở hữu trong các mảng không cốt lõi.
Tất Đạt