Nhận định được ông Vũ Văn Thắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI và bà Trần Thị Phương Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vietnam International Adjuster (VIA) đưa ra trong tọa đàm "Bài học từ bão Yagi", phát sóng ngày 8/4 trên báo điện tử VnExpress.
Tại đây, hai diễn giả đã cung cấp góc nhìn thực tiễn từ công tác giám định, bồi thường bảo hiểm sau cơn bão Yagi, đồng thời, nhấn mạnh vai trò phối hợp chặt chẽ giữa khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và đơn vị giám định trong việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đảm bảo quyền lợi cho người được hưởng bảo hiểm.
Vai trò của công ty bảo hiểm và giám định
Theo ông Vũ Văn Thắng, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của các công ty bảo hiểm là cung cấp nguồn lực tài chính kịp thời để khách hàng nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh bảo hiểm không chỉ là chi trả sau thiên tai, mà còn đóng vai trò chủ động trong khuyến cáo, phòng ngừa rủi ro trước thảm họa.
![]() |
Ông Vũ Văn Thắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Ảnh: Tùng Đinh |
Ngay khi có dự báo về bão Yagi, Bảo hiểm PVI đã khẩn trương phát thông báo đến khách hàng, hướng dẫn di dời tài sản, chằng chống nhà xưởng... Theo ông, ngành bảo hiểm cung cấp giải pháp an toàn về tài chính, có nghĩa là người được bảo hiểm sẽ được chi trả số tiền bồi thường nhanh và kịp thời để khắc phục hậu quả của cơn bão. Đồng thời, ngành bảo hiểm đưa ra giải pháp kỹ thuật đề phòng và hạn chế tổn thất, kể cả trước và sau sự kiện thiên tai.
Ở phía giám định, bà Phương Bình cho biết, VIA đã xây dựng sẵn quy trình ứng phó thiên tai được đúc kết từ hàng chục năm kinh nghiệm. Trước khi bão đổ bộ, giám định viên đã có mặt tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và bảo hiểm để đánh giá thiệt hại nhanh chóng, chính xác.
"Thời điểm sau bão là lúc 'cấp cứu' tài sản. Nếu xử lý kịp thời, có thể cứu vớt được rất nhiều tổn thất", bà nói.
Bên cạnh đó, hai chuyên gia cũng nhấn mạnh, yếu tố minh bạch và khách quan trong công tác giám định cũng được đặt lên hàng đầu. VIA duy trì quy trình kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo kết quả giám định có đủ cơ sở để công ty bảo hiểm chi trả hợp lý, hạn chế rủi ro tranh chấp.
![]() |
Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PVI và Công ty TNHH Vietnam International Adjuster chia sẻ trong tọa đàm "Bài học từ bão Yagi". Ảnh: Chụp màn hình |
Khách hàng là "mắt xích" then chốt trong quá trình bồi thường
Các công ty bảo hiểm và giám định đã chủ động triển khai quy trình nhanh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bảo hiểm PVI và VIA, khách hàng là nhân tố quyết định đến tiến độ chi trả.
"Tiến độ của hồ sơ bồi thường phần lớn phụ thuộc vào khách hàng", bà Bình khẳng định. Khi xảy ra tổn thất, việc đầu tiên là khách hàng cần thông báo ngay đến bảo hiểm, đồng thời, bảo vệ hiện trường để làm bằng chứng xác định mức độ thiệt hại. Sau đó, việc cung cấp đầy đủ và kịp thời hồ sơ pháp lý, chứng từ liên quan đến tổn thất sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý.
![]() |
Bà Trần Thị Phương Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vietnam International Adjuster. Ảnh: Tùng Đinh |
Ông Vũ Văn Thắng cũng cho biết, chỉ 10 ngày sau bão Yagi, những khách hàng đầu tiên đã nhận được tiền tạm ứng từ Bảo hiểm PVI và sau 45 ngày, 100% các khách hàng có yêu cầu tạm ứng đã được giải ngân. Trong khi đó, tổng số vụ tổn thất đơn vị tiếp nhận là 944 vụ, với dự phòng bồi thường lên đến 3.400 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo hiểm PVI đã hoàn tất chi trả cho 38% hồ sơ.
Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI, kết quả này không chỉ đến từ nội lực tài chính mạnh với vốn điều lệ 3.900 tỷ đồng và xếp hạng tín nhiệm quốc tế A- từ AM Best, mà còn nhờ quy trình phối hợp nhanh gọn, nhịp nhàng giữa bảo hiểm, giám định và khách hàng.
"Nhiều khách hàng đến khi xảy ra sự cố mới nhận ra họ chỉ mua gói bảo hiểm bắt buộc, không có bảo hiểm bão, lụt. Điều này khiến việc bồi thường không thể thực hiện được. Do đó, chuyển một phần rủi ro sang cho công ty bảo hiểm với một mức phí không cao là cách quản trị rủi ro hiệu quả cho cả cá nhân và doanh nghiệp", ông nói thêm.
Cuối tọa đàm, các chuyên gia khẳng định, để hệ thống bảo hiểm vận hành hiệu quả trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, khách hàng không chỉ là người thụ hưởng, mà còn cần là người đồng hành để đảm bảo tiến trình bồi thường diễn ra nhanh chóng, kịp thời phục hồi.
Nhật Lệ