MobiFone thành lập năm 1993, trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Khi đó, điện thoại di động vẫn là mặt hàng xa xỉ, chưa phổ biến trong đời sống hàng ngày. Sự ra đời của MobiFone đánh dấu bước ngoặt trong ngành viễn thông, mang dịch vụ di động đến gần hơn với người dân. Việc cung cấp dịch vụ di động vào thời điểm đó không chỉ góp phần cải thiện hạ tầng viễn thông mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong cách người Việt giao tiếp và kết nối.
Khi mới thành lập, mạng MobiFone chỉ có 7 trạm BTS tại Hà Nội và 3 trạm ở khu vực phía Nam. Năm 1995, doanh nghiệp hợp tác với tập đoàn viễn thông Comvik/Kinnevik (Thụy Điển) thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Thỏa thuận này giúp MobiFone tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hạ tầng, chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, được đánh giá là một trong những hợp tác kinh doanh hiệu quả nhất tại Việt Nam thời điểm đó.
![]() |
Nhân viên MobiFone triển khai lắp mạng 5G. Ảnh: Minh Vũ |
Trong giai đoạn 2008–2013, MobiFone là một trong những nhà mạng đầu tiên thử nghiệm và cung cấp 3G trên diện rộng. Đến năm 2015, doanh nghiệp chuyển đổi thành Tổng công ty với 100% vốn nhà nước, tạo tiền đề mở rộng đầu tư vào các giải pháp số, đồng hành cùng chiến lược số hóa của Chính phủ.
Từ đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thống, MobiFone từng bước mở rộng hoạt động, thích ứng với nhu cầu thị trường và xu hướng công nghệ. Doanh nghiệp liên tục đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, các nền tảng nội dung số và giải pháp số hóa cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Hệ sinh thái sản phẩm của MobiFone ngày càng mở rộng với các nền tảng như mobiEdu, ClipTV, mobiAgri, MobiFone Invoice... phục vụ nhu cầu đa dạng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
Năm 2023, tròn 30 năm thành lập, MobiFone ra mắt thương hiệu Saymee – nhà mạng riêng dành cho Gen Z – thể hiện định hướng trẻ hóa, đổi mới và linh hoạt trong chiến lược thương hiệu. Đây cũng là năm doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ các dịch vụ AI, hợp đồng điện tử và họp trực tuyến, hỗ trợ người dùng trong bối cảnh hậu đại dịch.
![]() |
Sim Saymee với những gói ưu đãi dành riêng cho giới trẻ. Ảnh: Minh Vũ |
Sau hơn ba thập niên hoạt động, MobiFone đã gặt hái nhiều thành quả. Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 20,1% kế hoạch, số tiền nộp ngân sách vượt 56,7% chỉ tiêu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số đạt mức tăng trưởng mạnh, như MobiFone Meet tăng 1.050%, Cloud tăng 312%, mobiAgri tăng 49%, MobiFone Invoice tăng 58%. Những kết quả này không chỉ phản ánh năng lực thích ứng nhanh với thị trường mà còn cho thấy định hướng đúng đắn trong chiến lược dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ số.
Năm qua, MobiFone cũng được vinh danh tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam với 5 sản phẩm tiêu biểu: dịch vụ viễn thông, mobiEdu, ClipTV, mobiAgri và nền tảng số MobiFone. Doanh nghiệp đồng thời lọt Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam trong các ngành kinh tế trọng điểm; Top 100 sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo hiệu quả năm 2024.
![]() |
Đại diện MobiFone nhận giải thưởng tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Ảnh: Minh Vũ |
Bước sang tuổi 32, MobiFone xác định năm 2025 là thời điểm bản lề quan trọng để tăng tốc và đột phá. Doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đến năm 2025, đồng thời tạo nền tảng cho chiến lược phát triển giai đoạn 2026–2030, tầm nhìn đến 2035.
Đại diện MobiFone cho biết một trong những trọng tâm lớn của MobiFone trong năm nay là chính thức cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc. Việc triển khai 5G không chỉ giúp nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ truyền tải mà còn mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ số như đô thị thông minh, sản xuất tự động, chăm sóc sức khỏe từ xa...
Hiện, nhà mạng phủ sóng 5G tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn. Trong thời gian tới, MobiFone sẽ tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng, hướng đến mục tiêu phủ 5G đến từng địa bàn xã thuộc 63/63 tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc.
Song song với hạ tầng kết nối, nhà mạng cũng từng bước tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm và hệ thống vận hành nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Nhà mạng cũng chú trọng mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái số với nhiều nền tảng chủ lực như mobiEdu, MEET hay SmartTravel. Đồng thời, MobiFone cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng IoT, bổ sung các hệ thống công nghệ phục vụ kinh doanh không gian số, phát triển giải pháp công nghệ thông tin chuyên biệt cho các bộ ngành và địa phương.
Minh Ngọc