Vietjet Air vừa mở bán vé các chuyến bay giữa Hà Nội, TP HCM với Côn Đảo bắt đầu từ ngày 19/4 bằng tàu bay Comac C909. Mỗi ngày, hãng hàng không này khai thác 2 chuyến từ Hà Nội đến Côn Đảo (lúc 6h45 và 9h15) và chiều ngược lại (11h35 và 14h05). Thời gian bay mỗi lượt bay dự kiến khoảng 2 giờ 10 phút.
Tương tự, trên chặng TP HCM - Côn Đảo, mỗi ngày Vietjet cũng có 2 chuyến từ Tân Sơn Nhất và hai chuyến ngược lại.
Theo ghi nhận ngày 15/4, giá vé khứ hồi cho chặng Hà Nội - Côn Đảo trong ngày bay thương mại đầu tiên của Vietjet thấp nhất từ 8,8 triệu đồng hạng vé phổ thông (gồm thuế, phí). Mức giá này cũng được hãng duy trì trong thời gian tiếp sau đó. Vé khứ hồi hạng Skyboss khoảng 10 triệu đồng.
Với chặng TP HCM - Côn Đảo, vé phổ thông khứ hồi của hãng bay này có giá thấp nhất từ 3,4 triệu đồng (gồm thuế, phí). Hạng vé Skyboss khoảng 6,6 triệu đồng.
Như vậy, giá vé phổ thông TP HCM - Côn Đảo của Vietjet tương đương với mức các chuyến bay của Vietnam Airlines và công ty con Vasco đang khai thác bằng tàu ATR72.
![]() |
Vé bay từ Hà Nội đến Côn Đảo có giá 3,47 triệu đồng một chiều chưa gồm thuế phí. Ảnh chụp màn hình. |
Trước đây, chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo từng được Bamboo Airways khai thác bằng tàu phản lực khu vực Embraer E190 với giá không dưới 3 triệu đồng một chiều. Hành trình này của Bamboo Airways thường có giá phổ biến dao động 7-8 triệu mỗi vé khứ hồi hạng phổ thông.
Sau khi hãng này dừng khai thác từ tháng 4/2024 đến nay, hành khách đi máy bay từ phía Bắc buộc phải nối chuyến đến Côn Đảo qua điểm dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ. Đồng thời, giá vé chặng bay đặc thù này cũng có xu hướng tăng mạnh hơn.
Theo khảo sát, trong tháng 5, giá vé hạng phổ thông khứ hồi cho chặng Hà Nội - Côn Đảo, nối chuyến qua TP HCM của Vietnam Airlines vào giờ bay đẹp khoảng 7,6-8 triệu đồng.
Trước đó từ cuối 2024, Vietjet đã báo cáo Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải (trước khi hợp nhất với Bộ Xây dựng) về ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines để khai thác đường bay đến Côn Đảo.
Đây là mẫu tàu bay phản lực khu vực đầu tiên được Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) tự nghiên cứu và sản xuất. Tàu bay này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ, các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức).
Comac giao chiếc ARJ21 đầu tiên cho khách hàng quốc tế tại Indonesia vào năm 2022. Đến hết năm ngoái, mẫu máy bay này đã thực hiện 194.000 giờ bay với hơn 135.000 lượt cất hạ cánh. Tàu phản lực khu vực của Comac có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ. Kích cỡ máy bay này tương đương với các loại tàu đã và đang khai thác tại sân bay Côn Đảo như ATR-72, Embraer E190.
Hôm 14/4, Chính phủ ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2016 về các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, nhà chức trách cho phép nhập khẩu thêm các loại máy bay từ Trung Quốc, Canada, Nga và Vương quốc Anh. Quy định này mở hơn hẳn so với trước đây khi chỉ có máy bay được chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.
Anh Tú