Bà Phạm Thị Bích Phượng, Giám đốc Kinh doanh công ty Thực Phẩm Sao Khuê (SK Foods) vừa trải qua tuần bận rộn xúc tiến thương mại tại một triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm của TP HCM.
SK Foods chuyên sản xuất các sản phẩm từ bột gạo như ống hút, bún, mì, nui, phở. Nhận thấy áp lực thuế quan từ chính quyền ông Trump, công ty lập kế hoạch "chuyển dịch mạnh mẽ" sang EU và Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, UAE.
"Cơ hội chuyển dịch là người tiêu dùng các nơi này đánh giá cao thực phẩm sạch, minh bạch nguồn gốc và thân thiện môi trường. Sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh này còn là cơ hội vàng để tái định vị thương hiệu trên trường quốc tế", bà Phượng nói.
![]() |
Bà Phạm Thị Bích Phượng, Giám đốc Kinh doanh SK Foods tiếp khách tham quan gian hàng tại HCMC FOODEX 2025, ngày 17/4. Ảnh nhân vật cung cấp |
Một số doanh nghiệp khác cũng có động thái tương tự. Tại Đại hội cổ đông hôm 18/4, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cho hay lượng đơn hàng vẫn ổn định. Tuy nhiên để ứng phó với tình hình thế giới biến động và đảm bảo kế hoạch kinh doanh, công ty cho biết sẽ mở rộng thị trường tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đẩy mạnh thâm nhập vào châu Âu, Canada.
Mục tiêu của Thành Công là rút ngắn "lead time" (thời gian từ lúc đặt đơn hàng đến khi vận chuyển) khoảng 30%, xuống còn 74 ngày nhằm tăng cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Song song đó, họ cũng tăng tìm đầu ra nội địa, hướng đến mục tiêu doanh thu 10 triệu USD cho thương hiệu WHO.A.U - dòng sản phẩm thời trang Hàn Quốc mà Dệt may Thành Công cùng đối tác phân phối, phát triển ở Việt Nam.
Khảo sát nhanh mới công bố của công ty tư vấn nhân sự Talentnet cho hay 50% doanh nghiệp cho rằng thuế đối ứng của Mỹ tác động đến giá và lợi nhuận của họ. Khoảng 38% đơn vị nói họ thấy áp lực của chính sách thuế quan tới chuỗi cung ứng. Vì vậy, để ứng phó, hơn một nửa (55%) doanh nghiệp chọn giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Trước đó, khảo sát của Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (Hawa) đầu tháng này cũng ghi nhận một số doanh nghiệp đang trong quá trình tìm kiếm giải pháp để ứng phó. Một trong những giải pháp cũng là mở rộng thị trường quốc tế tại châu Âu, Nhật Bản, Australia, Trung Đông, Canada.
Số khác thì chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường trong nước, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu. "Việc mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt châu Âu và các khu vực khác, là hướng đi chủ yếu", Hawa ghi nhận.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng lưu ý doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị phần tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông.
Hôm 10/4, hiệp hội này đã gửi kiến nghị với Chính phủ, đề xuất 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Trong đó, gói hỗ trợ mở rộng thị trường kiến nghị ngân sách tài trợ chi phí cho doanh nghiệp thủy sản tham gia các hội chợ, triển lãm hàng đầu ngành thủy sản quốc tế.
Nhà quản lý cũng nhận ra tầm quan trọng của đa dạng hóa thị trường. Tại Công điện 47 về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công Thương, địa phương tăng xúc tiến thương mại, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đẩy nhanh đàm phán hiệp định mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là cao, nhưng không phải quá lớn.
Theo ông, với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đa dạng, quan hệ thương mại vững chắc với Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với vị thế chiến lược trong các FTA then chốt (CPTPP, RCEP và EVFTA), Việt Nam có nhiều dư địa để mở rộng sang các thị trường khác.
"Trong giai đoạn bất ổn chính sách hiện nay, việc Việt Nam khai thác hiệu quả 70% thị phần xuất khẩu còn lại ngoài thị trường Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng", ông bình luận.
![]() |
Cụm cảng Lạch Huyện, Hải Phòng, ngày 20/1. Ảnh Lê Tân |
Ngoài thị trường đầu ra, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp nhanh chóng đa dạng đầu vào và nâng cấp chất lượng sản phẩm. Nói tại một sự kiện quốc tế hôm 15/4, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng Christopher Vanloon lưu ý hàng Việt cần chú ý hơn đến nguyên liệu đầu vào, nhất là vấn đề xuất xứ.
Trong lĩnh vực thủy sản, VASEP cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình sản xuất và sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo minh bạch và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bởi đây là yếu tố then chốt giúp họ tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp đề nghị kiểm soát chặt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu nhằm tăng uy tín hàng Việt, tránh rủi ro với chính sách thương mại của Mỹ.
Việc đa dạng đầu vào là nền tảng quan trọng để giảm rủi ro cho doanh nghiệp và thuận lợi hơn cho tiến trình đàm phán thương mại. "Tôi tin rằng quan hệ hai nước vẫn đang đi theo hướng tích cực. Theo tôi, đây chỉ là giai đoạn chuyển tiếp", Chủ tịch AmCham Đà Nẵng Christopher Vanloon nhận dịnh.
Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công tin họ có lợi thế nhờ chuỗi cung ứng khép kín, chỉ nhập bông thô, chủ yếu từ Mỹ và Tây Phi. Điều này giúp họ tránh được rủi ro nguồn gốc và duy trì điều kiện thuế thuận lợi.
Hiện Việt Nam xúc tiến các công việc để đàm phán thương mại với Mỹ. Tại cuộc họp đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ ngành, đặc biệt Đoàn đàm phán chuẩn bị tốt nội dung, trên nguyên tắc thúc đẩy thương mại hai nước cân bằng, bền vững.
Trong kịch bản tích cực khi đàm phán thuận lợi, ông Đinh Quang Hinh cho rằng nếu mức thuế đối ứng được điều chỉnh xuống 20-25%, xuất khẩu sang Mỹ nhìn chung sẽ ít chịu ảnh hưởng, chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5-10% so với không bị áp thuế. Và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay chỉ ảnh hưởng 3-5% so với thông thường.
Theo số liệu của Cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong quý I đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng Mỹ cũng tăng hơn 21%, đạt trên 4 tỷ USD.
Viễn Thông