Chia sẻ tại Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức chiều 23/4, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, khuyến nghị để đạt mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần hình thành một mạng lưới ESG (Môi trường - xã hội - quản trị) dẫn dắt bởi các doanh nghiệp lớn trong nước.
Thay vì "đi lẻ", các ông lớn Việt Nam được khuyến nghị đi cùng nhau, hình thành một hệ sinh thái dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một mạng lưới ESG trong nước là cơ sở để kết nối với mạng lưới ESG và các tập đoàn quốc tế, theo ông Khoa.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, tại sự kiện chiều 23/4. Ảnh: Dân trí |
"Tôi tin nếu FPT, Vingroup, T&T, Vinamilk dẫn dắt mạng lưới ESG này thì Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững", Tổng giám đốc FPT nói.
TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đồng tình với đề xuất về một hệ sinh thái ESG. Ở góc độ chính sách, ông chỉ ra điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển bền vững ở Việt Nam là việc thiếu tư duy tiếp cận tổng thể. Tư duy thực hành ESG nên ở cấp độ toàn cầu, nhưng hành động phải thực tế. Do đó, hệ sinh thái chính sách cũng cần phù hợp với từng cấp độ doanh nghiệp, theo đại diện Ban IV.
Thực tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng một mạng lưới ESG với doanh nghiệp lớn (trong nước lẫn nước ngoài) giữ vai trò hạt nhân, đồng thời nỗ lực kết nối chuỗi cung ứng để hình thành hệ sinh thái ESG. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, thừa nhận khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn lực, nhất là vốn.
Bản thân VCCI từng hỗ trợ một startup xanh tiềm năng tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng thất bại. Startup này dùng cát để sấy nông sản thay thế cho năng lượng từ đốt than. "Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều chỉnh theo các tiêu chí về quản trị rủi ro, tiêu chí xanh lại chưa rõ ràng, nên họ không thể cấp vốn", ông Huy kể.
Cuối cùng, phía VCCI đã kết nối họ với Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), một sáng kiến của 9 nước, gồm Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, và họ được rót vốn.
Liên quan đến vốn xanh, TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đề xuất ngân hàng cho vay xanh bằng hình thức bảo lãnh, với tỷ lệ 30-50%. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị đơn giản hóa chuẩn mực xanh, giảm chỉ tiêu với khu vực vừa và nhỏ, vốn rất khó đạt được các chuẩn mực thông thường. "Thực tế, 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết đăng ký ở đâu để được hỗ trợ về ESG", lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu.
Tổng giám đốc FPT cũng đề xuất điều chỉnh để "đưa cuộc sống vào pháp luật thay vì đưa pháp luật vào cuộc sống". Ví dụ, năng lực thực thi ESG trung bình của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đâu, cơ quan chức năng đưa nghị định hướng dẫn điều chỉnh tới đấy, tránh việc hình thành "ma trận pháp luật" mà phần đông khó triển khai.
Bên cạnh đó, CEO FPT khẳng định ESG không phải "mốt" hay xu hướng nhất thời. Do đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp thực thi trên nguồn lực sẵn có. Quan trọng nhất, ESG cần lãnh đạo cao nhất cam kết và dẫn dắt. "Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giao cho tôi triển khai ESG. Tôi phải là người trực tiếp tham gia, ít nhất 4-5 việc. Các công việc sau đó bộ máy phía dưới có thể tiếp quản", ông Khoa nói.
Thủy Trương