Nội dung trên nêu tại hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo đó, Bộ này đề xuất áp dụng thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản của cá nhân bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.
Thu nhập tính thuế này được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp không xác định giá mua và các chi phí liên quan, thuế thu nhập cá nhân được tính bằng giá bán nhân (x) với thuế suất. Mức thuế suất trong trường hợp này sẽ theo thời gian sở hữu, tối đa 10%.
Cụ thể, với bất động sản có thời gian nắm giữ dưới 2 năm, tỷ lệ thuế là 10%. Còn bất động sản có thời gian sở hữu 2-5 năm, mức thuế 6%; thời gian nắm giữ 5-10 năm có thuế suất 4%; còn 10 năm trở lên thuế 2% - bằng tỷ lệ áp dụng hiện hành.
Thời gian nắm giữ bất động sản tính từ khi cá nhân có quyền sở hữu, sử dụng bất động sản (từ ngày Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) có hiệu lực) đến thời điểm chuyển nhượng.
Với bất động sản có nguồn gốc từ nhận thừa kế, thuế suất chuyển nhượng vẫn như hiện hành, ở mức 2%, mà không tính theo thời gian nắm giữ. Bởi, Luật Dân sự quy định thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, khác với cho, tặng bất động sản.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực hoặc thời điểm đăng ký quyền sử dụng, sở hữu bất động sản.
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là một nguồn thu quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân. Từ năm 2015, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức thu thống nhất là 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản.
Trước đó, tại hội thảo vào tháng 3, PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng cách tính thuế hiện hành còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thuế thu nhập cá nhân cho chuyển nhượng bất động sản được tính là 2% trên giá trị giao dịch. Tức là, người bán phải nộp thuế bằng 2% tổng giá trị bất động sản ghi trên hợp đồng chuyển nhượng, không quan tâm đến việc lãi hay lỗ. Theo chuyên gia, cách tính này đơn giản, dễ thu, nhưng lại tạo ra lỗ hổng lớn trong việc kê khai giá bán. Thực tế, người bán thường khai giá chuyển nhượng thấp hơn để giảm số thuế phải nộp, dẫn tới thất thu ngân sách, thị trường bất động sản thiếu minh bạch.
Do vậy, một số chuyên gia đề xuất đưa về đánh thuế 20% trên thu nhập thực tế của người bán. Với trường hợp không có đủ hóa đơn chứng từ, cơ sở để tính lãi lỗ, họ đề xuất áp dụng mức ấn định 1-2% theo bảng giá do UBND tỉnh, thành phố quy định. Phương án này được cho là có lợi thế hơn do phản ánh chính xác thu nhập thực tế.
Song để thực hiện được cách tính thuế này, theo đại diện Ban chính sách - Cục Thuế (Bộ Tài chính), cần có cơ sở dữ liệu phản ánh đúng giá cả giao dịch của các lần chuyển nhượng. Cùng với đó, nhà điều hành cần quy định rõ các khoản chi phí được trừ và điều kiện về hóa đơn, chứng từ, giá vốn của bất động sản chuyển nhượng.
Phương Dung