Ngày 20/7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết tháng trước, nước này xuất khẩu 3.188 tấn nam châm đất hiếm ra toàn cầu, tăng 157% so với tháng 5. Các nước mua nhiều sản phẩm này trong tháng 6 lần lượt là Đức, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan. Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn thấp hơn 38%.
Tháng trước, 353 tấn nam châm đất hiếm được bán sang Mỹ. Con số này tăng 660% so với tháng 5, đánh dấu sự hồi phục mạnh sau khi hai nước đạt thỏa thuận thương mại.
Thỏa thuận hồi tháng 6 đã giải quyết vấn đề liên quan đến việc bán đất hiếm và nam châm đất hiếm vào Mỹ. Hãng chip Mỹ Nvidia đã lên kế hoạch bán lại chip AI H20 AI sang Trung Quốc.
![]() |
Công nhân tại một mỏ đất hiếm ở Giang Tây (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
Giới phân tích cho biết xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trong tháng 7, khi thêm nhiều hãng được cấp giấy phép. Tổng cộng nửa đầu năm 2025, xuất khẩu nam châm này giảm gần 19% so với năm ngoái, còn 22.319 tấn.
Hồi tháng 4, Bắc Kinh thông báo siết xuất khẩu với 7 nguyên tố đất hiếm và vật liệu liên quan, trong đó có nam châm đất hiếm, nhằm đáp trả thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc hiện là nước sản xuất loại nam châm này lớn nhất thế giới, chiếm hơn 90% nguồn cung toàn cầu. Việc siết xuất khẩu mặt hàng này đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng của ngành xe hơi, hàng không vũ trụ, sản phẩm bán dẫn và quốc phòng trên thế giới.
Tháng trước, Bắc Kinh cho biết sẽ tăng cấp phép xuất khẩu nam châm đất hiếm. Đây là sự nhượng bộ sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thương mại hồi đầu tháng 6.
Ngày 19/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã chấp thuận "một số" đơn xin xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, họ không công bố chi tiết. Gần đây, các hãng sản xuất nam châm đất hiếm Trung Quốc như JL MAG Rare-Earth và Innuovo Technology thông báo đã nhận được giấy phép xuất khẩu cho một số khách hàng.
Hà Thu (theo Reuters)