Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tới lĩnh vực đầu tư, tài chính, trong đó có Luật Đấu thầu.
Theo luật hiện hành, dự án của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dùng vốn ngân sách sẽ phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, sửa đổi lần này, dự luật đề xuất thu hẹp phạm vi điều chỉnh, chỉ áp dụng đấu thầu với các dự án đầu tư dùng 50% vốn ngân sách trở lên trong tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Với gói thầu thuộc dự án dùng dưới 50% vốn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước sẽ tự quyết định việc chọn nhà thầu trên cơ sở minh bạch, công khai.
Các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 (tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư) và nhóm 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên và một phần chi đầu tư) được tự quyết việc chọn nhà thầu khi đấu thầu dự án không dùng vốn ngân sách. Việc này nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị này.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận, sáng 25/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh - Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định này giúp tăng tự chủ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) làm rõ cơ sở pháp lý, tiêu chí xác định tỷ lệ 50%, cũng như tác động chính sách này. "Đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định".
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khi giải trình, cho hay "Chính phủ đang dự kiến báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này".
Liên quan tới xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, dự thảo luật bổ sung quy định giá trúng không thấp hơn giá gói thầu theo tỷ lệ do Chính phủ quy định. Việc này nhằm ngăn tình trạng bỏ thầu quá thấp, thi công kém chất lượng.
Song khi thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh cho rằng quy định "giá sàn" như vậy có thể làm giảm cạnh tranh về giá, không xử lý triệt để vấn đề năng lực thi công và thiếu linh hoạt với các dự án, công trình quy mô nhỏ.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp bổ sung, thay thế như kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từ đầu thông qua cơ chế giám sát và yêu cầu nhà thầu cam kết bảo hành dài hạn. Cùng với đó, Chính phủ cần đưa ra chế tài mạnh với nhà thầu vi phạm hợp đồng, gồm việc cấm tham gia đấu thầu trong thời gian nhất định.
![]() |
Ông Lê Quang Mạnh, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, phát biểu tại phiên thảo luận, sáng 25/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Tại sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP. Việc này nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, dự luật chưa làm rõ cơ sở, tác động về tính khả thi trong kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP. Do đó, để hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai, cơ quan thẩm tra đề nghị thận trọng trong mở rộng đối tượng "cá nhân" tham gia dự án đầu tư PPP.
Cũng tại dự luật, Chính phủ muốn bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu trong dự án PPP (125% với tăng doanh thu, 75% khi giảm doanh thu) và giao quyền quy định tỷ lệ này cho Chính phủ. Phó chủ nhiệm thường trực Lê Quang Mạnh nhận xét tỷ lệ chia sẻ này là yếu tố cốt lõi, thể hiện chính sách nhất quán và cam kết dài hạn của Nhà nước trong hợp đồng PPP.
"Việc giao Chính phủ quy định tỷ lệ này theo từng thời kỳ cần cân nhắc thận trọng, bởi có thể làm giảm khả năng huy động vốn, dẫn đến tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư", ông nêu.
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phân tích cơ chế này khi áp dụng với dự án BOT giao thông. Theo đó, doanh thu dự án vượt 125% Nhà nước và nhà đầu tư sẽ đàm phán để điều chỉnh, rút ngắn thời gian thu phí. Ngược lại, doanh thu chỉ đạt 75%, hai bên cũng đàm phán để tăng thời gian thu phí, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.
Nhưng thực tế quy định này "quá cứng", bởi có trường hợp doanh thu vượt 20% đã phải đàm phán lại, do số tuyệt đối vốn của dự án quá lớn. Hoặc trường hợp dự án sụt giảm 10% doanh thu, nhà đầu tư "không chịu được" nên phải đàm phán lại để kéo dài thời gian thu phí cho họ.
"Mong Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu này để tạo điều kiện linh hoạt, tránh thất thoát cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Thắng nói.
Dự kiến, dự thảo một luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính - đầu tư sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5.
Anh Minh