Giải bóng rổ trẻ VnExpress - Cup Ziaja 2024 cuối năm ngoái là một kỷ niệm đẹp với Nguyễn Đình Minh, học sinh THPT Phan Đình Phùng. Em ghi những điểm quan trọng, khích lệ tinh thần đồng đội để hướng tới chức vô địch và đoạt MVP (cầu thủ hay nhất giải).
![]() |
Đình Minh nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất hồi năm ngoái. Ảnh: VYBC |
Trong thời điểm khó khăn ở tứ kết, khi đối thủ siết chặt phòng ngự, Minh vẫn tìm được khoảng trống, ghi tổng cộng 25 điểm và góp công lớn đưa đội vào bán kết. Trận tiếp theo gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm, đội bóng có chiều sâu đội hình, Minh tiếp tục là tâm điểm với bốn cú ném ba điểm thành công, giúp đội nhà vào chung kết và lên ngôi vô địch.
Những khoảnh khắc đó là dấu ấn hiếm có trong đời học sinh, và thậm chí có thể đặt nền móng để Minh nghĩ tới thi đấu chuyên nghiệp.
Bóng rổ học đường thường thi đấu trong thời gian chỉ vài ngày, mỗi trận như một trận knock-out. Mật độ dày và áp lực từ khán giả, bao gồm bạn bè, người thân, thầy cô, khiến các cầu thủ đôi khi e ngại mắc sai lầm. Tuy nhiên, nếu tâm lý vững vàng, quyết định đúng lúc của một cầu thủ có thể thay đổi cục diện trận đấu, thậm chí thay đổi cả lộ trình phát triển một cá nhân. Điều này tạo nên chất riêng của bóng rổ học đường.
Không chỉ ở Việt Nam, mô hình bóng rổ học đường từ lâu đã chứng minh hiệu quả ở các nước phát triển. Tại Mỹ, theo thống kê của ESPN, hơn 90% cầu thủ NBA từng tham dự ít nhất một giải trung học. LeBron James từng được ví như "hiện tượng học đường" khi các trận đấu của anh được phát sóng trực tiếp từ khi còn học lớp 12. Những tên tuổi như Kobe Bryant, Kevin Durant hay Stephen Curry đều đi lên từ hệ thống thi đấu học đường, trước khi bước vào NCAA hoặc NBA.
![]() |
Các cầu thủ THPT Kim Liên (áo vàng) và THPT Đống Đa (áo hồng) có pha bóng giằng co ở giải năm ngoái. Ảnh: VYBC |
Giải McDonald's All-American - quy tụ các tài năng trung học hàng đầu nước Mỹ - từng là nơi ra mắt của hàng loạt ngôi sao NBA như Magic Johnson, Carmelo Anthony hay Zion Williamson. Cơ chế thi đấu cạnh tranh cùng môi trường đầy tính cảm xúc được xem là nền tảng để phát hiện tài năng sớm.
Tại Việt Nam, nhiều trường học hiện cũng đầu tư hệ thống huấn luyện bài bản, mời cựu cầu thủ chuyên nghiệp tham gia dẫn dắt đội tuyển, tạo nên bệ đỡ vững chắc từ lứa học sinh. Việc thi đấu học đường không còn chỉ là hoạt động ngoại khóa, mà dần trở thành một phần trong hệ sinh thái phát triển thể thao trẻ.
Năm nay, giải bóng rổ học sinh VnExpress Youth Basketball - Ziaja Cup lần đầu tiên mở rộng ra hai miền, quy tụ 16 đội từ Hà Nội và TP HCM. Vòng giao hữu toàn quốc tổ chức từ ngày 30/5 đến 1/6 tại TP HCM, với sự tham gia của nhiều gương mặt nổi bật từ vòng loại. Các HLV đánh giá cao sự cải thiện về thể lực, chiến thuật và khả năng ra quyết định của các cầu thủ trẻ, đặc biệt là những nhân tố từng để lại dấu ấn mùa trước.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, giải hướng tới mục tiêu vượt ra ngoài khuôn khổ phong trào, trở thành sân chơi chuyên nghiệp để các cầu thủ trẻ thể hiện, trước khi tiếp cận các cấp độ cao hơn như đội tuyển thành phố, học viện hoặc giải chuyên nghiệp.
"Việc đầu tư cho bóng rổ học đường hiện nay được coi là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái thể thao bền vững. Khi những khoảnh khắc tỏa sáng trong sân trường được phát hiện và ghi nhận đúng cách, chúng có thể trở thành bước đệm cho sự nghiệp dài hơn trong tương lai", đại diện Ban tổ chức nhận định.
Lan Anh