![]() |
Năm 1996, nữ du khách Anh Linda Tobeys 36 tuổi, lần đầu có chuyến du lịch dài ngày xuyên Việt. Linda cùng chồng đi tour cùng một nhóm nhỏ kéo dài 21 ngày đi qua nhiều tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM, di chuyển bằng đường bộ và tàu hỏa.
TP HCM là điểm dừng cuối, nơi Linda lưu lại hai ngày và tham quan các điểm nổi tiếng như Dinh Độc Lập (ảnh), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay địa đạo Củ Chi.
![]() |
![]() |
Trước khi đến TP HCM, bà và chồng đã chu du nhiều nơi trên thế giới. Đầu thập niên 1990, bà từng khám phá Trung Quốc và nhận xét TP HCM năm 1996 "gợi nhớ Bắc Kinh" với những khu chợ người Hoa tấp nập người và hàng hóa.
Nổi bật trong khu vực này là chợ Bình Tây, quận 6 (ảnh), phản ánh đậm nét nhịp sống của cộng đồng người Hoa thời bấy giờ ở TP HCM. Chợ sầm uất với các gian hàng vải, thực phẩm khô, thảo dược và ẩm thực đặc trưng như hủ tiếu, bánh bao.
![]() |
![]() |
Cách chợ Bình Tây một km là chùa Bà Thiên Hậu, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Khung cảnh bên ngoài và trong ngôi chùa khi Linda đến thăm gần như không thay đổi so với hiện tại. |
![]() |
Đoạn đường Lê Lợi, quận 1, năm 1996 phủ kín cây xanh, vẫn còn xe lam, xích lô lưu thông trên đường.
Ấn tượng đầu của Linda về TP HCM là đường phố ít ô tô, các phương tiện chủ yếu là xe đạp và xe máy.
"Người dân tò mò nhìn chúng tôi - những vị khách nước ngoài hiếm hoi, họ rụt rè khi chúng tôi bắt chuyện", Linda nói.
![]() |
![]() |
Góc đường Hàm Nghi, quận 1, cách đây 30 năm có những hàng me xanh mát.
Điều gây ấn tượng với Linda là quy mô của các dự án lắp đặt cáp Internet tại nhiều tỉnh thành phía nam bà đi qua, trong đó có TP HCM. Phần lớn các tuyến đường chính đều được đào rãnh bên lề, cho thấy tầm nhìn và tốc độ phát triển của thành phố.
![]() |
![]() |
Khung cảnh bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ (ảnh trước) trên đường Lê Duẩn năm 1996. Điểm cuối đường là Dinh Độc Lập (ảnh sau), nơi hầu hết du khách đến TP HCM đều ghé thăm.
Khuôn viên Dinh có nhiều cây cổ thụ, lối vào nổi bật với bản sao chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 - chiếc húc đổ cổng phụ Dinh trưa ngày 30/4/1975.
![]() |
Nữ du khách Anh chia sẻ Dinh Độc Lập lưu giữ nhiều quá khứ tự hào của dân tộc Việt Nam. Khi lên nóc Dinh tham quan nơi trưng bày chiếc trực thăng UH-1 của Không lực Việt Nam Cộng hòa, bà ấn tượng với vòng tròn đỏ ghi dòng chữ: "Vào lúc 8h30 phút sáng 8/4 năm 1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung lái máy bay F5E và ném hai quả bom trúng mục tiêu tại đây". |
![]() |
![]() |
Khung cảnh khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh năm 1996, một năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Linda cho hay thời điểm đó bảo tàng chưa nhiều khách nước ngoài, chủ yếu là khách nội địa. Gần cổng ra vào bảo tàng có một cửa hàng lưu niệm (ảnh trước) đề tên tiếng Anh và tiếng Trung.
![]() |
Trong hai ngày ở TP HCM, Linda cũng di chuyển ra ngoại ô và ghé thăm Củ Chi, nơi có hệ thống địa đạo dài hàng trăm km "khiến thế giới thán phục".
Khi trải nghiệm chui đường hầm tầng trên, Linda thấy khâm phục sự thông minh và dũng cảm của người Việt Nam. Bà nhớ mãi kỷ niệm vài người trong đoàn bị ngộp thở vì không gian chật hẹp lúc chui hầm. Một người đàn ông cao lớn bị kẹt lại trong hầm vài phút, phải nhờ người khác hỗ trợ mới thoát ra được.
![]() |
Khung cảnh Bưu điện TP HCM năm 1996 vắng bóng du khách tham quan, ít phương tiện qua lại.
Ngay sau đợt bùng phát dịch SARS năm 2004, bà Linda và chồng quay lại TP HCM. Khi đó, họ là một trong số ít du khách nước ngoài ghé thành phố. Sau 7 năm kể từ chuyến xuyên Việt, Linda thấy TP HCM "thay đổi hoàn toàn", nhộn nhịp, vội vã, xe cộ khắp nơi, người dân khá giả và năng động hơn.
"Đợt phong tỏa vì SARS đã gây nhiều khó khăn cho các chủ cửa hàng và nhà hàng, nên họ rất vui khi thấy du khách dần quay trở lại", bà Linda nói.
Hơn 20 năm, Linda đã đi thêm nhiều nơi nhưng chưa có dịp quay lại TP HCM lần nữa. Bà nhớ thành phố xưa với những con hẻm yên tĩnh và ngôi nhà kiến trúc cổ kính. Qua những hình ảnh trên mạng xã hội, nữ du khách hình dung thành phố đã "thay da đổi thịt hoàn toàn" và mong sớm có chuyến đi đến Việt Nam, thăm lại TP HCM nơi có ẩm thực, con người và dấu ấn lịch sử tuyệt vời.
Bích Phương
Ảnh: NVCC