Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm diễn ra chiều 9/7 tại Hà Nội, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhận định ngành đã "đạt được các kết quả nổi bật" trong 6 tháng đầu năm.
Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 và đặt ra mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách trong năm nay, tăng 22-27% so với 18 triệu lượt khách của năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, nhiều hơn 10 triệu lượt khách của cả năm 2016 và tăng 26% so với cùng kỳ 2019. Ngay tháng 1, du lịch Việt lập kỷ lục mới khi đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn cùng kỳ của năm hoàng kim 2019 gần 40%. Đến tháng 3, du lịch Việt lần thứ hai lập kỷ lục đón hơn 2 triệu lượt khách trong tháng.
Thành tích ngành Du lịch Việt đạt được một phần đến từ các chính sách miễn hoặc nới lỏng thị thực của Chính phủ. Công dân ba nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ được miễn thị thực từ 1/3 đến 31/12 theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Tháng 3, chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân 12 nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch trong 6 tháng đầu năm được các đơn vị lữ hành làm mới và đa dạng hơn. Các tour du lịch gắn liền với tình yêu nước, về nguồn, nhân dịp 30/4 năm nay cũng thu hút du khách.
Cũng trong 6 tháng, cả nước có nhiều khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch quy mô lớn đi vào hoạt động như Công viên nước Sun World Hà Nam, VinWonders Vũ Yên Hải Phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng Lamori Thanh Hóa, khách sạn Radisson Red Đà Nẵng. Năm nay cũng là lần đầu tiên ngành du lịch tổ chức cho du khách khám phá các điểm đến quốc tế bằng du thuyền, khởi hành trực tiếp từ Việt Nam.
![]() |
Du khách tắm biển ở Mũi Né đầu tháng 7. Ảnh: Việt Quốc |
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu năm, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, một trong các thách thức đó đến từ những quốc gia trong khu vực. Trung Quốc, Thái Lan liên tục có chính sách nới lỏng hoặc miễn visa cho các nước thị trường tiềm năng, tạo sức cạnh tranh lớn, tác động đến chất và số lượng khách tới Việt Nam.
Chất lượng dịch vụ tại một số điểm chưa đáp ứng được kỳ vọng như thiếu các dịch vụ 4-5 sao, doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính để xây dựng sản phẩm cũng là những khó khăn mà ngành du lịch Việt gặp phải.
Một trong những thách thức lớn nhất của du lịch nội địa vẫn là giá vé máy bay cao vào các dịp đặc biệt. Trong cao điểm hè năm nay, nhiều chặng đã tăng giá vé đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Chặng Hà Nội/TP HCM đi Phú Quốc nhiều thời điểm giá lên tới 5-6 triệu đồng khứ hồi, chưa tính hành lý. Chặng "hot" khác là Hà Nội/TP HCM đi Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng khoảng 25-30%, giá vé dao động 3,5-4,5 triệu đồng mỗi người.
Theo gợi ý từ các chuyên gia du lịch, du khách có thể tránh bay vào các dịp đông khách như cuối tuần, chọn giờ bay sáng sớm hoặc tối muộn nếu có thời gian đi du lịch linh hoạt nhằm giảm giá thành. Du khách cũng có thể lựa chọn các phương tiện thay thế như ôtô, tàu hỏa. Cục Du lịch và Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác nhằm quảng bá, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt.
Quay trở lại vấn đề visa, nhiều người vẫn cho rằng miễn thị thực càng nhiều quốc gia thì ngành du lịch càng hút khách quốc tế. Tuy nhiên, miễn visa quá nhiều cũng đi kèm với các hệ lụy như an ninh, an toàn quốc gia. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới chính trị bất ổn như hiện nay, du khách sẽ ưu tiên các điểm đến an toàn hơn các chính sách khác. Do đó, thay vì liên tục miễn visa, Việt Nam nên đầu tư vào quảng bá điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt dựa trên lợi thế bề dày văn hóa, truyền thống.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hộ Du lịch Việt Nam (VITA), muốn thu hút khách, ngành cần tiếp cận trực tiếp với nguồn khách gốc, thông qua việc mở các trung tâm xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Ông Bình cho biết sau khi tiếp xúc với khách Hàn, thị trường gửi khách top 2, ông nhận ra vẫn còn nhiều người Hàn chưa biết đến Việt Nam. Do đó, việc mở trung tâm xúc tiến du lịch Việt Nam ở Seoul là một lợi thế, nhằm thu hút được nhiều hơn nữa tệp khách này. Ngành du lịch cũng có thể mở trung tâm xúc tiến tương tự tại các thành phố lớn ở Nhật Bản, thị trường gửi khách top 5 đến Việt Nam.
Muốn ngành du lịch Việt Nam phát triển và hút khách ngày càng nhiều, người dân và những người làm trong ngành phải có tình yêu với văn hóa, truyền thống đất nước. Chỉ khi người Việt tự hào với những truyền thống đó thì mới có thể khiến khách quốc tế ngưỡng mộ Việt Nam, từ đó khách quốc tế mới đến đông.
"Nếu chúng ta không yêu thích, không say mê du lịch Việt thì sao có thể thuyết phục được người khác đến", ông Bình nói.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón hơn 3,66 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với cùng kỳ 2024. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 62.300 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước. Các con số tăng trưởng trên cho thấy Hà Nội đã đi đúng hướng khi tập trung thu hút các tệp khách đến từ các thị trường trọng điểm. Thay vì quảng bá chung chung, Hà Nội đã có các chiến lược quảng bá riêng cho từng thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam. Đây cũng là một chiến lược Hà Nội đã làm thành công, các tỉnh thành khác có thể làm theo.
Đứng trước các thách thức và khó khăn, nhiều chuyên gia, CEO các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng các định hướng và đà phát triển hiện nay của ngành du lịch, năm 2025 chắc chắn sẽ vượt qua kỳ tích mà năm 2019 đã đạt được.
"Mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách cuối năm 2025 là hoàn toàn khả thi", ông Khánh nói.
Phương Anh