Thói quen này đã phổ biến đến mức trở thành hiện tượng xã hội với tên gọi "bathroom camping" (cắm trại trong nhà vệ sinh). Hình thức "trị liệu tâm lý" kỳ lạ này có thể kéo dài hàng giờ, diễn ra ở cả toilet công cộng lẫn nhà riêng, phản ánh thực trạng tâm lý đáng chú ý của người trẻ trong xã hội hiện đại.
Hendo, một TikToker ở Chicago, Mỹ, công khai thừa nhận thói quen này trong một video thu hút hơn 135.000 lượt xem. "Tôi chính là một 'camper' (người cắm trại) chính hiệu", anh nói. "Mỗi khi cuộc sống trở nên quá tải, dù đang ở một bữa tiệc ồn ào hay ở nhà, tôi đều vào toilet để lấy lại bình tĩnh".
Người đàn ông này đã duy trì thói quen này suốt 20 năm, từ khi là thiếu niên. Với Hendo, nhà vệ sinh là không gian đặc biệt, nơi anh có thể ngắt kết nối hoàn toàn với thế giới bên ngoài. "Trong đó không có gì cả, không có cửa sổ để nhìn ra ngoài. Chỉ có tôi đối diện với chính mình", anh nói.
Hendo cũng khuyến khích mọi người nên thử ngồi thư giãn trong nhà vệ sinh, bởi tin rằng giúp giải tỏa tinh thần hiệu quả, không bị ai làm phiền bạn.
Chia sẻ của Hendo nhận sự đồng cảm của hàng nghìn người. Bên dưới video, loạt bình luận bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc. "Tôi đang ngồi trên bồn cầu xem TikTok đây", một người viết. "Vào toilet rồi bật một bản nhạc yêu thích hoặc lướt mạng xã hội cho quên hết sự đời", một người khác bình luận.
![]() |
Một số người trẻ thích "cắm trại" trong nhà vệ sinh để có cảm giác an toàn. Ảnh: VICE |
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng cảm với trào lưu này, nhất là khi diễn ra ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến người khác. Làn sóng chỉ trích cho rằng hành động này là ích kỷ và gây phiền hà với những người thực sự có nhu cầu.
"Tôi là người có bàng quang nhỏ và mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Nếu bạn không thực sự cần dùng toilet, hãy nhường cho chúng tôi", một người dùng bức xúc.
Đối mặt với các ý kiến trái chiều, nhiều người cho biết hành động của họ không ích kỷ, mà là một cơ chế đối phó với các vấn đề tâm lý, từ rối loạn lo âu xã hội đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Một người dùng TikTok khẳng định "cắm trại trong nhà vệ sinh" là một "phản ứng với sang chấn tâm lý" (trauma response) mà họ không thể kiểm soát.
"Đó là căn phòng duy nhất trong nhà tôi từng cảm thấy an toàn. Rất nhiều cơn hoảng loạn của tôi đã trôi qua trong đó", một người chia sẻ.
Câu chuyện của một tài khoản khác khiến nhiều người phải suy ngẫm: "Tôi thường trốn trong đó mỗi khi bố mẹ cãi nhau và bố tôi say xỉn, vì cửa phòng ngủ của tôi không có khóa. Nhà vệ sinh là nơi duy nhất tôi thấy an toàn. Đến bây giờ tôi vẫn ngồi trong đó hàng giờ liền, nghĩ lại thấy khá buồn".
Cynthia Vinney, chuyên gia tâm lý truyền thông tại Mỹ, viết trên trang Psycle Health rằng việc dành thời gian quá lâu trong phòng tắm có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn.
"Trong một số trường hợp, những cá nhân đang vật lộn với chứng trầm cảm hoặc lo âu có thể chọn ngồi trong phòng tắm trong thời gian dài như một cách để trốn tránh. Do đó, hành vi này có thể là một dấu hiệu cần được quan tâm", bà Vinney nói.
Minh Phương (Theo NYPost)