Cô nhớ lại một hoạt động tập thể thời sinh viên, khi mọi người được yêu cầu đứng về hai phía: một bên là những người chấp nhận "vượt rào", bên kia là những người chờ đến khi cưới. Gần như tất cả đứng về phía thứ nhất, chỉ có cô và một người nữa đứng phía còn lại.
"Lúc đó, hai đứa tôi bị cười cợt hệt như sinh vật lạ", cô kể.
Nhưng gần 10 năm trôi qua, cô vẫn giữ quan điểm "sex là sự gắn kết thiêng liêng, chỉ nên chia sẻ giữa vợ và chồng".
![]() |
Ảnh minh họa: Hindustantime |
Không chỉ Hương, nhiều phụ nữ chia sẻ cảm giác tương tự khi nhìn lại quyết định của mình trong quá khứ. Trong khảo sát của VnExpress với hơn 100 phụ nữ, trả lời câu hỏi "Bạn có cảm thấy quan hệ tình dục trước hôn nhân có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình không?", 59% nói hối tiếc, 20% không thực sự hối tiếc, 15% cho biết cảm xúc thay đổi theo thời gian và 6% cho đây là lựa chọn đúng.
Các lý do chính đưa ra cho cảm giác hối tiếc là bị là phụ thuộc cảm xúc, sợ có bầu, không đủ sáng suốt chọn bạn đời phù hợp, giảm giá trị của bản thân, dễ bị bệnh tình dục.
Một người nhận ra việc "lao vào nhau quá sớm" khiến cô không tỉnh táo đánh giá đối phương. Hậu quả là một cuộc hôn nhân sai lầm mà cô đang chật vật tìm lối thoát. "Vừa cưới xong tôi đã thấy hối hận, nhưng tưởng mình sai vì cưới vội. Mãi sau này mới hiểu, cái sai lớn nhất là quan hệ trước hôn nhân", cô chia sẻ.
Không chỉ là lựa chọn cá nhân, câu chuyện "sống thử" còn là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Trên Threads, nơi được xem là "thành phố của Gen Z", hàng chục bài viết thu hút vài trăm nghìn lượt xem và thảo luận về chủ đề này. Đặc biệt một nhóm Facebook hơn 15.000 thành viên cũng quy tụ những người ủng hộ tư tưởng này. Dẫn dắt cộng đồng là Te Fung, một TikToker với 220.000 người theo dõi.
Quan điểm "nói không với sex trước hôn nhân" của anh xuất phát từ bốn lý do chính. Đầu tiên "vượt rào" sớm rất dễ bị lụy tình và có nhiều ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của người phụ nữ. Một khi đã gắn kết thể xác, phụ nữ thường dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nếu không xảy ra chuyện này, không mang thai, mọi vấn đề trong mối quan hệ đều dễ xử lý hơn.
Một trong những rủi ro là nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Trong trường hợp bỏ thai, không chỉ là thể chất, mà ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần, tâm trí của người phụ nữ, tệ hơn có thể là vô sinh sau này. Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới, với gần 300.000 ca mỗi năm, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2022.
Ngay cả khi không có bầu, vẫn có nhiều nguy cơ lây mắc các bệnh tình dục. Giữa xã hội phóng khoáng như hiện nay, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã liên tục gia tăng, như ở Bệnh viện Da Liễu TPHCM có tới 71.000 lượt khám và điều trị trong năm 2024. Việc hiểu rõ rủi ro và chủ động đưa ra lựa chọn phù hợp giúp người trẻ bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Và theo Te Fung, việc trì hoãn tình dục cũng giúp lọc ra những người đàn ông thực sự nghiêm túc. "Tôi kêu gọi phụ nữ không quan hệ trước hôn nhân không phải để giữ trinh tiết cho ai, mà để bảo vệ chính mình", anh nói.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, chuyên gia về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cũng ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên theo chuyên gia, vấn đề ở đây không phải là ngăn cản bởi có ngăn cũng không được. "Việc quan trọng là phải tăng cường kiến thức để sao trì hoãn tình dục trước hôn nhân càng muộn càng tốt", bà nói.
Theo bà, việc "trì hoãn càng muộn càng tốt", tức là đã trang bị đủ kiến thức từ phòng tránh thai, phòng ngừa bệnh tật, hiểu biết về tình dục, sự sâu sắc trong tình cảm, mối quan hệ phải có trách nhiệm và cam kết.
Không đồng tình với bà Hồng, Bùi Thị Minh Ngọc, một chuyên gia khai vấn tình dục tại Hà Nội cho biết nhu cầu gần gũi về thể xác là một khao khát tự nhiên ở hầu hết người trưởng thành. "Sex không làm con người trở nên bẩn thỉu hay trong sáng", Minh Ngọc nói.
Theo cô, tình dục giống các trải nghiệm khác, mọi người có thể lựa chọn để nó mang lại niềm vui và sự thỏa mãn, cũng như học cách đối mặt với những hệ quả không mong muốn.
"Hôn nhân không phải là chiếc khiên bảo vệ bạn khỏi những rủi ro của tình dục. Đạo đức trong tình dục không nằm ở việc đợi bao lâu mà là cách bạn yêu thương, chấp nhận, tôn trọng bản thân và đối tác", cô nói.
Với người trưởng thành, tình dục không chỉ là an toàn hay sinh sản, còn là khoái cảm. Nhiều người cho rằng khoái cảm là không cần thiết, thậm chí là nguồn gốc của tội lỗi. Nhưng khoái cảm thực sự là một quyền cơ bản của con người, giống như quyền được sống và được mưu cầu hạnh phúc.
Việc khuyên phụ nữ phải chờ đợi để trải nghiệm một nhu cầu cơ bản của con người chỉ là giải pháp phần ngọn chứ không phải phần gốc, khiến họ thiếu hiểu biết về tính dục của mình và biến nam giới thành những "kẻ tội đồ chỉ chăm chăm lợi dụng phụ nữ". Đặc biệt khi hiện nay người trẻ có xu hướng độc thân, kết hôn muộn, lời khuyên này trở nên ít giá trị.
"Giải pháp gốc rễ của vấn đề này nằm ở việc giáo dục giới tính và tình dục toàn diện; duy trì góc nhìn cởi mở, vượt lên trên sự xấu hổ và tội lỗi vốn đã bao trùm tình dục bấy lâu nay", chuyên gia nói.
Dưới góc độ tâm lý, Phan Văn Lê Sơn, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học lâm sàng tại IPU Berlin (Đức) cho biết tình dục trước hôn nhân không phải nên hay không một cách tuyệt đối, mà tùy vào cách tiếp cận.
Nghiên cứu của Rosenfeld & Roesler (2018) cho thấy, những cặp "sống thử" với cam kết rõ ràng thường có hôn nhân bền vững hơn. Ngược lại, nếu thiếu sự giao tiếp và mục tiêu rõ ràng, rủi ro đổ vỡ cao hơn.
Ở Việt Nam, yếu tố văn hóa, niềm tin truyền thống và áp lực gia đình cũng ảnh hưởng lớn, dễ gây xung đột nội tâm hoặc căng thẳng trong mối quan hệ. "Tình dục trước hôn nhân không phải thước đo đạo đức hay quyết định hạnh phúc hôn nhân. Quan trọng là bạn có đủ hiểu biết, chủ động và trách nhiệm với cơ thể, cảm xúc và tương lai của mình hay không", Sơn nhấn mạnh.
Trước khi kết hôn vào cuối năm 2024, Hoài Phương từng trải qua vài mối quan hệ nhưng luôn giữ vững ranh giới, dù bị chê là "lạc hậu" hay chịu áp lực từ những người cũ. Người chồng hiện tại tôn trọng quan điểm này của cô trong suốt hơn một năm yêu nhau.
"Nhiều người bảo không thử trước, cưới về hối hận thì sao? Nhưng có hàng chục cách để biết, đâu cần đem bản thân ra thử", Phương nói.
Với Ngọc Mai, 24 tuổi ở TP HCM, quan điểm về việc này liên tục thay đổi. Những năm đầu đại học, cô luôn tin chỉ nên trao khi đã đăng ký kết hôn, bởi sợ cảm giác thiệt thòi. "Nếu gặp người tốt, yêu thương mình và đi đến hôn nhân thì không sao, nhưng tôi thấy nhiều người chia tay ngay sau phát sinh quan hệ", cô chia sẻ.
Tới các năm cuối, khi chứng kiến bạn bè quen nhau vài tháng đã sống thử hoặc FWB (bạn tình), cô bắt đầu tự hỏi liệu mình có quá bảo thủ. "Nhưng gần đây khi đã hiểu rõ hơn về tình dục và trưởng thành trong suy nghĩ, tôi chọn để mọi thứ diễn ra tự nhiên", Mai nói.
Phan Dương