Trưa 15/4, khi chiếc xe khách dừng trước ngôi nhà ở xã Quảng Hải, Quảng Xương, ông Nguyễn Thế Long bước xuống. Trong sân, dân làng đứng chật kín. Mọi người muốn chứng kiến khoảnh khắc người con tưởng đã hy sinh, nay trở về quê hương sau 49 năm.
Bà Nguyễn Thị Côi, 59 tuổi, em gái ông Long chạy ra, bật khóc khi lần đầu tiên chạm vào người anh trai.
''Anh nhận ra em không?'', bà Côi hỏi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mấy ngày qua, mỗi lần gọi video bà đều tự giới thiệu "Em là Côi, em gái anh" nhưng đến giờ ông Long vẫn không nhớ.
"Anh giống hệt mẹ với chị gái tôi, không lẫn vào đâu được", bà nói.
![]() |
Bà Côi đón ông Long từ trên xe khách về nhà ở Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa, hôm 15/4. Ảnh: Anh Phú |
Một tuần trước, bà Côi nhận được tin người anh trai từng có giấy báo tử đã hy sinh ở chiến trường K (Campuchia), thực ra còn sống ở An Giang. Ngày 11/4, gia đình cử đại diện vào Bình Dương gặp bà Huỳnh Thị Hằng, mẹ nuôi ông Long, rồi cùng về An Giang đón ông ra Bắc. Bà Hằng cùng hai người em gái và 6 cháu nuôi của ông Long ra cùng.
Xuống xe, khi mọi người đang tíu tít gặp gỡ, hỏi han, bà Hằng lặng lẽ vào nhà chính, thắp hương lên bàn thờ cha mẹ đẻ ông Long. "Hôm nay tui đưa con trai về cho ông bà. Hơn bốn chục năm qua, tui đi kiếm ông bà không được. Giờ thì tuổi già của tôi mãn nguyện rồi", người phụ nữ 76 tuổi, khấn.
Khoảng năm 1980, ông Mỹ (chồng bà) thấy một chàng trai rách rưới, ăn xin ngoài chợ lại không minh mẫn, thương nên nhận về nuôi cùng 7 đứa con đẻ. Gia đình vất vả vì ông Long ngẩn ngơ, hành vi không chủ động, làm việc phải có người kèm. Bù lại, anh hiền lành, chịu khó nên cha mẹ nuôi và anh chị em trong nhà đều thương.
Chồng bà Hằng từng định nhờ người đưa Long ra Bắc tìm cha mẹ đẻ, nhưng sợ anh bị bỏ rơi dọc đường lại lâm cảnh lang thang lần nữa. Gần đây, ông Long đột nhiên nhớ lại được chính xác địa chỉ nhà, tên cha mẹ và anh chị em trong gia đình, nhờ vậy tìm được quê quán.
![]() |
Ông Long thắp hương cho gia tiên ngày trở về. Ảnh: Phạm Nga |
Nghe tin người thân sắp vào đón ông Long, bà Hằng đóng cửa quán cơm ở Bình Dương, cùng ra Bắc. Họ phải ngồi xe khách hai ngày, đêm vì ông Long không có giấy tờ để đi máy bay.
"Tôi tiếc cho Long vì không thể về nhà sớm hơn", bà nói.
Đó cũng là điều người thân, xóm giềng ở xã Quảng Hải tiếc cho ông. Cha mất sớm, một mình mẹ Long nuôi 5 người con. Trong ký ức của chòm xóm, ông là đứa nhanh nhẹn nhất nhà, làm đủ việc phụ mẹ nuôi các em. Tháng 2/1976, Nguyễn Thế Long nhập ngũ, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 2/1982, người nhà nhận giấy báo tử nói con trai đã hy sinh.
Gia đình nhiều lần đi tìm hài cốt ông Long nhưng không có kết quả. Nỗi đau của người mẹ lớn hơn khi đứa con trai không để lại kỷ vật gì. Trận bão những năm 1990 quét qua gian nhà tranh của gia đình, cuốn đi nốt mấy thứ đồ dùng của Long ngày trẻ. Giấy tờ liên quan đến ông cũng trôi theo nước lũ.
"Mẹ tôi buồn vì có ba người con trai đều chết trước cả mình", bà Côi nói.
![]() |
Ông Long cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận mình là liệt sĩ được gia đình treo trang trọng trong nhà, hôm 15/4. Ảnh: Phạm Nga |
Điều đáng mừng nhất với bà Côi là ông Long vẫn nhớ hết tên người thân trong gia đình và vài nhà hàng xóm, dù chưa nhận được mặt. Ông được người nhà đưa vào thắp hương cho cha mẹ.
Đứng bên bàn thờ nghi ngút khói, ông quỳ lạy, đọc tên mẹ rồi lẩm nhẩm đôi điều.
Đại diện gia đình cho biết, đợi cho những xáo trộn cảm xúc lắng xuống và hoàn tất thủ tục, họ sẽ hỏi ông muốn ở đâu. Sau khi cân nhắc, hai gia đình sẽ xem xét thực tế và nhu cầu của ông để đưa ra phương án phù hợp.
Trước mắt, bà Hằng, các em và cháu nuôi sẽ ở lại Thanh Hóa vài ngày để ông Long bớt bỡ ngỡ. Mừng vì con tìm được gia đình, quê hương, nhưng bà cũng buồn và thương nhớ.
"Xa người chết còn buồn nữa là xa người sống. Ở với nó hơn 40 năm rồi, có phải một ngày một bữa gì đâu", bà nói.
Trên suốt hành trình về Bắc, bà dặn con nuôi nếu ở một thời gian, thấy nhớ hay mùa đông lạnh quá không chịu được thì bảo con cháu, anh em đưa vào, hết lạnh thì trở ra.
Thiếu tá Hoàng Văn Chiến, trưởng công an xã Quảng Hải, cho biết đây là trường hợp hy hữu nhất anh gặp. Những ngày qua, công an xã đã liên hệ với nơi ông Long sinh sống để thực hiện một số thủ tục xác nhận thân nhân cho ông.
Chính quyền xã cũng đang phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương hoàn thiện hồ sơ cá nhân cho ông Long, bao gồm cấp căn cước, bảo hiểm y tế và xác minh tình trạng thương tật để làm chế độ thương binh.
Chiều 15/4, ông Long lần đầu ăn bữa cơm ở quê nhà. Ông ăn được hết những món hải sản quen thuộc đánh bắt ở biển quê mình, cười và tỉnh táo hơn khi không còn đông người lạ vây quanh.
Dù cha mẹ không còn, vợ con không có, việc ông được ngồi dùng bữa giữa hai gia đình máu mủ và nghĩa tình đã là một phép màu.
Phạm Nga