Họ là những người đã lâu không liên lạc. Cuộc trò chuyện nhanh chóng chuyển sang mượn tiền.
Anh cho một người vay 160 USD nhưng chỉ đòi được 110 USD sau nhiều lần nhắc nhở. Một số người khác biến mất nên anh quyết định quên luôn để đỡ mệt mỏi tinh thần.
Khảo sát của nền tảng tín dụng LendingTree cho thấy hơn 60% người Mỹ đã cho bạn bè hoặc gia đình vay tiền nhưng 35% gặp hậu quả tiêu cực như tổn thương tình cảm, oán giận, hoặc mất mối quan hệ. Thống kê của website tài chính Bankrate cũng cho thấy 44% người cho vay chịu tổn thất tài chính hoặc rạn nứt quan hệ với 24% hối tiếc quyết định.
"Tiền là một chủ đề nhạy cảm, thường gây căng thẳng trong các mối quan hệ, đặc biệt khi người vay không thể trả nợ đúng hạn", ông Michael Chin, cố vấn trung tâm tư vấn ở Singapore, nói.
Các chuyên gia cho rằng việc cho vay tiền là một quyết định cá nhân đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về các hậu quả có thể xảy ra.
Bà Tan Huey Min, giám đốc tổ chức hỗ trợ tài chính Credit Counselling Singapore, cho biết nếu người cho vay cần chuẩn bị tinh thần cho trường hợp không lấy lại được khoản tiền đó.
Bertram Yang cũng tin rằng chuyện mất tiền không đáng để căng thẳng nhưng vẫn đăng lên Instagram rằng sẽ không cho ai vay tiền nữa.
"Tôi cố giữ khoảng cách hơn", anh kể. Yang cũng chặn những người không trả tiền trên WhatsApp và tự trách mình vì đã quá "ngốc nghếch và cả tin".
Nhà tâm lý học Evonne Lek ở nền tảng tư vấn Reconnect Psychology and Family Therapy (Singapore) cho biết mọi người nên cân nhắc nguy cơ mất tình cảm nếu người vay không thể trả nợ. Người cho vay có thể cảm thấy bực bội, như trường hợp của anh Yang.
Bà khuyên nên quan sát xem họ có lắng nghe và tôn trọng mối quan ngại của bạn hay không. Đồng thời, bạn cần cân nhắc kỹ nếu họ hỏi vay số tiền lớn không hợp lý hoặc vay thường xuyên, lý do mơ hồ, không có kế hoạch trả nợ và thao túng cảm xúc như đe dọa tự làm hại bản thân, gây áp lực.
"Hỗ trợ tài chính có thể không giải quyết được vấn đề cốt lõi và thậm chí làm vấn đề tồi tệ hơn", bà nói.
Các chuyên gia cho biết vẫn có nhiều cách hỗ trợ người thân mà không cần cho vay tiền.
Cụ thể, bạn có thể bày tỏ sự tiếc nuối vì không giúp được lúc này, tránh xin lỗi quá mức và chuyển sang hỗ trợ phi tài chính, như lắng nghe, cùng họ tìm cách lập ngân sách, liệt kê các khoản nợ và tiếp cận các chương trình hỗ trợ phù hợp.
Nếu cần, bạn có thể đồng hành cùng họ đến các tổ chức tư vấn tài chính hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý.
Evonne Lek gợi ý một số cách thiết thực khác là mời họ dùng bữa, giúp trông con để họ có thời gian làm thêm.
Trong trường hợp người vay có thói quen chi tiêu không lành mạnh như nghiện ngập, nên đặt ranh giới rõ ràng và khuyến khích họ tìm kiếm tư vấn để thay đổi cuộc sống. Theo các chuyên gia, giúp người đang mắc nợ không nhất thiết phải bằng tiền, mà có thể bắt đầu từ việc hướng họ đến nguồn trợ giúp chuyên nghiệp.
Ngọc Ngân (Theo CNA)