Kate Woodley, 25 tuổi, ở London bắt đầu sở thích du lịch dài ngày cùng bạn bè từ năm 18 tuổi. Khi đi làm, cô vẫn tranh thủ mọi kỳ nghỉ để đến những vùng đất mới. Có năm cô đặt chân đến 10 quốc gia.
Sau đó, Kate phát hiện ra công ty có chính sách cho phép nghỉ làm ba năm sau hai năm làm việc. Cô quyết định tận dụng cơ hội này để đi phượt Trung Mỹ và châu Âu.
Khi trở về, cô nhận ra rằng không thể hòa nhập lại với cuộc sống. "Tôi thích công việc của mình, đồng nghiệp của tôi cũng rất tuyệt, nhưng tôi cảm thấy mất đi sự tự do", Kate chia sẻ.
Làm việc 8-9 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần chỉ để chờ đến cuối tuần rồi lặp lại chu kỳ đó khiến cô bức bối. Chỉ sau 6 tháng, Kate quyết định từ bỏ công việc.
![]() |
Kate trong một chuyến du lịch. Ảnh: Kate Woodley/@kateacrossborders |
Joe Probert, 28 tuổi, ở Manchester cũng có chung cảm giác chông chênh sau hành trình 6 tháng khám phá Nam Mỹ và châu Âu. "Tôi nhớ rõ cảm giác khi kéo khóa chiếc ba lô của mình lần cuối cùng – tôi bật khóc. Tôi không phải người dễ khóc, nhưng lúc đó, tôi thực sự cảm thấy đau lòng vì phải từ bỏ sự tự do", anh nói.
Trở về Anh vào cuối năm 2024, Joe không có việc làm, mắc nợ và sống cùng cha mẹ. "Có những ngày tôi cảm thấy rất căng thẳng vì nợ nần và chưa tìm được việc. Tôi không thể lập kế hoạch dài hạn và cảm thấy bế tắc", anh kể.
Tuy vậy, điều khó khăn nhất với Joe không phải tài chính, mà là phải quay lại bàn làm việc. Anh không muốn giam mình trong một môi trường văn phòng cứng nhắc như trước.
![]() |
Joe Probert trong hành trình trải nghiệm. Ảnh: Joe Probert |
Những Gen Z giống Joe và Kate, không còn hứng thú với mô hình làm việc truyền thống, đang ngày càng nhiều. Theo một nghiên cứu của tờ The Times, chỉ có 1/10 người trong thế hệ này muốn làm việc tại văn phòng, trong khi hơn 50% thừa nhận họ lười biếng hơn thế hệ cha mẹ mình.
Một khảo sát khác năm 2023 ghi nhận kết quả 40% người trẻ cho rằng một ngày làm việc kéo dài 10 tiếng là "không thể chấp nhận được".
Với chi phí nhà ở tăng cao và tuổi nghỉ hưu còn ở xa, ngày càng nhiều người trẻ chọn từ bỏ công việc văn phòng để theo đuổi những chuyến đi dài ngày.
Tuy nhiên, khi trở về họ phải đối mặt với cú sốc văn hóa ngược.
Theo chuyên gia tâm lý Elena Touroni, đồng sáng lập phòng khám tâm lý Chelsea, sự thay đổi từ một người lữ hành thành người lao động thường nhật là một cú sốc tâm lý lớn. "Du lịch mang lại cảm giác mới lạ, tự do và phiêu lưu – những yếu tố mà cuộc sống hàng ngày thường thiếu. Khi trở về, chúng ta mất đi nguồn dopamine từ những trải nghiệm mới, khiến mọi thứ trở nên nhàm chán", chuyên gia phân tích.
Không chỉ đối mặt với sự đơn điệu của cuộc sống, nhiều người trẻ còn cảm thấy khó kết nối lại với bạn bè và gia đình. "Du lịch giúp mở rộng tầm nhìn và xây dựng sự tự tin, nhưng cũng có thể tạo ra khoảng cách khi trở về nhà, nơi mọi thứ vẫn không thay đổi", vị này nói.
Kate cũng vậy. Cô không chỉ khó khăn trong công việc mà còn lạc lõng trong quan hệ cá nhân. Kate thấy mình trưởng thành rất nhiều trong thời gian du lịch, học vô số điều mới lạ. Nhưng khi trở về, mọi thứ vẫn y như cũ.
Bạn bè, gia đình vui vì Kate trở lại, nhưng cô thấy họ không thực sự hiểu những gì mình trải qua.
Theo các chuyên gia, mô hình làm việc từ xa có thể dung hòa cả hai nhu cầu của người trẻ. Mô hình làm việc bốn ngày một tuần cũng đang ngày càng phổ biến, giúp cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Elena cảnh báo không nên dùng du lịch dài ngày như một cách trốn tránh trách nhiệm. "Nếu liên tục thấy không hài lòng khi không được đi du lịch, đó là dấu hiệu của sự trốn tránh hơn là một đam mê lành mạnh", Elena nói.
Theo Elena, lựa chọn cuộc sống du mục hay trở lại công việc truyền thống, quan trọng nhất vẫn là tìm được sự cân bằng và hạnh phúc.
Sau 6 tháng rời văn phòng, Kate quay lại với cuộc sống du mục kỹ thuật số. Cô thành lập công ty du lịch dành cho phụ nữ Stay Wild Travel. Giờ đây, cô có khoảng hai tháng mỗi năm ở nhà nhưng không còn cảm giác bị mắc kẹt. "Tôi có thể tận hưởng thời gian bên gia đình mà không cảm thấy mình từ bỏ sự tự do của bản thân", cô nói.
Về phần Joe, anh đang tìm một công việc từ xa để có thể cân bằng giữa công việc và du lịch. Dù gặp nhiều khó khăn, anh không hối tiếc về quyết định của mình.
"Tiền bạc rồi cũng có thể kiếm lại. Tôi sẽ không đổi những trải nghiệm của mình để lấy bất cứ thứ gì", Joe nói.
Nhật Minh (theo Metro)