"Tôi được khuyên nếu không uống rượu sẽ khó tồn tại trong ngành", Ryan, giám đốc điều hành một doanh nghiệp, nói.
Anh hiểu rượu bia đã trở thành văn hóa xã gia bởi nhiều người cho rằng nó phá vỡ sự ngại ngùng khi gặp khách hàng. Nhưng Ryan tin mình sẽ có mối quan hệ tốt mà không cần uống. "Năng lực sẽ tự nói lên tất cả", anh nói.
Tuy nhiên, những người tự tin như Ryan không nhiều ở Singapore.
Julia Aziz, 28 tuổi, không uống rượu, thay vào đó gọi nước ép táo trong các buổi đi chơi cùng đồng nghiệp. Nhưng dần dần, cô đặt câu hỏi liệu tham gia vào cuộc vui với chất có cồn sẽ khiến cô kết nối tốt hơn không?
Các chuyên gia nhân sự ở Singapore phân tích các ngành bán hàng, tài chính, quảng cáo và giải trí có văn hóa uống rượu mạnh bởi đòi hỏi phải tiếp đãi khách hàng. Dù vậy ở lĩnh vực khác, nhà tuyển dụng và nhân viên vẫn xem sự kiện có rượu bia là cơ hội để gắn kết.
Ông David Blasco, giám đốc công ty tuyển dụng Randstad Singapore, cho biết áp lực xã giao rượu bia là điều thường thấy. "Chúng như nghi thức gắn kết, không tham gia có thể tạo ra ấn tượng không hòa đồng", ông nói.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng không có mối liên hệ nào giữa hiệu suất công việc và việc uống rượu bia giao tiếp.
Trên thực tế, Gen Z - lực lượng lao động chủ lực, đang từ chối rượu bia. Khảo sát công ty phân tích thị trường đồ uống toàn cầu International Wine and Spirits Record (IWSR) cho thấy 64% Gen Z đủ tuổi mua thức uống có cồn ở Mỹ đã không dùng rượu bia trong 6 tháng.
Xu hướng này đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand.
Nghiên cứu về lối sống Gen Z của công ty tư vấn thị trường Mintel cũng ghi nhận số lượng lớn người trẻ đang dần từ bỏ việc uống rượu bia ở nhà và ngoài quán ăn, nhà hàng. Họ chọn cách giao tiếp xã hội không uống rượu.
Tiến sĩ Tania Nagpaul ở Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhấn mạnh việc thăng chức và đánh giá không nên phụ thuộc vào việc uống rượu giao tiếp. Bà cho rằng nếu nhân viên làm tốt công việc, họ không cần lo lắng về việc hòa nhập vào văn hóa uống rượu.
"Uống rượu là sự lựa chọn, không phải chuẩn mực xã hội", bà nói. Ông Blasco khuyên những người không uống rượu nên nhắc đồng nghiệp về sở thích của mình.
Để duy trì ranh giới, họ nên từ chối thẳng thắn, lịch sự như "Tôi không thích mùi vị của rượu" và đưa các lý do như sức khỏe, tôn giáo hoặc phải lái xe.
Nếu cảm thấy không thoải mái, họ có thể chuyển hướng cuộc trò chuyện như hỏi đồng nghiệp về đồ uống yêu thích.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều sự kiện xã hội khác không tập trung vào rượu bia để gắn kết tập thể như tình nguyện, thể thao, hoặc các hoạt động nghệ thuật.
"Nếu cuộc gặp có ý nghĩa công việc, bạn có thể tham dự mà không cần uống rượu", ông nói. Ngược lại, nếu nó mâu thuẫn với giá trị hoặc mức độ thoải mái của bạn, bạn có thể tìm cách khác để xây dựng mối quan hệ tại nơi làm việc.
Ngọc Ngân (Theo CNA)