Chiều tối 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân gặp mặt các nhà ngoại giao nữ Việt Nam và quốc tế nhân Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành ngoại giao (24/6) của Liên Hợp Quốc, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngành ngoại giao Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, trong văn hóa Việt Nam, người phụ nữ có vai trò trụ cột, quan trọng nhất trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam luôn được coi trọng và được tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với tất cả công việc của xã hội.
"Từ nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, với sự nỗ lực không mệt mỏi, đến nay đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng nói, nhấn mạnh rằng trong sự hy sinh và nỗ lực chung đó, có đóng góp rất quan trọng của phụ nữ Việt Nam.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chiều tối 10/7. Ảnh: Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện nay của Việt Nam là 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN.
Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với 16%. "Việt Nam rất coi trọng sự đóng góp của phụ nữ và có nhiều nữ anh hùng trong lao động, chiến đấu, sản xuất, trong đó có các nhà ngoại giao nữ, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cũng như một số nhà ngoại giao nữ xuất sắc khác", Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng được đón tiếp các nhà ngoại giao nữ trụ sở Chính phủ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ được trở thành một nhà ngoại giao nữ, được cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại thực sự là niềm tự hào và có ý nghĩa rất thiêng liêng.
Bà cho rằng hành trang để mỗi nhà ngoại giao nữ khi bước ra chính trường quốc tế chính là truyền thống lịch sử, là cốt cách văn hóa, là lợi ích của quốc gia dân tộc. Ngoại giao Việt Nam tự hào với những nhà ngoại giao nữ đã đi vào lịch sử dân tộc, điển hình là bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng Đoàn đàm phán tại hội nghị Paris.
Các thế hệ tiếp theo như bà Hồ Thể Lan, nữ phát ngôn đầu tiên của Bộ Ngoại giao; bà Phan Thị Phúc, nữ Tổng Thư ký UNESCO đầu tiên của Việt Nam; các Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Thị Huyền, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga và các thế hệ đại sứ nữ, cũng đã góp phần vào những thành tựu của ngành ngoại giao, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc |
Bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò tiên phong của các nhà ngoại giao nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam có những đóng góp đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhất là đóng góp để Việt Nam là một điểm sáng về hòa bình và tiến bộ. Chỉ trong một thập kỷ, Việt Nam đã tăng đáng kể thứ hạng về chỉ số bình đẳng giới toàn cầu, thúc đẩy chương trình nghị sự về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ của Liên Hợp Quốc.
Bà tin tưởng và hy vọng ngày càng có nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính quyền các cấp nói chung, trong ngành ngoại giao nói riêng của Việt Nam để hướng tới sự phát triển công bằng và bền vững.
Vũ Tuân