![]() |
Khoảng 17h ngày 22/7, mưa lớn khiến nước sông suối dâng cao tại bản Có Hạ, xã Nhôn Mai. Ít phút sau, một quả đồi lớn sạt xuống khu dân cư có hàng chục hộ sinh sống.
Năm ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn trong tích tắc. Thời điểm xảy ra sạt lở, người dân đã kịp chạy ra ngoài. Một số người sống sót nhờ chạy trước khoảng vài giây, tránh được dòng đất đá từ trên núi đổ xuống đường.
![]() |
Chị Seo Thị Tuyết, 40 tuổi, trú bản Có Hạ, xã Nhôn Mai, kể khi đang ngồi chơi với con trai 8 tuổi thì nghe tiếng động lớn phát ra từ ngọn núi phía sau nhà.
“Sạt, sạt lở”, chị Tuyết hét lên với con. Hai mẹ con lập tức chạy ra ngoài đường, khi ngoảnh lại thấy đất đá từ núi đổ ào xuống, cuốn phăng căn nhà xuống suối, chỉ còn sót lại một mảng tường.
![]() |
Toàn bộ tài sản của gia đình chị Seo Thị Tuyết bị vùi dưới lớp bùn, cành cây, rác và đất đá. Chiều 23/7, khi trời ngớt mưa, chị tranh thủ bới lớp bùn, nhấc các khúc gỗ, gốc cây lên để tìm lại những vật dụng có thể tận dụng, nhưng tất cả đều biến dạng, vỡ nát.
“Gia đình tôi chẳng còn gì. Không biết lấy đâu ra tiền dựng lại nhà mới khi thu nhập làm thuê chỉ vừa đủ sinh hoạt. Mấy hôm nay cả nhà phải ngủ nhờ nhà hàng xóm”, chị Tuyết nói, quay sang chồng và con trai 8 tuổi, mắt đỏ hoe.
![]() |
Quầy tạp hóa của chị Hà Thị Hoa, 42 tuổi, cách nhà chị Tuyết khoảng 50 m, bị đất đá từ núi ập xuống san phẳng, cuốn trôi nhiều hàng hóa như bánh kẹo, nhu yếu phẩm, quần áo xuống khe suối.
Chiều 23/7, bên trong quầy vẫn phủ đầy bùn đất, có nơi dày gần một mét, chưa thể dọn dẹp.
![]() |
Chị Hà Thị Hoa cho biết đã mua 27 bao nếp Lào, mỗi bao 50 kg về để bán. Sau trận sạt lở, toàn bộ số gạo bị vùi lấp, chỉ còn sót lại vài kg nằm trên lớp bùn.
“Vốn liếng đều dồn vào buôn gạo và bán tạp hóa, giờ mất hết. Trận sạt lở và lũ quét vừa qua khiến gia đình thiệt hại gần 200 triệu đồng”, chị Hoa nói.
![]() |
Nhà ông Lương Văn Thanh, 58 tuổi, cũng bị đất đá từ núi tràn xuống, khiến toàn bộ tài sản hư hỏng. Nhìn vợ đứng trong nhà, lặng lẽ thở dài trước chiếc tủ lạnh, tivi bị hỏng, ông Thanh động viên: “Còn người là còn của, thôi cố gắng đi rừng, làm thuê tích góp lại từ đầu”.
Tài sản trong nhà không chỉ bị vùi trong bùn đất mà còn bị tấm xi măng, thanh gỗ đè lên, không thể tái sử dụng.
![]() |
Chiếc xe máy ông Lương Văn Thanh thường dùng chở vợ đi làm thuê bị bùn phủ cao nửa mét sau sạt lở. Chiều 23/7, ông dùng gậy tre nâng bánh xe để kéo ra ngoài rửa sạch và mang đi sửa, nhưng vẫn chưa thực hiện được. |
![]() |
Chiều 24/7, một số gia đình ở bản Có Hạ bắt đầu lợp lại mái nhà để tạm trú, dự tính sẽ gia cố thêm khi có điều kiện.
Tranh thủ trời hửng nắng, nhiều người mang quần áo còn sót lại ra phơi. Nhiều hộ đã bị trôi hết đồ mặc, trong khi tuyến quốc lộ 16 nối trung tâm xã Nhôn Mai với các khu vực lân cận vẫn bị chia cắt do hàng trăm điểm sạt lở, giao thông chưa thể khôi phục.
![]() |
Dù đã rời khỏi khu vực sạt lở, người dân xã Nhôn Mai vẫn lo lắng khi trên núi còn nhiều khối đá lớn chưa ổn định, nguy cơ tiếp tục sạt xuống.
Hai ngày qua, nhiều nhóm người dân tại bản Có Hạ đã hỗ trợ các hộ bị thiệt hại dựng lại mái nhà, thu dọn vật dụng để ổn định chỗ ở tạm thời.
“Mọi người cùng hỗ trợ để gia đình bị ảnh hưởng sớm có nơi ở tạm, đề phòng mưa lớn quay lại. Chúng tôi cũng động viên nhau giữ bình tĩnh, chờ điều kiện thuận lợi để sửa sang lại nhà cửa”, một người dân nói.
![]() |
Hiện trên quốc lộ 16 đi qua xã Nhôn Mai xuất hiện hàng chục điểm bị núi sạt xuống, bùn nhão sâu khoảng nửa mét. |
![]() |
Nhôn Mai là xã biên giới thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Khơ Mú. Xã có 21 bản, trong đó 17 bản hiện đi lại rất khó khăn do đường sá bị chia cắt. Đợt mưa lũ vừa qua khiến một người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê đầy đủ.
Do ảnh hưởng của bão Wipha, từ đêm 21 đến hết ngày 22/7, nhiều khu vực ở Nghệ An có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200 mm, riêng huyện Quỳ Châu đạt 259 mm. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt, lũ ống và lũ quét tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu và Quế Phong.
Lưu lượng lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 12.800 m3/s, vượt mức thiết kế. Đến 17h30 ngày 23/7, mưa lũ đã khiến ít nhất ba người tử vong, một người mất tích, bốn người bị thương; hơn 3.700 nhà dân bị ngập sâu, hàng trăm căn bị tốc mái, nhiều bản làng bị cô lập.
Tối 24/7, mưa tại khu vực miền núi đã ngớt, nước rút nhanh trên quốc lộ 7, song giao thông vẫn ách tắc do lượng bùn lớn. Các xã vùng biên như Bắc Lý, Mỹ Lý và Nhôn Mai hiện chưa có sóng điện thoại, việc tiếp cận cứu trợ còn nhiều khó khăn.
Đức Hùng