Ba Vì là xã có vị trí xa nhất (trụ sở UBND xã cách trung tâm Hà Nội trên 70 km) và rộng nhất (hơn 80 km2) của TP Hà Nội sau sắp xếp đơn vị hành chính. Phần lớn diện tích xã là đồi núi nằm trong vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia Ba Vì, đóng vai trò bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu nguồn, điều hòa khí hậu, giữ nguồn nước cho toàn huyện Ba Vì cũ và phía tây Hà Nội.
Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên như trên cùng thói quen làm nhà, sinh sống của người dân cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
![]() |
Một số căn nhà ở thôn Mít Đồng Sống, xã Ba Vì nằm sát vị trí sạt lở. Ảnh: Văn Lộc |
Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ căn nhà ở sườn đồi cạnh dốc Trặc Tượng, thôn Sưu Quán, kể hơn 30 năm qua đã nhiều lần chứng kiến đất đá sạt lở khi mưa lớn, nặng nhất là vào năm 2018 và 2024 khi bão Yagi tràn về. Nhiều lần đất đổ xuống vách nhà, tràn vào sân.
Lo cho sự an toàn nên mỗi khi mưa bão, 6 người trong gia đình ông Quyết phải tạm lánh. "Chúng tôi mong được chính quyền hỗ trợ gia cố sườn đồi, hoặc bố trí nơi ở mới an toàn hơn", ông nói.
Cùng sống ở thôn Sưu Quán, ông Nguyễn An Hải cho biết gia đình có hơn 500 m2 đất thổ cư, nhưng lại nằm sát chân đồi có nguy cơ sạt lở. Để giảm nguy cơ, gia đình thuê người múc, san gạt đất ở đồi sau nhà. Tuy nhiên, phần đồi nằm trong diện tích chồng lấn của rừng quốc gia nên không thể tác động nhiều.
Ngồi chơi cùng cháu bên hiên căn nhà hai tầng khang trang, bà Đinh Thị Yên (thôn Mít Đồng Sống) cho biết nhà được xây năm 2023, mùa mưa 2024 cả một mảng đồi phía sau sạt xuống làm hư hại công trình phụ. "Từ đó cứ thấy trời nổi gió là tôi bỏ công việc chạy về nhà đưa cháu đi gửi. Mất nhà cũng đành, chỉ mong giữ được người", bà Yên nói.
![]() |
Bà Đinh Thị Yên (thôn Mít Đồng Sống) cho hay gia đình thường xuyên phải đưa các con cháu đi gửi tạm mỗi khi mưa bão. Ảnh: Văn Lộc |
Theo ông Đinh Văn Lưu, trưởng thôn Sưu Quán, thôn có 6 điểm nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới 17 hộ dân. Nhiều hộ xây nhà từ hàng chục năm trước, có giấy tờ đầy đủ, nhưng giờ lại rơi vào diện chồng lấn đất rừng đặc dụng hoặc đất nông lâm trường, dẫn đến khó khăn trong cải tạo, di dời, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hiện một số công trình phòng chống sạt lở cấp bách đã được đầu tư tại thôn Sưu Quán. Trong đó, dự án trọng điểm trị giá 35 tỷ đồng, thi công từ tháng 2/2024, đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Thôn rất mong chính quyền xã đôn đốc, giám sát tiến độ phần còn lại và đầu tư xử lý toàn bộ điểm có nguy cơ sạt lở.
Trước kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Giáp Đông, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, cho hay chính quyền đã rà soát hơn 40 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng trên toàn xã. Trong đợt mưa do ảnh hưởng của bão Wipha vừa qua, xã đã vận động người dân di dời tạm và cử lực lượng xung kích túc trực.
Về lâu dài, xã mong muốn thành phố cùng các sở ngành nghiên cứu phương án hạ tải sườn đồi có nguy cơ sạt lở để người dân yên tâm sinh sống.
Võ Hải