![]() |
GS Phan Văn Trường trong những hoạt động cùng Cấy Nền. Ảnh: Hệ sinh thái Cấy Nền |
Từng chinh phục "đỉnh cao" thế giới với những hợp đồng có khi lên tới 60 tỷ USD, hai lần được Tổng thống pháp phong Hiệp sĩ, ở tuổi 58, Giáo sư Phan Văn Trường chọn trở về Việt Nam. Đằng sau quyết định ấy là nỗi ám ảnh về "30 triệu lỗi lầm mỗi sáng" của người trẻ. Ông đã dành hơn 20 năm tuổi hưu để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, coi việc trao truyền kinh nghiệm là bổn phận của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, VnExpress phỏng vấn ông về hành trình trở về, khát vọng phụng sự và niềm tin rằng Việt Nam có thể phát triển theo một cách riêng.
- Ông đã có 40 năm "chinh chiến" qua hơn 80 quốc gia, từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như Alstom hay Suez, và cũng đàm phán những thương vụ lớn nhất thế giới..., từ khi nào ông nhận ra mình cần mang những vốn liếng kiến thức ấy trở về Việt Nam?
- Thứ quan trọng nhất với tôi là "giá trị". Năm 58 tuổi, tôi thấy việc mình làm không còn nhiều ý nghĩa cho nước Pháp. Trở thành một vị chủ tịch già, tôi cảm thấy mình đang phí phạm thời gian. Vì vậy, tôi nghĩ đến quyết định kết thúc chuyến phiêu lưu ở Pháp.
Trước đó, năm 1997, khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac mời tôi tham dự Hội nghị cấp cao của các quốc gia nói tiếng Pháp ở Việt Nam, tôi mới lần đầu thực sự nhìn thấy đất nước mình sau nhiều năm xa cách. Lúc này tôi khám phá ra Việt Nam là một đất nước rất khát khao học hỏi. Tôi đi đến đâu mọi người cũng níu lại. Họ bảo tôi về nước, đất nước rất cần tôi. Nhưng lúc đó tôi còn mơ hồ lắm, chưa rõ có thể đóng góp gì với chuyên môn của mình, tôi mong có cơ hội để hiểu rõ hơn.
- Ông từng nói muốn về nước để trả nợ tri thức và "đóng vòng tròn cuộc đời" ở Việt Nam. Ngoài giá trị nghề nghiệp, tình cảm đặc biệt nào khiến ông khắc khoải việc quay về?
- Bạn nhắc thì rất nhiều hình ảnh bật ngay lên trong đầu tôi.
Tôi nhớ nhánh liễu ở bờ hồ Gươm, nơi tôi từng trèo nghịch lúc nhỏ và bị mẹ mắng. Cứ nhìn nhánh cây là nhớ mẹ. Nhớ cả tiếng ve mùa hè ngày xưa kêu ồn tới mức không ngủ nổi, giờ không còn lại thấy thèm. Rồi tới khi 8 tuổi, tôi theo gia đình vào Sài Gòn, trưa nào cũng đạp xe một mình trên những con đường vắng, và trở thành vua của những con đường. Đến bây giờ mỗi lần đi qua đó, tim tôi vẫn rạo rực.
Rồi cả tình yêu quê làng nữa. Một lần tôi về lại quê ở làng Tranh, huyện Ninh Giang, xã Đồng Tâm, Hải Dương. Hôm đó, một ông cụ tóc bạc trắng nhìn tôi chằm chằm hỏi: "Mày có phải thằng Trường không? Hồi mày mấy tháng, cụ đã bế mày rồi đấy".
Cụ kể, hồi đó trong làng chưa ai từng khoa bảng cao, đến khi hay tin tôi tốt nghiệp kỹ sư bên Pháp, cả làng ăn mừng. Cụ nói: "Mày đi đâu, làm gì, chúng tao cũng biết hết đấy".
Lúc đó tôi mới biết tình yêu quê làng kinh khủng như vậy. Đi khỏi làng từ lúc còn bé xíu mà cả làng vẫn theo dõi hành trình của mình. Vậy mới thấy, tình yêu của con người Việt Nam thật đáng trân trọng.
- Rời Việt Nam từ năm 17 tuổi và trở lại khi đã 60, ký ức về quê hương trong ông vẫn rất rõ nét. Khoảnh khắc đầu tiên khi đặt chân trở lại đất nước, cảm xúc của ông thế nào?
- Lần đầu tiên trở lại Việt Nam, khi máy bay sắp hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, tôi nhìn qua cửa sổ và khám phá ra một đất nước theo cách chưa từng thấy. Từ trên cao, đất nước như một tấm gương, ruộng đồng trải dài, đầy nước, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh.
Bất giác, tôi òa khóc. Nước mắt cứ trào ra. Người phụ nữ kế bên hỏi thăm, tôi đáp: "Tôi đang sung sướng lắm, cứ để tôi khóc".
Bấy giờ mới hiểu chữ "đất nước", "quê hương" nặng đến nhường nào. Tôi như con cá hồi bơi ngược dòng sông, tìm về nơi nó sinh ra.
![]() |
- Cơ duyên nào đưa ông đến với hành trình trao truyền kinh nghiệm, giảng dạy cho người trẻ?
- Khi về nước rồi, tôi khát khao được đi dạy học ngay. Nơi đầu tiên tôi chọn là Đại học Kiến trúc TP HCM. Tôi làm không chỉ đơn thuần đi dạy mà còn là tìm lại dĩ vãng của chính mình.
Tôi gặp những em sinh viên còn ngây ngô, có cả những em đặt câu hỏi lạc đề. Tôi thấy hình ảnh của mình, ngày xưa tôi cũng ngây ngô như vậy. Tôi yêu sinh viên, bởi một phần là tôi yêu hình ảnh của mình ngày xưa.
Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao một ông già 80 tuổi lại có thể bay dọc đất nước suốt nhiều năm như thế - từ Vĩnh Long, Cần Thơ ra Quảng Trị, Quảng Bình, rồi lên tận Quảng Ninh, Hải Phòng. Ngày nào cũng bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 9h tối. Cơ thể đã bắt đầu chậm lại, nhưng trái tim vẫn kéo tôi đi.
Để mà xử lý hết vấn đề sức khoẻ, có lẽ tôi phải ở Pháp liên tục 2 năm. Vì mỗi bước điều trị, mỗi lịch hẹn với bác sĩ kéo dài từ 2 tuần tới 3 tháng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến những lối rẽ sai của người trẻ, tôi lại thấy mình không thể buông. Tôi lo, lỡ mình chỉ nghỉ một tuần thôi, 10 bạn trẻ mắc sai lầm. Mỗi bạn sẽ ném ít nhất 200 triệu xuống biển khi những lựa chọn cốt yếu không đúng trong công cuộc khởi nghiệp. Bà xã nhiều lần trách tôi ích kỷ. Nhưng sự ích kỷ này đem lại niềm vui cho nhiều người và cho cả chính tôi.
- Từ kinh nghiệm sống và làm việc của mình, ông nhìn thấy người trẻ Việt đang cần giúp gì?
- Tôi rất đau đáu với những lỗi lầm to nhỏ của người trẻ mà tôi đã chứng kiến. Chúng ta có khoảng ba chục triệu người trẻ. Nếu mỗi buổi sáng, một người mắc một lỗi lầm thì chúng ta có 30 triệu lỗi lầm.
Tôi hiểu vì sao các bạn trẻ còn e dè khi bước ra biển lớn. Quả thật, có những dân tộc đi trước mình, có những điều giỏi hơn mình và tôi luôn sẵn sàng chỉ ra cụ thể những điểm mà chúng ta có thể bước tiến.
Tôi mất gần 20 năm để hiểu. Việt Nam là một dân tộc rất bí ẩn, điều gì cũng biết rồi, nhưng điều gì cũng... không biết. Để hiểu được điều gì các bạn ấy thực sự không biết là cả một công cuộc. Bây giờ thì tôi đã thực sự rõ.
Người Việt mình có thói quen học thuộc lòng, nói lại những kiến thức được áp đặt. Nhưng vì không thực sự hiểu nên không thể sáng tạo. Đó là sự khác biệt giữa người biết và người hiểu.
Khi tôi hỏi ngẫu nhiên một bạn trẻ: "Vì sao em chọn khởi nghiệp sản phẩm này?". Câu trả lời tôi nhận về là: "Thấy bạn làm, em theo". Trong khi các bạn cần bắt đầu từ nhu cầu của khách hàng - đó là đầu ra. Rất nhiều những bạn trẻ khởi nghiệp đều không bắt đầu từ đây. Mà điều tôi đau khổ tiếp theo là không ai nói cho các bạn ấy đó là sai.
Ở Việt Nam, tôi rất ít thấy những người ở thế hệ 40 tuổi trao đổi với thế hệ 30- 25. Thế hệ sau cứ tự trải nghiệm lại mà không được người đi trước truyền kinh nghiệm.
Tại sao chúng ta yếu? Vì xã hội không có sự cộng hưởng kiến thức qua các thế hệ, đã vậy còn "gờm" nhau. Trong bối cảnh đó, dân tộc càng thông minh, càng tạo thêm vấn đề cho chính mình. Người Do Thái họ tiến được rất xa vì kiến thức mỗi thế hệ đều được truyền cho thế hệ sau. Thiếu cộng hưởng, chúng ta sẽ mãi đứng sau.
- Với những trăn trở về thế hệ trẻ, ông thấy mình đang đóng vai trò gì trong hành trình cải thiện những vấn đề đó?
- Tôi chẳng có tài ba gì cả. Tôi chỉ đơn giản thấy rằng nơi nào có nhu cầu thì tôi làm.
Tôi muốn người trẻ tránh được những sai lầm mà lẽ ra họ không cần phải mắc. Và nếu tôi có khả năng làm điều đó - nếu khi tôi nói, nhiều người lắng nghe - thì tôi có trách nhiệm phải lên tiếng.
Hồi bằng tuổi các em, tôi được thế hệ trước dìu dắt. Sang Pháp, người Pháp cũng hướng dẫn tôi. Tôi nhận ân huệ đó, giờ phải trao lại cho thế hệ sau. Việc tôi làm không phải để nổi bật bản thân, mà là tạo ra giá trị - giá trị giúp người trẻ đi đúng con đường. Khi họ đi đúng đường, họ sẽ tạo ra giá trị cho đất nước. Đó là mục tiêu lớn nhất của tôi.
Tôi nghĩ, xã hội là một hệ thống trao đổi giá trị giữa con người với con người. Chúng ta cần một hệ sinh thái, nơi mọi người nối tay với nhau, để đi xa hơn.
![]() |
- Từ 2019 ông đã khởi tạo hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp Cấy Nền, với hàng trăm buổi thuyết giảng, những khoá học phi lợi nhuận, khắp cả nước. Ông đã áp dụng triết lý hoạt động thế nào để hệ sinh thái này có thể giải quyết được những thiếu sót mà ông vừa chỉ ra?
- Ở Cấy Nền có một quy luật: không ai được nói gì khi chưa thực sự làm.
Khách mời trong những buổi chia sẻ là những người đã làm đi làm lại, thậm chí thất bại nhiều lần, sau đó mới thành công. Không có chỗ cho lý thuyết suông.
Chính tôi cũng từng bị phong cách học tập của người Pháp rèn giũa rất nhiều. Không bao giờ dám nói điều gì mà mình không thể chứng minh.
Điểm thứ hai, ở Cấy Nền, họ không bị gò bó. Ở đây là bình đẳng. Trong không gian ấy, ai cũng là thầy, ai cũng là trò. Do vậy, họ tìm được cảm hứng.
Còn tôi, thì vẫn giữ tinh thần: làm được gì thì làm. Mỗi ngày tôi trả lời hàng chục email, tin nhắn của các bạn trẻ - hỏi đủ chuyện, từ viết sách cho đến làm podcast. Qua những cuộc đối thoại đó, tôi nhận ra các em đang vướng ở đâu, và tôi cố gắng chỉ ra điểm sai cho từng em. Ví dụ có bạn bảo sản phẩm khởi nghiệp của mình sẽ bán được khắp thế giới. Như vậy là lý luận sai. Tôi bảo bạn ấy: hãy bắt đầu từ một khu phố. Nếu khu phố đó có 100 người, ba ngày họ ăn phở của bạn một lần, thì bạn sẽ có 30 suất mỗi ngày. Làm đúng 30 suất, chất lượng tốt, khi đó bạn sẽ sống tốt.
- Trong cuốn "Một đời quản trị" xuất bản cách đây 8 năm, ông từng dành cả một chương để nói về vai trò của khởi nghiệp với phát triển kinh tế. Câu đầu tiên ông viết: "Nếu chính phủ hỏi đâu là mũi nhọn để giúp cho nền kinh tế bứt phá thì tôi sẽ trả lời ngay lập tức - đấy là hỗ trợ khởi nghiệp". Nếu câu hỏi ấy được đặt lại vào thời điểm này, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ấy, nhưng giờ tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều: khởi nghiệp phải chú trọng trước nhất đến đi đúng hướng.
Vũ trụ ban cho mỗi quốc gia một số chức năng, một số sở trường. Có nhiều quốc gia mang hẳn một chức năng công nghiệp trông thấy rõ nét. Chúng ta chưa chắc đã có chức năng đó. Nếu chúng ta đi theo hướng công nghiệp hoá, chúng ta sẽ phải ưu tiên việc sở hữu công nghệ. Theo tôi điều đó là thiết yếu. Chúng ta không nên chọn hướng đi gia công trong công nghiệp hoá, cho dù tôi nhìn nhận là việc đó khó tránh trong thời gian đầu.
Về chức năng vũ trụ ban cho Việt Nam, cứ nhìn những tiềm năng tự nhiên thì cũng dễ đoán thôi. Nông nghiệp và du lịch của chúng ta đáng lẽ phải đứng hàng đầu.
Nước chúng ta hiện thời là một trong những nước có biển đẹp nhất thế giới, có nhiều loại nông, thuỷ sản ngon nhất thế giới như bơ, cafe, trà, mực, cá... Như thế là đủ thấy Việt Nam có thể trường tồn một cách trù phú.
Ngoài ra, dân tộc chúng ta cũng hấp thụ khá dễ dàng những công nghệ mới trong ngành công nghệ điện tử.
![]() |
- Việt Nam đang rất cần nguồn lực chất lượng cao để phát triển. Là một trong số ít những người trở về cống hiến, theo ông, làm sao để thu hút nhân tài toàn cầu sẵn sàng đóng góp cho quê hương?
Việt Nam chúng ta cần nhiều chuyên viên, chuyên gia với chuyên môn cao nhiều hơn là cần nhân tài, trong thời điểm này. Và chỉ khi có một hệ sinh thái để họ hợp tác được với nhau thì tất cả những người đó mới trở thành nhân tài. Phải có cả một hệ thống con người, một hệ sinh thái toàn trình độ cao để hợp tác mới có thể đóng góp tối đa. Lúc đó thì những "nhân tài" này sẽ chẳng còn đặt ra điều kiện gì nữa bởi không gì sướng bằng người Việt về nước mà gặp đúng "hệ sinh thái".
Tôi tin rằng ai cũng có thể là nhân tài nếu được đặt đúng chỗ để thực hiện sở trường và chuyên môn của mình. Tôi thiết tưởng đúng người đúng chỗ là điều nên nhắm tới.
Tất nhiên khi nói tới việc đào tạo, nhân tài hay không, chúng ta cần xem lại những phương pháp giáo dục tại nước nhà. Tư duy học thuộc lòng chỉ có thể tạo nên bản sao, chứ không bản gốc.
Trong hệ sinh thái Cấy Nền, có khoảng 20.000 người. Tôi nhận thấy họ có thể phát huy gấp nhiều lần năng lực so với bình thường. Ở đúng sở trường, họ thực hiện được những điều có thể ví như nhân tài.
- Không ít người cho rằng để giữ chân nhân tài cần lương cao, vị trí tốt. Với trải nghiệm thực tế từ cả trong và ngoài nước, ông nghĩ đâu là những yếu tố cốt lõi để một xã hội có thể tạo ra và giữ được người tài?
- Tôi rút ra 4 "chìa khóa" để một xã hội có thể tạo ra nhân tài.
Thứ nhất là bình đẳng. Muốn xã hội có nhân tài, trước tiên phải có môi trường bình đẳng. Vào một căn phòng mà có ông tiến sĩ bảo: "Các bạn im đi, tôi là tiến sĩ" thì những người kia chẳng thể trở thành nhân tài. Tinh thần bình đẳng là ai cũng có thể đóng góp điều đặc biệt cho đất nước.
Tôi từng lãnh đạo một tập đoàn 25.000 người, từ hạng 6 vươn lên hạng nhất thế giới chỉ trong 9 tháng. Lý do là tôi mở cửa văn phòng chủ tịch cho tất cả nhân viên - ai cũng có quyền bước vào và được lắng nghe. Đó là bình đẳng.
Có một nhân viên khuyết tật cả tay trái lẫn chân trái từng bị gạt ra bên lề. Tôi bổ nhiệm anh ấy làm giám đốc dự án vì anh có thế mạnh đặc biệt: biết tiếng Hà Lan, am hiểu công nghệ và quan trọng là tôi tin tưởng và sẵn sàng đứng sau anh ấy. Anh đã giúp công ty ký được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử.
Chìa khóa thứ 2 là hồn nhiên. Làm việc và cống hiến một cách tự nhiên, không toan tính, không vụ lợi. Chỉ khi người ta tin vào môi trường, họ mới hồn nhiên mà trao đi năng lực của mình.
Thứ ba là thẳng thắn, chấp nhận tinh thần phản biện. Không có sự phát triển nào nếu người ta sợ nói thật.
Thứ tư là tích cực. Làm mọi thứ để đóng góp chứ không phải phá hoại.
- Sau hành trình dài gắn bó và quan sát Việt Nam từ nhiều góc độ, ông thấy gì ở tương lai đất nước?
Sau hơn 20 năm đóng góp, tôi đang được chứng kiến một tinh thần phát triển mới với những cách nhìn mới, với những phương pháp mới. Vì vậy tôi rất lạc quan. Các thế hệ trẻ ngày hôm nay may mắn hơn những thế hệ đi trước vì có hệ sinh thái và điều kiện làm việc để tối ưu để phát huy hết tài ba của họ.
Thành tựu của Giáo sư Phan Văn Trường
|
![]() |
Nội dung: Thùy Ngân - Diễm Hạnh
Video: Bảo Quyên - Hoàng Minh
Photo: Thành Nguyễn
Đồ hoạ: Hoàng Khánh