Chiều 23/7, anh Nghệ, 23 tuổi, trú bản Cha Nga, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cũ, cùng 5 người bạn đến bản Thăm Thẩm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũ, sau nhiều giờ cuốc bộ. Cả nhóm dừng chân ven đường, ăn tạm bát mì tôm tại quán nhỏ, tranh thủ nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuốc bộ về nhà.
Anh Nghệ cho biết đang làm công nhân tại doanh nghiệp khai thác quặng ở huyện Quỳ Hợp. Chiều 22/7, anh nhận tin chị gái 30 tuổi cùng cháu gái 9 tuổi bị lũ cuốn khi băng qua suối sang bản bên mua nhu yếu phẩm. Mẹ anh đi cùng, bám được vào cành cây và thoát nạn. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị, còn cháu gái vẫn mất tích.
"Tôi đã khóc nhiều lần sau khi nhận tin dữ. Muốn về ngay trong đêm để lo hậu sự cho chị và tìm cháu, nhưng quốc lộ 48 ngập sâu, quốc lộ 16 - đường chính về xã - bị sạt lở nghiêm trọng", anh Nghệ nói.
![]() |
Anh Nghệ cùng nhóm bạn đi bộ hàng trăm km về nhà, sau khi nghe tin lũ quét tàn phá bản Cha Nga, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cũ, chiều 24/7. Ảnh: Đức Hùng |
Sáng 23/7, nước lũ trên quốc lộ 48 rút, anh Nghệ cùng 4 người bạn trú cùng bản Cha Nga đang làm công nhân quặng ở huyện Quỳ Hợp cũ bắt taxi về nhà. Tuy nhiên, đi đến quốc lộ 16 ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũ thì đường sạt lở, ôtô không thể chạy tiếp. Cả nhóm thanh toán tiền xe, mang hành lý đi bộ về nhà.
Trên đường về, nhóm của anh Nghệ phải lội qua nhiều đoạn suối, bùn đất ngập sâu 0,5 m. Một số vị trí đường chia cắt, họ phải băng đường rừng, men theo những bụi cây, sau đó tiếp tục men theo quốc lộ 16.
Từ xã Tri Lễ về nhà ở xã Bắc Lý còn 100 km nữa, cả nhóm dự định đi bộ, vì cả ngày hôm qua các thành viên liên tục gọi cho người thân để nhờ lái xe máy đến điểm gần nhất tăng bo nhưng không thể, do cả xã mất sóng điện thoại.
"Tôi không biết còn bao lâu nữa mới về tới nhà, nhưng cứ đi vậy thôi", Nghệ nói. Cả nhóm đã mua sẵn nhiều bánh mì, mì tôm, nước uống và một số vật dụng thiết yếu, sẵn sàng cho hành trình vượt đồi núi và các điểm sạt lở để trở về.
![]() |
Ngồi nghỉ giữa đường đoạn qua xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũ, anh Nghệ liên tục mở máy điện thoại gọi về cho người thân nhưng không được. Ảnh: Đức Hùng |
Cùng đi với anh Nghệ là anh Pịt Văn Thén, 24 tuổi, trú bản Cha Nga, người cũng bị sập một phần mái nhà do lũ quét qua xã Bắc Lý chiều 22/7. Cuốc bộ qua các điểm sạt lở ngập bùn đất, Thén nhớ nhất đoạn đường rừng trơn trượt ở bản Thăm Thẩm, xã Tri Lễ có lúc cả nhóm phải bám rễ cây, bò qua những tảng đá lớn.
"Dù nắm tay nhau đi qua đường sạt lở, song có lúc tôi cũng suýt ngã xuống suối. Được mọi người động viên, tôi tự nhủ cố gắng hết sức để về với gia đình. So với mất người thân như Nghệ, thấy mình vẫn còn may mắn", Thén chia sẻ, mắt nhìn về dãy núi phía xa, nơi nhiều bản làng đang bị chia cắt do mưa lũ
Xã Bắc Lý là vùng cao của huyện Kỳ Sơn cũ, cách trung tâm tỉnh Nghệ An hơn 300 km, giáp biên giới Lào. Hầu hết người dân là đồng bào Mông, sống rải rác tại các bản nằm sâu trong núi. Mùa mưa lũ, đường vào bản thường xuyên bị chia cắt, một số nơi chỉ đi được bằng cách men theo bờ suối hoặc leo dốc rừng.
![]() |
Do đường sạt lở, nhiều đoạn nhóm của anh Nghệ sẽ phải băng rừng để về nhà. Ảnh: Đức Hùng |
Hiện xã Bắc Lý có 11/13 bản bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại do mưa lũ. Chính quyền đang huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, khắc phục sạt lở, đảm bảo lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân.
"Trong lúc đường sá chia cắt, việc người dân đi bộ hàng chục km như anh Nghệ rất phổ biến. Mong người dân tuân thủ cảnh báo an toàn, tránh đi lại khi thời tiết còn phức tạp", ông Lữ Quang Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý, nói.
Do ảnh hưởng bão Wipha, từ đêm 21 đến hết ngày 22/7, Nghệ An mưa rất to, phổ biến 100-200 mm, riêng Quỳ Châu đạt 259 mm. Lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét tại nhiều huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong.
![]() |
Lũ từ thượng nguồn tràn về gây ngập đường ở xã Bắc Lý, ngày 24/7. Ảnh: Hùng Lê |
Đỉnh lũ tại hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 12.800 m3/s, vượt xa mức thiết kế. Đến 17h30 ngày 23/7, mưa lũ khiến ít nhất ba người tử vong, một người mất tích, bốn người bị thương; hơn 3.700 nhà dân ngập sâu, hàng trăm căn tốc mái, nhiều bản bị cô lập.
Sáng 24/7, miền núi Nghệ An đã ngớt mưa, song các nhà máy thủy điện vẫn xả lũ. Nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến xã Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn bị ngập diện rộng, quốc lộ 7 chia cắt, giao thông tê liệt. Các xã vùng biên giới như Bắc Lý, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ) và Nhôn Mai (huyện Tương Dương cũ) đang bị cô lập, không có sóng điện thoại.
Đức Hùng