Hồ sơ di vật trao về cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Phú, trung đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90 Sư đoàn 324 hôm 10/7 có danh sách 28 đồng đội đi kèm. Ngoài tên tuổi, cấp bậc còn có ngày nhập ngũ, mã địa phương, chiều cao, số súng, một số chiến sĩ có thông tin cụ thể về cha mẹ, quê hương.
![]() |
Thông tin, giấy tờ một số liệt sĩ trong Hồ sơ di vật được trao lại hôm 10/7. Ảnh: Phước An |
Thông tin nằm trong tập tài liệu thu giữ ngày 5/7/1967 trong cuộc hành quân truy quét do Tiểu đoàn 3, Trung đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ thực hiện tại tỉnh Quảng Trị cũ. Nơi thu giữ là "vùng có hoạt động quân sự dữ dội thời chiến".
Tài liệu có thể cung cấp cho gia đình liệt sĩ thông tin hữu ích trong tìm kiếm người thân, như binh nhất Nguyễn Xuân Lập cha đã mất, mẹ là Nguyễn Thị Ngọ ở làng Kim Hải; chiến sĩ Phạm Xuân Tính có cha là Phạm Giêng, mẹ Nguyễn Thị Viếng ở thôn Hồng Châu. Cả hai cùng quê Hà Tĩnh.
Binh nhất Lê Thúc Tăng cao 1,67 m, từng tòng quân năm 1961, phục viên năm 1964 rồi lại vào bộ đội tháng 10/1966. Anh hy sinh chỉ 9 tháng sau ngày tái ngũ. Một số quân nhân có thông tin rõ về số hiệu, như binh nhất Trần Văn Trường, cao 1,52 m, nhập ngũ ngày 2/7/1965 lúc 19 tuổi tại thôn Tiến An, Bình Thuận, mang số hiệu 101266. Binh nhì Nguyễn Văn Hội nhập ngũ tại xứ Thiện Dương (hoặc Thiệu Dương), Thanh Hóa lúc 17 tuổi, số hiệu 26966.
![]() |
Tọa độ tìm thấy các tài liệu được nêu trong hồ sơ. Ảnh: Google Maps |
Phần lớn giấy tờ của bộ đội được mã hóa với ký hiệu B2, B3, B4, B5 và T2-T7. Phía nghiên cứu nhận định trong thời chiến các đơn vị quân sự và hành chính miền Bắc thường dùng để chỉ khu vực xuất thân, nơi đóng hoặc tuyển quân. "B4 nhiều khả năng ám chỉ Quảng Bình hoặc Quảng Trị. T4, T5, T7 tương ứng với Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình - những địa phương tuyển quân phổ biến vào những năm 1966-1967", cơ quan phân tích phán đoán.
Cơ quan nghiên cứu đánh giá tài liệu có giá trị to lớn về mặt lịch sử lẫn nhân đạo, bởi "chứa đựng tổ hợp hiếm hoi giữa danh tính cá nhân, cấu trúc đơn vị và chi tiết tác chiến. Các dữ liệu cá nhân trong hồ sơ nên được dùng để liên hệ với thân nhân còn sống hoặc hỗ trợ cho nỗ lực chung Việt - Mỹ nhằm tìm kiếm và hồi hương hài cốt".
58 năm sau ngày liệt sĩ Trần Văn Phú hy sinh ngày 3/7/1967, gia đình mới biết chính xác nơi ông nằm xuống. Soi chiếu trên bản đồ, tọa độ được cung cấp là một chấm đỏ giữa màu xanh bạt ngàn gần quốc lộ 76, thưa dân cư thuộc Gio Linh, Quảng Trị cũ. Nơi này cách căn cứ Cồn Tiên cũ hơn ba cây số - gần khớp với vị trí mà gia đình đã tìm kiếm suốt ba năm qua.
Trong cuốn sổ lịch của liệt sĩ Phú do gia đình cung cấp vẫn còn tài liệu về học tập giữ gìn vũ khí, Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhạc và lời ca khúc Giải phóng miền Nam, một đoạn trích tuyên bố của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 22/3/1965...
Bà Trần Thị Thu Hà, cháu dâu liệt sĩ, cùng chồng từng trải qua hàng chục chuyến đi từ Hà Nội về Quảng Trị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Phú nhưng chưa có kết quả. Ngày 20/7, gia đình sẽ trở lại Quảng Trị để tìm kiếm ở tọa độ mà hồ sơ cung cấp, cùng dự tính kết nối với các cấp ngành để sớm được khai quật vị trí này.
"Tôi hy vọng có thể kết nối với gia đình các liệt sĩ có tên trong danh sách hoặc đồng đội từng chiến đấu với chú tôi ở Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 trong hành trình tìm kiếm để có thể đưa được liệt sĩ về nhà", bà chia sẻ.
Ngoài hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Phú, 21 bộ hồ sơ khác cũng được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cùng các bên liên quan trao lại gia đình liệt sĩ tại nhiều tỉnh thành Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai, Phú Thọ... tại trưng bày 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.
Danh sách 29 quân nhân Việt Nam trong hồ sơ phía Mỹ thu giữ ngày 5/7/1967 tại Gio Linh, Quảng Trị:
TT | Họ tên và cấp bậc | Ngày sinh | Nhập ngũ | Tại | Cha | Mẹ | Quê/Nơi nhập ngũ |
1 | Trung đội trưởng B3 Trần Văn Phú | 15/8/1945 | 19/4/1962 | Hà Tây (cũ) | |||
2 | Trung đội phó B2 Phạm Xuân Niêm | 10/11/1945 | 14/4/1965 | B5 | |||
3 | Binh nhất Nguyễn Đình Hằng | 1943 | 14/4/1965 | T4 | |||
4 | Binh nhất Lê Thúc Tăng | 11/1944 | 11/1/1961, giải ngũ 26/4/1964, tái ngũ 20/10/1966 | B5 | |||
5 | Binh nhất Lê Văn Định | 17/11/1946 | 12/6/1965 | T7 | |||
6 | Binh nhất Nguyễn Văn Phùng | 1949 | 19/5/1966 | B4 | |||
7 | Binh nhất Hoàng Thuyên | 4/5/1945 | 24/8/1966 | ||||
8 | Binh nhất Vi Hồng Sao | ||||||
9 | Binh nhì Phạm Ngọc Đệ | 1948 | 29/9/1966 | B3 | |||
10 | Binh nhất Nguyễn Xuân Lập | 1948 | 20/10/1966 | B3 | Đã mất | Nguyễn Thị Ngọ | Kim Hải, Hà Tĩnh |
11 | Binh nhất Phạm Xuân Tính | 10/10/1948 | 7/12/1965 | B4 | Phạm Giêng | Nguyễn Thị Viêng | Hồng Châu, Hà Tĩnh |
12 | Binh nhì Dương Khắc Ngụ | 10/7/1943 | 7/10/1964 | T5 | |||
13 | Binh nhất Vũ Đình Hành | ||||||
14 | Binh nhất Lê Văn Tiến | 5/7/1966 | 12/9/1965 | B5 | |||
15 | Binh nhất Nguyễn Đình Quy | 1937 | |||||
16 | Binh nhất Nguyễn Miêng | 1943 | 18/6/1966 | B4 | Tân Lộc | ||
17 | Binh nhất Trần Văn Trường | 1946 | 2/7/1965 | B5 | Tiến An, Bình Thuận | ||
18 | Binh nhất Nguyễn Văn Lượng | 1944 | 20/10/1966 | B2 | |||
19 | Binh nhì Nguyễn Văn Hội | 1949 | 28/9/1966 | Thiện (Thiệu) Dương, Thanh Hoá | |||
20 | Binh nhất Nguyễn Ngọc Vạn | 1948 | 25/8/1966 | B4 | |||
21 | Binh nhì Ngô Tôn Đệ | 15/10/1946 | 10/8/1964 | ||||
22 | Binh nhất Nguyễn Văn Khái | ||||||
23 | Binh nhì Lê Anh Tôn | 5/9/1949 | 28/9/1966 | ||||
24 | Binh nhì Dương Quốc Trung | 1/7/1958 | 21/9/1966 | B4 | |||
25 | Binh nhất Lê Văn Lâm | 1945 | 12/9/1965 | T7 | |||
26 | Binh nhất Phạm Lê Biễng | 16/6/1948 | 20/10/1966 | T2 | |||
27 | Binh nhất Nguyễn Minh Quyến | 12/12/1948 | 20/10/1966 | B5 | |||
28 | Binh nhất Võ Xuân Thán (hoặc Thân) | 1948 | 19/5/1966 | ||||
29 | Binh nhất Lê Văn Hồng | 1949 | 9/1966 | T6 |
Trung tâm Việt Nam - Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) đang lưu trữ kho microfilm gần 3 triệu trang chụp chữ viết, hình ảnh di vật, kỷ vật của bộ đội miền Bắc và Quân giải phóng miền Nam trong kháng chiến trước năm 1975. Các cơ quan của hai nước Việt - Mỹ đang nỗ lực tra cứu hồ sơ tài liệu lưu trữ để tìm kiếm thông tin, kỷ vật, chứng tích chiến tranh bàn giao cho gia đình.
Hoàng Phương