Sáng 10/7, chủ trì hội nghị đánh giá ba năm thực hiện Nghị quyết 18 về quản lý, sử dụng đất và một năm thi hành Luật Đất đai 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc áp dụng các chính sách này đã thu được kết quả tích cực. Pháp luật đất đai từng bước đi vào cuộc sống, khắc phục vướng mắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh. Chính sách đất đai củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chính sách pháp luật đất đai còn bất cập, chưa phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới. Cụ thể, chính sách thu hồi đất vẫn phân biệt giữa dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án sử dụng vốn đầu tư tư. Thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn kéo dài.
Bên cạnh đó, một số chính sách đổi mới về tài chính đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18 chưa được thể chế hóa đầy đủ. Vai trò của Nhà nước chưa được quy định rõ trong quyết định và kiểm soát giá đất với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Nhiều nơi xảy ra tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá, thao túng giá làm nhiễu loạn thị trường.
Thủ tướng cho rằng một trong những nguyên nhân là nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của đất đai trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai chưa đầy đủ và thiếu thống nhất. Quy định liên quan đến đất đai còn thiếu thống nhất, đồng bộ.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 10/7. Ảnh: Nhật Bắc |
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy Chính phủ đã chủ trì hội nghị đánh giá ba năm thực hiện Nghị quyết 18 và một năm thực hiện Luật Đất đai 2024 để đề xuất Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương sửa đổi.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải kiên trì và lắng nghe ý kiến nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp; không cầu toàn, nóng vội trong quá trình điều chỉnh, bổ sung.
"Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì bổ sung, luật hóa, đảm bảo linh hoạt, phù hợp tình hình mới", Thủ tướng nói và khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Một số nội dung được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khi sửa Nghị quyết 18 và Luật Đất đai 2024 là hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất; bổ sung giải pháp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát huy hiệu quả cao nhất, khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, khu vực.
Chính sách giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất, tài chính đất đai; một số vấn đề về đất đai có yếu tố nước ngoài cũng cần nghiên cứu sửa đổi.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu sáng 10/7. Ảnh: Nhật Bắc |
Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, được Trung ương ban hành tháng 6/2022, đề cập nhiều chủ trương mới như: Bỏ khung giá đất; quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt...
Tháng 1/2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương và 260 điều, với nhiều điểm mới so với luật năm 2013 như: Quy định 32 trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng; đa dạng hình thức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp; cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ trước 1/7/2014...