Chị Nguyễn Thanh Tâm, 34 tuổi, vốn là viên chức làm việc cho văn phòng phía Nam một cơ quan ngang bộ ở TP HCM, có chuyên môn về bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động. Thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18, cơ quan của chị giải thể. Chị là một trong những người đầu tiên nộp đơn nghỉ việc, chính thức rời khu vực công sau hơn 10 năm gắn bó.
Sau một tuần chính thức rời nhà nước, chị Tâm kiếm được công việc đầu tiên nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra mình không phù hợp. Trong mô tả công việc, doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm các thủ tục liên quan bảo hiểm, tiền lương, quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi vào thử việc, chị được yêu cầu tìm cách "lách" luật chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho hơn một nửa nhân sự và mức đóng thấp hơn thu nhập thực tế để giảm chi phí.
"Ban đầu tôi rất vui vì doanh nghiệp nhận mình vì kinh nghiệm làm nhà nước nhưng khi biết được mục đích tôi khá buồn. Không chỉ là đạo đức của người từng làm công vụ mà còn cảm thấy không an toàn cho chính mình về lâu dài", chị Tâm nói. Do đó, chị xin nghỉ sau một tuần dù thu nhập tương đương khi làm nhà nước.
![]() |
Lao động tìm cơ hội tại Ngày hội việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức giữa tháng 5. Ảnh: An Phương |
Sang công ty thứ hai, trước khi đi phỏng vấn, chị tìm hiểu kỹ việc tuân thủ quy định pháp luật, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp. Cựu viên chức nhận thấy dù chưa được như kỳ vọng nhưng doanh nghiệp không làm sai. Chỗ làm mới gần nhà, được nghỉ hai ngày cuối tuần, giúp chị có thời gian đến lớp tiếng Anh. Tuy nhiên, ở doanh nghiệp này người tuyển dụng lại có định kiến về người làm nhà nước "cứng nhắc và không năng động".
"Tôi chủ động đề nghị một mức lương thấp hơn con số họ đưa ra để được trao cơ hội", Tâm nói. Tuy nhiên, cựu viên chức đề nghị nếu sau hai tháng thử việc, chị chứng minh được năng lực, hòa nhập tốt thì hai bên phải thương lượng lại. Sự linh hoạt ngay trong buổi phỏng vấn đã giúp lãnh đạo công ty có ấn tượng tốt và đồng ý nhận chị vào thử việc.
Hơn một tháng làm việc ở doanh nghiệp mới, chị Tâm nói luôn nỗ lực làm nhanh, chính xác nhất các công việc được giao, chỗ nào chưa hiểu chị sẽ mạnh dạn hỏi đồng nghiệp. "Ví dụ các văn bản hành chính tôi xử lý rất nhanh, quy trình làm việc với cơ quan nhà nước thế nào, các thủ tục ra sao là thế mạnh của tôi", chị Tâm nói.
Về môi trường, chị cảm thấy may mắn khi nhân sự công ty trẻ, năng động giúp chị dễ hòa đồng. Bản thân chị cũng thay đổi cách ăn mặc "lột bỏ lớp vỏ cứng nhắc" để phù hợp với môi trường mới.
"Thoải mái, nỗ lực hết sức và không ngại học hỏi đồng nghiệp thì người rời nhà nước sẽ vượt qua được áp lực giai đoạn đầu", chị Tâm đúc kết.
Trong khi đó, là công chức nghỉ hưu trước tuổi, bà Nguyễn Thu Lan, 54 tuổi, chọn quay lại với công việc mình yêu thích là dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống cho trẻ. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế và ngoại ngữ năm 1991, bà Lan từng làm phiên dịch cho một cơ quan của Bộ Y tế rồi chuyển vào làm cho một cơ quan đại diện trực thuộc Chính phủ ở TP HCM.
Công việc mới ở thành phố không cần ngoại ngữ nên để tránh mai một bà vẫn duy trì thói quen đọc sách, tiểu thuyết bằng tiếng Anh và nhận dạy kèm cho học sinh vào cuối tuần, ngoài giờ. "Học phí chỉ tượng trưng bởi việc dạy học cũng là giúp chính tôi không quên kiến thức", bà Lan nói.
Khi cơ quan giải thể để phục vụ tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18, bà là người đầu tiên xin nghỉ. "Tôi gắn bó với khu vực nhà nước từ những ngày đầu mở cửa, giờ là lúc để các bạn trẻ thể hiện", cựu công chức nói. Với số tiền hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, bà đầu tư thêm một số tài liệu, giáo án, bàn ghế, học thêm phương pháp sư phạm để dạy bài bản hơn.
Theo bà Lan, đồng niên với bà nhiều người cũng chọn rời khu vực công và chủ động chuẩn bị cho tuổi hưu sớm, tránh hụt hẫng. Có người bỏ hẳn chuyên môn sang thực hiện điều mình thích như làm bánh, huấn luyện viên yoga, tham gia vào các hội nghề nghiệp tiếp tục đóng góp kiến thức như một chuyên gia.
"Nếu đủ quyết tâm thì môi trường nào mình cũng sẽ có cơ hội và tạo ra giá trị", bà Lan nói.
Bà Lan, chị Tâm là những cán bộ làm việc khu vực công nhưng đã rời đi khi Chính phủ sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan và các cơ quan chuyên môn của địa phương. Ở nhóm này, có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Đối với sáp nhập đơn vị hành chính từ 63 xuống 34 tỉnh, thành, cả nước sẽ giảm hơn 18.400 biên chế cấp tỉnh, hơn 110.000 biên chế cấp xã và hơn 120.000 người hoạt động không chuyên trách, theo Bộ Nội vụ.
Ngoài chính sách hỗ trợ tiền theo Nghị định 178 và 67, các địa phương như TP HCM cũng xây dựng đề án hỗ trợ riêng như cán bộ, công chức nghỉ việc được giới thiệu việc làm sang các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ vay vốn làm ăn, mua nhà xã hội... Với khoản hỗ trợ, một số chọn tự đầu tư kinh doanh nhưng nhiều người tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong môi trường tư nhân.
![]() |
Cán bộ, nhân viên UBND phường Phước Long A, TP Thủ Đức xử lý các thủ tục hành chính cho người dân, tháng 5/2025. Ảnh: Quỳnh Trần |
Nhiều năm làm nhà nước rồi ra khu vực tư, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Rockwool tại Việt Nam, cho rằng để thích ứng khi rời khu vực công, cán bộ cần tìm hiểu môi trường tư nhân. Đặc thù của khu vực tư là áp lực công việc cao, cạnh tranh khốc liệt. Môi trường này tính ổn định thấp, nhân viên dễ đối mặt nguy cơ bị sa thải nếu không đạt yêu cầu KPI, doanh số và phải tăng ca, làm thêm giờ... Tuy nhiên, nếu có năng lực, người lao động có cơ hội thăng tiến nhanh, mức lương, thưởng hấp dẫn và được trả theo đúng năng lực.
"Khi đã hiểu về môi trường làm việc sẽ dễ thích ứng và hòa nhập hơn, đỡ bị sốc", ông Minh nói. Theo ông, những người sắp gia nhập khu vực tư cần chuẩn bị tâm lý tốt với tâm thế sẵn sàng thay đổi tư duy, học hỏi, thích nghi. Họ phải chấp nhận sự khác biệt về văn hóa làm việc, chuẩn bị tinh thần làm việc với cường độ cao.
Tiếp đến, cựu cán bộ, công chức cần có kế hoạch nâng cao năng lực bản thân, không ngại học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cấp trên. Những cán bộ từ môi trường nhà nước bị tinh giản cần xác định điểm mạnh, yếu của mình, bổ sung kiến thức còn thiếu, đặc biệt là các kỹ năng liên quan công nghệ, ứng dụng AI.
Theo ông Minh cựu cán bộ, công chức từng bước xây dựng mối quan hệ ở nơi làm việc mới như giao tiếp cởi mở, hòa đồng với đồng nghiệp cũng là điều cần làm; tạo mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tìm kiếm người hướng dẫn (mentor) cho mình.
"Môi trường tư nhân rất đề cao những người dám thể hiện bản thân", ông Minh nói. Do đó, những cựu công chức, viên chức hãy chủ động trong công việc, đưa ra ý kiến đóng góp đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, cam kết hoàn thành và chứng minh năng lực bằng kết quả công việc. Bên cạnh đó, để cân bằng, những người mới rời khu vực nhà nước nên dành thời gian cho gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động thể chất để cân bằng cuộc sống.
Lê Tuyết