Vốn quen với cuộc sống văn phòng, Lê Bùi Quí Nhân, sinh năm 1990, ít có thời gian tập luyện thể thao. Sau ngày làm việc, năng lượng gần như cạn kiệt. Anh chỉ muốn nằm ở nhà. Cuối năm 2024, trong một lần đến khu vực Thủ Thiêm, anh thấy hàng chục runner nhóm chạy GRC (Garmin Run Club) đang tập luyện, nối đuôi nhau vừa chạy vừa cười nói trên đường. Hình ảnh như tiếp thêm cảm hứng để nhân viên văn phòng đổi mới cuộc sống.
![]() |
Các thành viên câu lạc bộ chạy Garmin Run Club. Ảnh: GRC |
"Họ nhiều năng lượng nên tôi thấy ngưỡng mộ. Đó là khoảnh khắc tôi cũng muốn thử chạy bộ", anh nói.
Nhưng hiện thực không giống những bức ảnh đầy khí chất trên mạng. Những ngày đầu, anh tự tập gần nhà, chạy theo bản năng, không biết khởi động hay giãn cơ, dẫn đến mỏi mệt. Sau hai tuần, anh đã muốn bỏ cuộc vì cơ thể không còn sức để làm những việc thường ngày. "Có khi nào chạy bộ không dành cho mình?" - runner sinh năm 1990 tự hỏi.
Tinh thần của Quí Nhân cũng bị bao vây bởi những hoang mang. "Có người nói phải đáp đất bằng mũi, người bảo bằng gót. Người bảo chạy dễ đột quỵ, dễ teo cơ... Tôi thật sự không biết bắt đầu từ đâu và tin ai", nam runner chia sẻ.
Hành trình chạy bộ của anh chuyển biến khác hơn khi quyết định gặp gỡ các thành viên GRC để xin tư vấn. Anh gia nhập nhóm và được huấn luyện viên hướng dẫn lại từ đầu. Bắt đầu bằng cách đánh giá thông qua những bài kiểm tra nhỏ để phát hiện sai kỹ thuật, rồi hướng dẫn cách khắc phục. "Từ đó tôi bắt đầu hiểu chạy bộ là một hành trình khoa học chứ không phải tùy hứng", Quí Nhân nói.
![]() |
Quí Nhân tham gia tập luyện tại Sala. Ảnh: NVCC |
Thời gian biểu trong ngày thay đổi hoàn toàn. Anh dậy sớm hơn, tập bài bổ trợ, chạy có mục tiêu, nghỉ ngơi đúng cách. Thói quen tập luyện duy trì mỗi ngày. Chỉ sau chưa đầy nửa năm, từ chỗ chạy 1km còn khó, nam nhân viên văn phòng có thể chạy một mạch 24km. Thành tích tốt nhất của anh là 22 phút 12 giây ở cự ly 5km.
Bên cạnh hướng dẫn từ huấn luyện viên, Garmin trở thành "người bạn đồng hành" thầm lặng trong suốt hành trình - từ gợi ý bài tập hàng ngày đến theo dõi giấc ngủ, nhịp tim, mức độ hồi phục. Anh cho biết nhờ dữ liệu, anh biết tình trạng cơ thể, điểm mạnh, điểm cần cải thiện và những điều nên làm tiếp theo.
Hơn cả việc tiến bộ trong thể thao, nam nhân viên văn phòng cho biết có thêm năng lượng và nhiều chuyển biến trong thái độ sống. "Tôi thấy mình kiên nhẫn hơn, quyết tâm hơn. Tôi cũng tự tin hơn khi ra ngoài, không còn sợ đám đông như trước và kết nối được nhiều mối quan hệ giá trị từ cộng đồng chạy", Quí Nhân nói.
Cũng là "newbie", Lê Thảo Như, sinh năm 2002, tập luyện chưa đầy nửa năm khi cần môn thể thao cải thiện sức khỏe và tinh thần. Giống Quí Nhân, Thảo Như chọn tập cùng GRC vào mỗi sáng thứ 7. Hành trình chạy bộ với cô gái trẻ mang đến sự thoải mái. Cô cho biết sẽ khó có thể duy trì thói quen nếu không có động lực từ đội nhóm.
Những ngày đầu dù chỉ chạy pace 9-10, thậm chí đi bộ, các thành viên còn lại vẫn động viên, chờ sẵn ở vạch đích. "Tinh thần không áp lực, lại vui nên tôi duy trì được đến giờ", nữ nhân viên văn phòng nói.
![]() |
Thảo Như tập chạy bộ mỗi ngày. Ảnh: NVCC |
Như thừa nhận thể chất là rào cản lớn nhất. Chân đau, dễ mỏi, hô hấp yếu. Nhưng chạy xong lại thấy vui, tăng mood rõ rệt. Cột mốc đầu tiên khiến cô xúc động là buổi social run đầu tiên cùng GRC - nơi cô hoàn thành 10 km với pace 8:11, không nghỉ giữa đường. Như cho biết không theo đuổi chạy bộ để trở thành VĐV mà chỉ muốn tận hưởng, có thêm niềm vui và động lực cho cuộc sống.
Giống như Nhân, Như từng gặp khó khăn trong kỹ thuật: chạy sai tư thế, không biết khởi động, không biết cách giãn cơ. Hướng dẫn khoa học từ huấn luyện viên hay dữ liệu từ đồng hồ là cơ sở để cả hai điều chỉnh, duy trì động lực lâu dài.
Chiếc đồng hồ giúp hỗ trợ bài tập theo lịch sử vận động, theo dõi chu kỳ, mức độ căng thẳng và đưa ra khuyến nghị nghỉ ngơi. "Đôi khi Garmin giống như một HLV thể chất vậy. Nhờ dữ liệu nhịp tim, mình biết hôm nào nên tập nặng, hôm nào nên chạy thả lỏng", Như nói.
Nhân, Như nằm trong nhóm rất nhiều "newbie" gia nhập làng chạy mỗi năm. Chưa có thống kê chính thức về số lượng VĐV qua từng năm nhưng theo các CLB, trung bình mỗi năm họ thu hút thêm 1.000-2.000 thành viên online và khoảng 100-200 người tham gia tập luyện mới. Ngoài tham gia các CLB, còn rất nhiều người chọn cách tự tập luyện.
Chạy bộ vừa sức mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện vóc dáng, tinh thần, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ... Tuy nhiên, việc chạy bộ một mình có thể dẫn đến mất động lực. Hoặc khi thiếu kiến thức, chạy theo phong trào hay không có hướng dẫn khoa học dễ khiến người mới cảm thấy mệt mỏi, nhanh nản và thậm chí gặp chấn thương.
Theo các chuyên gia, chạy bộ đúng cách nên bắt đầu từ bước nhỏ, phù hợp với thể trạng và có kiểm soát. Việc tham gia vào cộng đồng chạy uy tín và sử dụng thiết bị có khả năng phân tích dữ liệu cá nhân như đồng hồ thể thao là cách để người mới không bị lạc hướng. Các tính năng như theo dõi nhịp tim theo vùng, biến thiên HRV, mức độ stress, chất lượng giấc ngủ hay đề xuất bài tập phù hợp có thể giúp người dùng tiếp cận bài bản, duy trì động lực và hạn chế chấn thương.
![]() |
Một buổi tập của các thành viên GRC. Ảnh: GRC |
Đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều người chọn đồng hành cùng các cộng đồng thể thao và công nghệ hỗ trợ để theo dõi quá trình tiến bộ một cách cụ thể. Theo nghiên cứu năm 2017 đăng trên tạp chí của tổ chức y khoa American Osteopathic Association chỉ ra: người đồng hành giúp runner khỏe mạnh hơn về thể lực và tinh thần, ổn định cảm xúc, giảm mức độ căng thẳng rõ rệt. Còn theo nghiên cứu tại Đại học Kansas State (Mỹ), tập thể dục theo nhóm giúp tăng cường độ lên tới 200%.
Quí Nhân, Thảo Như hay hàng nghìn "newbie" khác đang từng bước tìm thấy chính mình qua mỗi buổi tập. Với định hướng đúng và công cụ phù hợp, chạy bộ không còn là gánh nặng mà trở thành điểm tựa giúp làm mới bản thân - cả về thể chất, tinh thần lẫn phong cách sống.
Theo nhiều chuyên gia, runner không cần bắt đầu với tốc độ nhanh hay quãng đường dài mà chỉ cần mỗi ngày một chút, bạn đã có thể tiến gần hơn đến phiên bản tốt hơn của bản thân.
Hoài Phương