![]() |
Phil Foden (trái) buồn bã, trong khi các cầu thủ Al Hilal ăn mừng chiến thắng ở vòng 1/8 Club World Cup trên sân Camping World Stadium, Orlando, Florida vào ngày 30/6/2025. Ảnh: Reuters |
Đội chiến thắng trong trận cầu được xem là đỉnh cao nhất từ đầu giải sẽ đối đầu Fluminense ở tứ kết, sau khi đại diện Brazil cũng vượt qua Inter Milan trong một ngày đen tối của các đại diện Champions League. Ít nhất, sẽ có một đại diện từ Nam Mỹ hoặc châu Á vào bán kết.
Với HLV Simone Inzaghi, người vừa gia nhập Al Hilal sau khi rời ghế Inter, chiến thắng 4-3 trước Man City như một cuộc báo thù ngọt ngào trước Pep Guardiola, người từng đánh bại ông trong trận chung kết Champions League 2023. Trước đó, Inzaghi cũng đã trải qua một trận đấu lịch sử khác với tỷ số 4-3, khi còn dẫn dắt Inter, ở bán kết Champions League trước Barca mùa giải vừa qua.
Trong khi Man City ra sân mà không có cầu thủ người Anh nào trong đội hình xuất phát, Al Hilal thể hiện sức mạnh của một tập thể đa dạng: kỷ luật theo kiểu Italy được mang đến từ Inzaghi, kinh nghiệm của những cầu thủ từng chinh chiến ở châu Âu, các tài năng Brazil và bản sắc Arab Saudi.
Nổi bật là thủ thành Bono – nòng cốt của tập thể Morocco từng vào đến bán kết World Cup 2022, trung vệ từng khoác áo Napoli và Chelsea Kalidou Koulibaly, ba cầu thủ Brazil ở các tuyến - Renan Lodi (hàng thủ), Malcom và Marcos Leonardo (hàng công), tiền vệ Serbia dày dạn kinh nghiệm từng là thèm khát của nhiều ông lớn châu Âu khi còn chơi bóng trên đất Italy Sergej Milinkovic-Savic, tiền vệ từng khoác áo Wolverhampton, chuyên gia trong những tình huống bóng cố định và giờ đây được Inzaghi kéo xuống đá trung vệ giữa Ruben Neves, và đội trưởng người bản địa Mohamed Kanno, người từng dự hai kỳ World Cup trong màu áo tuyển Arab Saudi.
Cuộc đấu tại Camping World không chỉ là màn rượt đuổi về mặt tỷ số gay cấn – đặc biệt trong hiệp hai và hiệp phụ – mà còn có cả "drama", sau khi các cầu thủ Al Hilal từ chối giao bóng đưa trận đấu trở lại vì bất bình trước bàn mở tỷ số của Bernardo Silva, cho rằng tân binh Ait-Nouri đã có dấu hiệu dùng tay khống chế bóng trước đó. Phải mất vài phút phân xử, trọng tài người Venezuela Jesus Valenzuela mới có thể đưa trận đấu trở lại.
Khi tất cả bắt đầu nghĩ đến loạt sút luân lưu hoặc chiến thắng sau cuối dành cho Man City, cầu thủ người Brazil Marcos Leonardo ghi bàn thứ hai trong trận, ấn định tỷ số 4-3. Đêm Orlando chứng kiến thời khắc Arab Saudi một lần nữa gây tiếng vang trên bản đồ bóng đá thế giới. Còn với Man City, họ bị loại, chính thức khép lại trọn vẹn một mùa giải dài trắng tay.
Nụ cười mỉm từ Arab Saudi
Trước giải đấu, Al Hilal đã được xem là niềm hy vọng lớn nhất trong số bốn đại diện của châu Á. Người hâm mộ đội bóng này tự tin vỗ ngực rằng họ chính là CLB thành công nhất xét về số danh hiệu quốc nội lẫn quốc tế của không chỉ Arab Saudi, mà còn của cả châu lục. Tham vọng của "sắc xanh da trời" là vô địch tất cả, ở mọi giải đấu họ tham dự, khi mới chỉ hai năm trước, đội bóng này cũng đã vào đến chung kết FIFA Club World Cup phiên bản cũ (thua 3-5 trước Real Madrid).
Sau khi thiết lập kỷ lục thế giới về chuỗi chiến thắng (34 trận vào năm 2024), Al Hilal đến với nước Mỹ mà không còn cho thấy sức mạnh ghê gớm. Sự ra đi của ngôi sao Neymar không phải là lý do, thay vào đó, cỗ máy này cho thấy những chệch choạc chưa có tiền lệ với chỉ ba thắng sau chín trận đấu ở giải quốc nội Saudi Pro League từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4. Cộng với đó là chấn thương của tiền đạo người Serbia, Aleksandar Mitrovic - người đã nổ súng liên tục trước đó và chưa thể tìm lại phong độ sau khi bình phục.
Song, sự cập bến của Inzaghi – thay thế Jorge Jesus – như thổi một làn gió mới vào Al Hilal. Ở FIFA Club World Cup, Al Hilal vẫn đang duy trì thành tích bất bại. Người thay thế Mitrovic là Marcos Leonardo cũng đang dẫn đầu danh sách ghi bàn đội bóng, với ba pha lập công.
![]() |
Marcos Leonardo ghi bàn ấn định chiến thắng cho Al Hilal trước Man City ở vòng 1/8 FIFA Club World Cup 2025. Ảnh: Reuters |
Việc Al Hilal đang tiến sâu tại giải không chỉ là thành công của riêng CLB, mà còn với tham vọng của bóng đá Arab Saudi. Thực ra, xen giữa tiếng vang ở World Cup 2022 (đánh bại Argentina) và chiến thắng của Al Hilal trước Man City, nền bóng đá đất nước Tây Á từng khiến thế giới phải giật mình.
Al Hilal là một trong số những CLB Arab Saudi từng chi tiêu mạnh tay để chiêu mộ các ngôi sao châu Âu, kể từ khi Quỹ Đầu tư Công (PIF) của nước này nắm quyền kiểm soát bốn đội bóng tại giải VĐQG vào năm 2023 (gồm Al Hilal, Al Nassr, Al Ittihad và Al Ahli), như một phần trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng thể thao toàn cầu. Mùa giải 2023-2024 khi ấy, các đội Saudi Pro League đã chi ra đến hơn 1,1 tỷ USD trên thị trường chuyển nhượng.
Arab Saudi sẽ đăng cai World Cup 2034, và không phải ngẫu nhiên khi quỹ đầu tư PIF của họ đã chi khoảng 1 tỷ USD vào DAZN, đơn vị phát sóng mua bản quyền FIFA Club World Cup 2025 với cùng mức giá từ FIFA. FIFA cũng đã dành tổng giải thưởng 1 tỷ USD cho giải đấu này. Nói cách khác, giải đấu tại Mỹ chỉ thực sự diễn ra nhờ nguồn tiền từ PIF hay Arab Saudi.
Xét ở khoản tiền thưởng, đội bóng của Inzaghi sau thắng lợi mới đây, đã bỏ túi tổng cộng gần 35 triệu USD và sẽ có cơ hội gia tăng con số này khi đối đầu Fluminense trong trận tứ kết sắp tới. Nhưng tiền bạc không phải mục đích hướng tới của CLB này cũng như của cả bóng đá Arab Saudi.
Công thức của bóng đá Arab Saudi về bản chất không khác với Qatar. Những khoản đầu tư như của PIF (còn là chủ sở hữu của Newcastle Utd) là một ván cờ để bành trướng tầm ảnh hưởng quốc gia, phục vụ cho kế hoạch "Tầm nhìn 2030" của họ.
Thậm chí, xét ở quy mô và mức độ, Arab Saudi còn ăn đứt Qatar. Đất nước vùng vịnh này tìm cách xây dựng lại hình ảnh của mình và chuẩn bị cho một thế giới không có dầu mỏ, với thể thao đóng vai trò chiến lược. Trong vài năm qua, Arab Saudi đã đầu tư khổng lồ vào vô số các môn thể thao khác nhau, không riêng gì bóng đá.
Họ cam kết đầu tư 2 tỷ USD cho một giải đấu golf mới mang tên LIV Golf. Cơ quan Du lịch Arab Saudi là nhà tài trợ chính của giải Ngoại hạng cricket Ấn Độ (IPL), một trong những tổ chức thể thao giàu có nhất thế giới, thậm chí có doanh thu vượt qua cả Ngoại hạng Anh nhờ giá trị khổng lồ của thị trường truyền hình nội địa Ấn Độ. Giải thưởng lớn nhất trong lịch sử của môn đua ngựa là tại Saudi Cup, được tổ chức tại Trường đua King Abdulaziz ở Riyadh, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 20 triệu USD.
Arab Saudi đang trở thành trung tâm mới của quyền Anh đỉnh cao, với sự kiện "Ngày phán quyết" vào ngày 23/12/2023 chỉ là một dấu mốc. Quỹ PIF từng mua 400 triệu bảng cổ phần của đội đua McLaren F1 vào năm 2021 (trước khi bán lại cho một quỹ đầu tư của Bahrain) và Arab Saudi lần đầu tổ chức một chặng đua F1 vào năm 2021... Và còn nhiều môn thể thao khác nữa cũng có sự can dự bằng tiền và rất nhiều tiền của Arab Saudi, từ quần vợt, đấu vật chuyên nghiệp, võ tổng hợp MMA, cho đến thể thao điện tử.
Tiềm lực tài chính của bóng đá Arab Saudi, hay như của riêng Al Hilal dồi dào tới mức mà theo lời kể của Esteve Calzada, Giám đốc điều hành CLB này, rất nhiều lời đề nghị bán cầu thủ cho họ từng được gửi tới, chỉ để bòn rút cỗ máy in tiền.
"Đôi khi tôi phải nói ‘Làm ơn, hãy nghiên cứu đội hình của chúng tôi. Đừng chào mời vị trí mà chúng tôi đã có các cầu thủ hàng đầu, lại còn là ngoại binh", Calzada kể. "Hãy xem chúng tôi đã hết suất ngoại binh chưa (mỗi đội ở Saudi Pro League được phép có 10 ngoại binh). Các đội bóng, người đại diện, hoặc cầu thủ đôi khi lợi dụng chúng tôi".
Bóng đá Arab Saudi nói chung và Al Hilal nói riêng là một cỗ máy phức tạp của "sportswashing" (tẩy trắng thông qua thể thao), ưu ái chính trị và những thứ đắt đỏ, được xây dựng trong hơn một thập kỷ và thành công của nó không được đo đếm qua 7 trận đấu vỏn vẹn của Neymar dưới màu áo Al Hilal. Thế nên, chiến thắng của thầy trò Inzaghi trước Man City cũng chỉ mang đến một nụ cười mỉm cho họ.
Hoàng Thông