Máy bay không người lái (UAV) MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper luôn được coi là những vũ khí uy lực hàng đầu, được Mỹ sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến chống khủng bố phát động sau sự kiện ngày 11/9/2001. Dòng MQ-1 đã bị không quân Mỹ loại biên từ năm 2018, trong khi những chiếc MQ-9 vẫn tiếp tục vận hành trong biên chế quân đội Mỹ và 7 quốc gia.
Tính đến hết năm 2021, Mỹ đã xuất xưởng hơn 300 máy bay Reaper. Mỗi chiếc MQ-9 có giá ước tính 30 triệu USD, mang được tải trọng tối đa 1,7 tấn, gồm nhiều loại cảm biến và tối đa 8 tên lửa dẫn đường, có tầm bay hơn 1.900 km và trần bay khoảng 15 km.
Một trong những lợi thế lớn nhất của MQ-9 có thời gian hoạt động liên tục lên tới 27 giờ, cho phép nó tuần tiễu và săn tìm mục tiêu lâu hơn nhiều so với máy bay có người lái. Thiết kế không người lái cũng giúp máy bay hoạt động ở khu vực nguy hiểm mà không gây rủi ro về nhân mạng cho không quân Mỹ.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2007 đến tháng 7/2008, những chiếc MQ-9 đã xuất kích tổng cộng 480 lần và đạt hơn 3.800 giờ bay ở Afghanistan, cho thấy mức độ phổ biến của nó trên chiến trường. Ngoài khu vực Trung Đông, những chiếc Reaper cũng thường xuyên xuất hiện tại châu Âu và châu Phi, làm nhiệm vụ trinh sát và tập kích mục tiêu trong các chiến dịch của Mỹ và đồng minh.
"Reaper và Predator từng có thời làm mưa làm gió trên các chiến trường, trở thành biểu tượng của 'Kỷ nguyên UAV', trong đó hoạt động tác chiến được điều khiển từ xa", bình luận viên Michael Peck của trang Business Insider nhận xét.
Tuy nhiên, bầu trời giờ đây không còn an toàn với MQ-9 như trước. Thống kê của Aviation Safety Network cho thấy ít nhất 107 chiếc Reaper đã bị bắn rơi hoặc gặp tai nạn, trong đó 71 phi cơ bị phá hủy hoàn toàn.
Tháng 10/2017, lực lượng Houthi ở Yemen lần đầu bắn hạ máy bay MQ-9 mang vũ khí trên bầu trời thủ đô Sanaa.
Tháng 11/2019, một chiếc Reaper của Mỹ bị hệ thống phòng không Pantsir-S1 bắn hạ trên bầu trời thủ đô Tripoli của Libya. Các chuyên gia phương Tây lúc đó nhận định tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã gây nhiễu phi cơ, trước khi trực tiếp bắn hạ hoặc hỗ trợ khẩu đội của Quân đội Quốc gia Libya.
Tháng 8/2020, Lầu Năm Góc thông báo hai phi cơ Reaper bị rơi sau khi va chạm trên không ở Syria. Tuy nhiên, truyền thông địa phương nói rằng ít nhất một trong số đó đã bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lực lượng nổi dậy thân Ankara bắn hạ.
Tiêm kích hạng nặng Su-27 Nga hồi tháng 3/2023 xả dầu và làm hỏng máy bay MQ-9 Mỹ hoạt động trên Biển Đen, gần bán đảo Crimea, khiến nó lao xuống biển. Các chiến đấu cơ Nga cũng một số lần áp sát, thả mồi bẫy vào những chiếc Reaper của Mỹ trên bầu trời Syria, làm một phi cơ hỏng cánh quạt.
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen tuyên bố bắn hạ tổng cộng 22 chiếc Reaper của Mỹ từ tháng 10/2023, thời điểm họ phát động chiến dịch tập kích Biển Đỏ nhằm thể hiện ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza, trong đó 7 chiếc bị tiêu diệt trong gần hai tháng Mỹ tiến hành chiến dịch Rough Rider để gây sức ép với Houthi.
Các quan chức Mỹ thừa nhận ít nhất 17 chiếc đã rơi tại Yemen từ tháng 10/2023, gây tổn thất khí tài hơn 500 triệu USD.
![]() |
UAV MQ-9 Reaper tại căn cứ Creech ở bang Nevada, Mỹ, hồi tháng 4. Ảnh: USAF |
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các UAV tầm trung với dự trữ hành trình dài (MALE).
Trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine từng sử dụng UAV Bayraktar TB2 mua từ Thổ Nhĩ Kỳ để tập kích, phá hủy hàng loạt xe tăng và thiết giáp Nga. Bayraktar TB2 khi đó được ca ngợi là "cứu tinh của quân đội Ukraine" và là vũ khí giúp nước này thay đổi cục diện chiến sự, một số người thậm chí coi nó là "vũ khí của chiến trường tương lai".
Tuy nhiên, hàng chục chiếc TB2 đã bị tiêu diệt hoặc tự rơi kể từ khi Nga tăng cường lưới phòng không và tác chiến điện tử, khiến dòng UAV này biến mất hoàn toàn khỏi xung đột. Tại Lebanon, UAV dòng Hermes của Israel cũng nhiều lần bị tên lửa phòng không của nhóm vũ trang Hezbollah phá hủy.
Nguyên nhân khiến UAV MALE dần mất ưu thế là ngày càng nhiều lực lượng sở hữu tên lửa phòng không có thể hạ phi cơ ở độ cao trung bình. Những dòng máy bay như MQ-9 chỉ phù hợp để hoạt động ở vùng trời an toàn, khi phòng không đối phương đã bị chế áp hoàn toàn, hoặc chỉ đối mặt với những nhóm phiến quân có trang bị nghèo nàn và lạc hậu.
"Chúng không có tốc độ và khả năng cơ động như tiêm kích, cũng không được trang bị mồi bẫy và hệ thống gây nhiễu để đối phó tên lửa, trong khi mức giá lại không kém máy bay có người lái", Peck nhận xét.
Trong bài viết được Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh công bố, chuyên gia Robert Tollast khẳng định UAV dòng MALE mang lại khả năng giám sát liên tục với nhiều cảm biến chính xác cao, song "chỉ khi chúng không bị tiêu diệt".
Một số chuyên gia đề cập giải pháp thay thế là sử thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone), vốn đang rất phổ biến trên chiến trường Ukraine và Trung Đông, hoặc UAV có giá dưới 200.000 USD để có thể chấp nhận tổn thất trong chiến đấu.
Tuy nhiên, chúng vẫn có những nhược điểm như tải trọng nhỏ, tầm bay ngắn, trần bay thấp và không thể hoạt động quá vài giờ. Điều này khiến những UAV dòng MALE vẫn có vai trò nhất định, dù không còn khả năng "làm mưa làm gió" như trong quá khứ.
![]() |
Máy bay MQ-9 Mỹ huấn luyện ở bang Nevada hồi năm 2019. Ảnh: USAF |
Không quân Mỹ không từ bỏ UAV như Reaper mà đang tiếp tục nâng cấp để cải thiện khả năng sống sót cho chúng. MQ-Next, mẫu UAV được kỳ vọng sẽ thế chỗ dòng MQ-9 trong thập niên 2030, dự kiến trang bị công nghệ tàng hình để né tránh radar.
"Trừ khi xuất hiện đột phá công nghệ giúp drone sở hữu tính năng như UAV MALE, quân đội Mỹ sẽ phải tiếp tục duy trì và phát triển những dòng phi cơ như Reaper để bảo đảm năng lực giám sát rộng khắp trên chiến trường", cây bút Peck nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo Business Insider)