Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, chấp thuận yêu cầu của 36 thượng nghị sĩ, mở cuộc điều tra về cuộc điện đàm gây tranh cãi của bà với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hồi tháng trước.
Stithorn Thananithichot, giám đốc Văn phòng Đổi mới Dân chủ thuộc Viện Quốc vương Prajadhipok, cho rằng quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn mà Tòa án Hiến pháp đưa ra sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực từ dư luận, sau khi khoảng 10.000 người hôm 28/6 biểu tình ở thủ đô Bangkok để yêu cầu bà Paetongtarn từ chức.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể mở ra giai đoạn mới đầy biến động trên chính trường Thái Lan vào thời điểm nhiều khó khăn. Thái Lan đang đối mặt căng thẳng biên giới với Campuchia, cũng như sức ép thuế quan từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bối cảnh đó, bà Paetongtarn phải tạm nhường lại quyền lực cho Phó thủ tướng Suriya Juangroongruangkit, người sẽ trở thành lãnh đạo tạm quyền cho tới khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng, quá trình có thể kéo dài 1-2 tháng, Stithorn nói.
![]() |
Bà Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan hồi tháng 8/2024. Ảnh: Xinhua |
Trong kịch bản tệ nhất, đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn dẫn dắt có thể buộc phải thuyết phục Bhumjaithai, đảng lớn thứ hai trong liên minh, quay lại và đồng ý để lãnh đạo đảng này là Anutin Charnvirakul lên làm thủ tướng, theo Stithorn.
Trong trường hợp này, quyết định đình chỉ chức vụ đối với bà Paetongtarn sẽ đẩy gia tộc Shinawatra vào tình cảnh rất bất định sau một năm trở lại chính trường.
Bà Paetongtarn là thủ tướng thứ ba trong gia đình Shinawatra, sau cha bà là ông Thaksin và cô ruột Yingluck. Tuy nhiên, cả hai người đều kết thúc sự nghiệp chính trị trong cay đắng. Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2006 và bà Yingluck bị phế truất sau phán quyết của tòa án năm 2014.
Cựu thủ tướng Thaksin vẫn được người dân yêu mến sau khi bị lật đổ, khi nhiều cử tri xem chính phủ dưới thời ông quan tâm đến lợi ích của dân. Khi vận động tranh cử năm 2022, bà Paetongtarn thừa nhận mối quan hệ gia đình là một lợi thế, nhưng khẳng định bà không phải là người đại diện của ông Thaksin.
"Tôi không phải cái bóng của cha mình. Tôi là con gái ông và mãi mãi là như vậy, nhưng tôi có những quyết định riêng của mình", bà nói.
Bà Paetongtarn, 38 tuổi, người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị và điều hành, được Hạ viện Thái Lan bầu làm tân Thủ tướng hôm 16/8/2024, thay thế cựu thủ tướng Srettha Thavisin và trở thành lãnh đạo chính phủ trẻ nhất trong lịch sử nước này.
Lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đang chật vật khôi phục sau đại dịch Covid-19 và sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai có dấu hiệu suy giảm, bà Paetongtarn từng nói muốn mang đến những cơ hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, cũng như giúp đất nước phát triển.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng chính phủ của bà chưa đóng góp được nhiều. Luật hôn nhân bình đẳng được chính phủ của bà ban hành, nhưng vốn được khởi xướng từ chính quyền tiền nhiệm.
Họ cũng chỉ ra những điều không hài lòng về chính sách của đảng Pheu Thái, như tăng lương tối thiểu không đồng đều, thay đổi liên tục trong chương trình trợ cấp tiền mặt, cùng việc hợp pháp hóa casino bị đình trệ và gây nhiều tranh cãi. Việc thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ cũng là vấn đề khiến nhiều người bất bình.
Giới quan sát cho rằng tuổi trẻ của bà Paetongtarn là lợi thế lớn trong giai đoạn tranh cử, giúp thu hút cử tri thanh niên, nhưng lại là bất lợi khi bà lên nắm quyền. Sự thiếu kinh nghiệm của bà trở thành điểm yếu trước nhiều thách thức phức tạp của nền chính trị Thái Lan.
Các nhà phân tích cho rằng điều đó đã được thể hiện trong cuộc điện đàm với ông Hun Sen giữa lúc Thái Lan và Campuchia căng thẳng về vấn đề biên giới. Bà đã gọi ông Hun Sen là "chú" và mô tả Tư lệnh Quân khu 2 Thái Lan là "thuộc phe đối lập".
Khi băng ghi âm cuộc điện đàm bị rò rỉ, nó đã châm ngòi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bà Paetongtarn đã xin lỗi, nhưng phủ nhận mình gây tổn hại cho đất nước. Bà cũng phớt lờ những lời kêu gọi từ chức hoặc giải tán quốc hội, điều mà những người chỉ trích coi là nỗ lực của đảng Pheu Thái nhằm níu giữ quyền lực.
Napon Jatusripitak, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho hay phản ứng của Paetongtarn đã cho thấy sự thiếu kinh nghiệm chính trị của bà và có thể mang tới những thay đổi đáng kể đối với gia tộc Shinawatra.
![]() |
Ông Thaksin Shinawatra chắp tay chào người ủng hộ khi về sân bay Don Mueang, Thái Lan, hôm 22/8/2023. Ảnh: Reuters |
"Trong bối cảnh hiện tại, uy tín của gia tộc Shinawatra đã bị suy yếu. Người thừa kế khả dĩ nhất giờ cũng vướng bê bối. Cái tên Shinawatra nhiều khả năng không còn là tấm thẻ đảm bảo thành công trong các cuộc bầu cử", Napon nói.
Ngoài ra, gia tộc Shinawatra cũng đang bị bủa vây bởi rắc rối pháp lý. Ông Thaksin ngày 1/7 phải hầu tòa với cáo buộc vi phạm luật khi quân, vốn được thiết lập để bảo vệ quốc vương Thái Lan trước mọi chỉ trích.
Cáo buộc bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn với truyền thông Hàn Quốc năm 2015, trong đó ông Thaksin nói rằng các ủy viên Hội đồng Cơ mật, cơ quan gồm các cố vấn cho Quốc vương Thái Lan, ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck vào tháng 5/2014.
Bà Yingluck vẫn sống lưu vong và các vấn đề pháp lý có thể khiến bà phải ngồi tù nếu trở về Thái Lan.
Thủ tướng Paetongtarn đang đối mặt với những cuộc biểu tình từ người dân Thái Lan, đa phần do các nhà hoạt động kỳ cựu của phong trào Áo Vàng dẫn dắt. Đây là phong trào đã lật đổ cựu thủ tướng Thaksin vào những năm 2000.
"Lịch sử đang lặp lại theo một cách nào đó. Thái Lan dường như bị mắc kẹt trong chu kỳ quen thuộc đến mức đáng buồn, trong đó các chính phủ do nhà Shinawatra lãnh đạo lên nắm quyền chỉ để đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các cuộc biểu tình đường phố và tương lai đầy bất định", Napon nhận xét.
Thùy Lâm (Theo Bangkok Post, AP, CNA)