Giáo hoàng Francis ngày 21/4 qua đời tại Vatican, hưởng thọ 88 tuổi. Vatican đang khởi động các thủ tục tôn giáo sau khi Giáo hoàng qua đời, trong đó có nghi lễ hủy nhẫn Ngư phủ và bulla, con dấu chính thức trong các văn thư, tài liệu của Giáo hoàng.
Mỗi Giáo hoàng mới đều được trao nhẫn Ngư phủ và ấn tín bulla mới, để ngăn nguy cơ giả mạo văn kiện. Cả hai đều bị đập vỡ bằng búa sau khi Giáo hoàng tạ thế, trong nghi thức được thực hiện từ năm 1521.
Trong thời hiện đại, khi nguy cơ giả mạo văn kiện ngày càng thấp, việc phá hủy nhẫn chủ yếu mang tính biểu tượng, đánh dấu việc kết thúc triều đại của Giáo hoàng.
![]() |
Mặt nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis. Ảnh: AFP |
Nhẫn Ngư phủ có lịch sử sớm nhất từ thế kỷ 13, là một trong những vật phẩm dễ nhận biết nhất trong phẩm phục của Giáo hoàng, tượng trưng cho quyền lãnh đạo và dẫn dắt con chiên của người đứng đầu Tòa Thánh.
Chiếc nhẫn được đặt tên theo Thánh Peter, vốn là một ngư dân. Nhẫn thường làm bằng vàng nguyên chất, khắc hình Thánh Peter và chìa khóa Nước Trời.
Theo truyền thống, Hồng y Nhiếp chính, vị Hồng y điều hành các công việc hành chính của Tòa thánh trong giai đoạn "trống tòa", sẽ là người hủy nhẫn Ngư phủ và ấn tín bulla trước sự chứng kiến của Hồng y đoàn.
Sau khi người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Benedict XVI trở thành Giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 6 thế kỷ, Vatican áp dụng cách thức mới, không phá hủy hoàn toàn chiếc nhẫn, mà dùng đục khắc hình thánh giá sâu lên mặt nhẫn.
Hồng y Nhiếp chính Kevin Joseph Farrell sẽ là người thực hiện quy trình này trước khi Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới được tổ chức.
![]() |
Hồng y Angelo Sodano trao nhẫn Ngư phủ cho Giáo hoàng Francis ngày 19/3/2013 tại Vatican. Ảnh: AFP |
Dù là biểu tượng cho quyền uy của Giáo hoàng và mang tính nghi lễ lớn, vai trò của chiếc nhẫn Ngư phủ thay đổi đáng kể tùy theo vị Giáo hoàng đeo nó trên tay.
Giáo hoàng Benedict XVI chọn đeo nhẫn Ngư phủ hàng ngày, trong khi Giáo hoàng John Paul II thường đeo một chiếc nhẫn khác hình thánh giá.
Giáo hoàng Francis đeo nhẫn Ngư phủ trong các nghi lễ chính thức. Trong đời sống thường ngày, ông đổi sang chiếc nhẫn bạc từ thời còn là Hồng y.
Nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis cũng không phải nhẫn mới. Tân Giáo hoàng thường đeo nhẫn Ngư phủ mới do thợ kim hoàn chế tác thủ công. Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis đã đi ngược truyền thống, không đặt nhẫn mới mà yêu cầu tái chế nhẫn bạc mạ vàng của thư ký của Giáo hoàng Paul IV làm nhẫn Ngư phủ.
![]() |
Giáo hoàng Francis tại Vatican, trên tay là chiếc nhẫn bạc ông đeo từ thời còn là Hồng y. Ảnh: AP |
Linh cữu Giáo hoàng ngày 23/4 được rước từ Nhà Thánh Marta đến Vương cung thánh đường Thánh Peter để công chúng đến viếng trong ba ngày.
Lễ tang sẽ diễn ra vào lúc 10h ngày 26/4 (15h giờ Hà Nội) tại Quảng trường Thánh Peter. Nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã thông báo dự tang lễ Giáo hoàng Francis. Sự kiện cũng dự kiến thu hút đông đảo tín đồ, người dân tham dự.
Đức Trung (Theo CNN, Vatican News)