"Chúng tôi đã đưa ra đề xuất rất rõ ràng cho cả người Nga và Ukraine. Đã đến lúc họ phải đồng ý, hoặc không Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình này", Phó tổng thống Mỹ JD Vance ngày 23/4 nói với các phóng viên khi đang thăm Ấn Độ.
Ông Vance nhấn mạnh Nga và Ukraine giờ cần thực hiện "những bước cuối cùng" để hướng tới hòa bình. "Tôi nghĩ đến lúc phải thực hiện nếu không phải bước cuối, thì cũng là một trong những bước cuối cùng, trong đó chúng ta sẽ tuyên bố chấm dứt việc giết chóc và sẽ đóng băng ranh giới lãnh thổ ở mức gần với hiện tại", ông nói.
Phó tổng thống Mỹ giải thích thêm "tất nhiên, điều đó đồng nghĩa cả người Ukraine và người Nga đều phải từ bỏ một số lãnh thổ mà họ đang kiểm soát". Ông Vance không nêu rõ các đề xuất mà Mỹ đã đưa ra với Nga và Ukraine để đạt lệnh ngừng bắn.
Bình luận được ông Vance đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington có thể chấm dứt vai trò trung gian đàm phán nếu Nga, Ukraine không có những dấu hiệu rõ ràng về thỏa thuận hòa bình.
![]() |
Phó tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại sự kiện ở thành phố Jaipur, Ấn Độ ngày 22/4. Ảnh: AFP |
Điện Kremlin ngày 23/4 cho hay các bên vẫn còn "rất nhiều vấn đề" trong quá trình đàm phán. "Chúng tôi đang tiếp tục đối thoại, nhưng tất nhiên còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới nỗ lực này cần được giải quyết. Các bên cần thu hẹp những bất đồng trong lập trường của mình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Ông Peskov thêm rằng Nga đang tiếp tục đàm phán với Mỹ về một giải pháp khả thi, nhưng không đối thoại với châu Âu hay Ukraine về vấn đề này. Song ông cho hay Tổng thống Vladimir Putin vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với tất cả các bên.
Khi được hỏi liệu Moskva có coi những áp lực ngày càng tăng từ Washington về thỏa thuận hòa bình như tối hậu thư hay không, ông Peskov khẳng định Nga không có suy nghĩ như vậy và rất hoan nghênh nỗ lực làm trung gian đàm phán của Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr trong khi đó bày tỏ lo ngại về nguy cơ Mỹ rút khỏi hòa đàm. "Đây là thời điểm rất nguy hiểm. Tôi không nghĩ rằng việc Mỹ rút lui sẽ phát đi tín hiệu tốt. Chúng tôi thực sự hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ Ukraine và gây áp lực lên Nga", ông nói trong cuộc họp báo ngày 22/4.
Đề xuất thỏa thuận mà Mỹ đưa ra gần đây được cho là đòi hỏi những nhượng bộ nhiều hơn từ Ukraine. Theo đó, Washington sẽ công nhận quyền kiểm soát của Moskva đối với bán đảo Crimea và chấp nhận thực tế Nga kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine ở Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Kiev cũng phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump và đội ngũ trợ lý không ngừng thúc đẩy thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine. Tuy nhiên, hai bên cho đến nay chỉ đưa ra những cam kết hạn chế như ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày và ngừng giao tranh trên Biển Đen.
Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters, Kyiv Independent)