Tờ The Nation của Thái Lan cho biết không quân nước này đầu giờ chiều 25/7 triển khai 4 tiêm kích F-16 tấn công hai mục tiêu quân sự Campuchia, "nhiệm vụ diễn ra thành công" và các phi cơ đều trở về an toàn.
Không quân Thái Lan sau đó thực hiện đợt tập kích thứ hai, điều hai chiến đấu cơ F-16 tấn công hai mục tiêu quân sự khác của Campuchia. Những phi cơ này cũng trở về căn cứ an toàn. Các mục tiêu bị nhắm tới nằm trong khu vực Preah Vihear, Ta Muen Thom và Phu Makua.
Maly Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết tiêm kích F-16 Thái Lan khoảng 12h30-12h40 hôm nay thả bom ba lần lên khu vực đền Preah Vihear, Wat Keo Sikha Kiri Swarak và một lần vào khu vực đền Ta Krabey.
Theo quan chức này, quân đội Thái Lan bắn 4 quả đạn pháo vào một trường tiểu học ở tỉnh Oddar Meanchey cũng như một số ngôi làng, gây thương tích và phá hủy nhà dân.
![]() |
Tiêm kích F-16 Thái Lan bay trình diễn tại Bangkok hồi tháng 3. Ảnh: Reuters |
Phát ngôn viên Socheata cũng cáo buộc Thái Lan đã sử dụng lượng lớn đạn chùm, vũ khí có thể gây thiệt hại lâu dài, và nói Campuchia lên án hành động này.
Thái Lan chưa bình luận về thông tin sử dụng đạn chùm hay bắn vào trường học, làng mạc của Campuchia. Bangkok trước đó gửi thư lên Liên Hợp Quốc cáo buộc Phnom Penh tấn công hạ tầng dân sự, trong đó có bệnh viện, trường học và công trình công cộng, khiến nhiều người dân Thái Lan thiệt mạng.
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cùng ngày cho biết đã cố gắng thỏa hiệp với quốc gia láng giềng, song hiện đã chỉ thị cho quân đội "hành động ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp".
"Việc tình hình tiếp tục leo thang có thể sẽ dẫn đến chiến tranh, song hiện vẫn giới hạn ở các cuộc đụng độ", ông nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết Mỹ, Trung Quốc và Malaysia, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN, đã đề nghị làm trung gian đối thoại, song Bangkok muốn tìm kiếm giải pháp song phương cho xung đột với Phnom Penh.
"Tôi nghĩ chúng tôi chưa cần quốc gia thứ ba nào làm trung gian hòa giải", quan chức này cho hay.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trước đó cho biết đã nói chuyện với lãnh đạo Campuchia cũng như Thái Lan và kêu gọi hai nước tìm kiếm giải pháp hòa bình.
![]() |
Biên giới Thái Lan - Campuchia. Đồ họa: CNA |
"Chúng tôi trân trọng đề xuất đó và không loại trừ khả năng để quốc gia thứ ba hỗ trợ. Dù vậy, chúng tôi tin rằng các cơ chế song phương vẫn chưa được khai thác hết", Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Russ Jalichandra cho hay.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết nước này và Thái Lan ban đầu đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Thủ tướng Malaysia đưa ra, song Bangkok sau đó thay đổi quyết định. Thái Lan chưa bình luận về thông tin này.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ ngày 23/7, khi giới chức Thái Lan cáo buộc Campuchia gài mìn tại khu vực tranh chấp biên giới, nơi xảy ra vụ đụng độ hồi tháng 5, khiến một binh sĩ Thái Lan bị thương. Giao tranh giữa Campuchia và Thái Lan bùng phát gần đền Ta Moan Thom sáng 24/7, sau đó lan sang một số khu vực khác dọc biên giới hai nước.
Phạm Giang (Theo Nation, Khmer Times, Reuters, AFP)