Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 21/5 dự lễ hạ thủy tàu khu trục thuộc lớp chiến hạm đa nhiệm Choe Hyon có lượng giãn nước 5.000 tấn tại xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Chongjin, đông bắc nước này. Tuy nhiên, một "sự cố nghiêm trọng" xảy ra trong quá trình hạ thủy đã khiến con tàu bị chìm phần đuôi dưới nước, một số phần đáy bị "nghiền nát" và chưa thể trục vớt.
Ông Kim đã tức giận gọi sự cố này là "hành vi phạm tội hoàn toàn do cẩu thả và vô trách nhiệm, đáng lẽ không được xảy ra và không thể dung thứ". Giới chức Triều Tiên sau đó đã bắt 4 quan chức liên quan đến quá trình đóng và hạ thủy con tàu.
Theo giới phân tích, việc ông Kim công khai bày tỏ nỗi giận dữ với sự cố cho thấy một thực tế rằng quân đội Triều Tiên, dù đông đảo, đang thiếu trang bị nghiêm trọng và ông Kim đang nỗ lực thay đổi điều đó.
![]() |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận quân sự hôm 13/5. Ảnh: KCNA |
Về số lượng, Triều Tiên sở hữu một trong những đội quân thường trực lớn nhất thế giới, cùng hạm đội hải quân và không quân khổng lồ. Nước này còn có kho tên lửa tinh vi và vũ khí hạt nhân, đặt ra mối đe dọa đáng kể cho Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Kim đang đối mặt với vấn đề chất lượng vũ khí. Triều Tiên nhiều năm qua dồn toàn lực vào chương trình vũ khí hạt nhân, khiến những mảng khác của quân đội không được đầu tư đúng mức. Các chuyên gia vũ khí nhận định đa số máy bay, xe tăng và tàu chiến Triều Tiên hiện đã lỗi thời, chỉ mang tính phòng thủ.
Hải quân Triều Tiên, dù sở hữu quân số lớn với khoảng 60.000 người, hơn 420 tàu chiến và 70 tàu ngầm, vẫn chỉ được xem như lực lượng phòng thủ ven bờ. Các hạm đội cũ kỹ và hệ thống vũ khí lỗi thời hạn chế đáng kể năng lực hoạt động tầm xa của hải quân Triều Tiên.
Điều này khiến kho vũ khí Triều Tiên rất dễ bị tổn thương, trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục trang bị những hệ thống vũ khí có khả năng tung đòn tấn công phủ đầu tầm xa.
Nhận thức được nguy cơ đó, ông Kim đã gấp rút thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa khí tài quân sự Triều Tiên. Hồi cuối tháng 4, phát biểu tại lễ ra mắt tàu khu trục hiện đại hóa đầu tiên của đất nước, ông đã vạch rõ tham vọng đối với lực lượng hải quân. Ông cho biết Triều Tiên cần nhiều hơn nữa chiến hạm, tuần dương hạm, tàu hộ tống và tàu khu trục đa nhiệm có khả năng vươn xa ra các vùng "biển xanh", thuật ngữ để chỉ vùng biển quốc tế xa bờ.
"Với thời gian ngắn nhất có thể", ông tuyên bố.
Dự án phát triển lớp chiến hạm đa nhiệm Choe Hyon được coi là một phần của nỗ lực này. Phát biểu hồi tháng 4, khi Triều Tiên hạ thủy thành công tàu khu trục 5.000 tấn đầu tiên thuộc lớp này, ông Kim cho biết đây là phát súng khởi đầu để đất nước hướng tới mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân tiên tiến.
Việc hạ thủy chiến hạm hiện đại lớp Choe Hyon thứ hai lẽ ra phải đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng, đưa nước này thoát khỏi thời kỳ phụ thuộc vào các tàu chiến đã được biên chế hàng chục năm trước.
Kỳ vọng này giải thích cho nỗi tức giận của ông Kim khi con tàu bị hỏng nặng trong lúc hạ thủy. Việc công khai thừa nhận thất bại càng cho thấy ông Kim coi trọng nỗ lực phát triển hải quân như thế nào, khi liên tục nhấn mạnh chủ quyền biển là công cụ để bảo vệ lợi ích quốc gia.
![]() |
Khu trục hạm Choe Hyon của Triều Tiên trong lễ hạ thủy tại xưởng đóng tàu ở thành phố Nampho ngày 25/4. Ảnh: KCNA |
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, con khu trục lớp Choe Hyon của Triều Tiên dài khoảng 143 mét, được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại, như bệ phóng thẳng đứng (VLS) dành cho tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình.
Triều Tiên sở hữu nhiều vũ khí tầm xa có thể vươn tới lục địa Mỹ, đồng thời là nước duy nhất trên thế giới thực hiện các vụ thử hạt nhân trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, việc hải quân của họ hiện đại hóa lực lượng trên biển có thể thay đổi căn bản cách thức răn đe của Triều Tiên đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, giới quan sát đánh giá.
Việc sở hữu các chiến hạm có khả năng phóng tên lửa sẽ giúp Triều Tiên sở hữu năng lực "tấn công trả đũa", bổ sung đáng kể sức mạnh cho kho vũ khí trên bộ. Một đội tàu chiến cũng là công cụ cần thiết để Bình Nhưỡng duy trì khả năng răn đe thường trực trên biển và thực hiện các cuộc phản công.
Các nhà phân tích vũ khí cho rằng để cạnh tranh quyết liệt hơn với Mỹ và Hàn Quốc trên biển, Triều Tiên còn cần những khí tài khác, như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn khó bị phát hiện và có khả năng di chuyển xa.
Những chiếc tàu ngầm này không chỉ tiêu tốn đáng kể nguồn lực giám sát của đối phương mà còn giúp Triều Tiên rút ngắn tầm tấn công đến lục địa Mỹ. Tuy nhiên, việc chế tạo chúng cực kỳ phức tạp, ngay cả đối với một cường quốc như Mỹ.
Ông Kim gần đây đến thăm một nhà máy đóng tàu để thị sát quá trình chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một trong những ưu tiên quân sự hàng đầu của ông. Tuy nhiên, theo Lee Sang-kyu, chuyên gia nghiên cứu an ninh hạt nhân tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, trụ sở ở Seoul, Triều Tiên phải mất ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể triển khai loại tàu ngầm này. Ông Lee cho hay sự cố hôm 21/5 càng làm chậm trễ thêm tiến độ thử nghiệm và trang bị khí tài cho các chiến hạm mới.
![]() |
Ông Kim Jong-un và con gái thị sát một vụ phóng tên lửa từ chiến hạm trong bức ảnh được công bố hôm 30/4. Ảnh: AFP |
Theo Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, tham vọng hải quân của ông Kim được thúc đẩy phần nào nhờ quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng gần gũi giữa Bình Nhưỡng với Moskva. Mối quan hệ này được dự đoán còn khăng khít hơn nữa, khi Triều Tiên điều quân đến hỗ trợ Nga đẩy lùi lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk.
Các nhà phân tích quân sự cho biết tàu khu trục lớp Choe Hyon được trang bị hệ thống phòng không Nga. Quân đội Hàn Quốc cũng nhận định Nga có thể đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển con tàu này, dù không nêu rõ chi tiết.
"Bất chấp những hạn chế và sự cố, bằng cách phô diễn các tàu hải quân của mình, Triều Tiên đang phát đi tín hiệu rằng họ sẽ tập trung tối đa vào nhiệm vụ tăng cường năng lực tấn công trên biển", Hong Min, chuyên gia cao cấp tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)