Tay cầm cờ lê, Oleksandr Belyba, người tị nạn Ukraine, bận rộn sửa xe tải trong một gara ở thủ đô Ba Lan. Người đàn ông 33 tuổi tận tâm với công việc và muốn ở lại Ba Lan, đất nước hưởng lợi kinh tế từ những người tị nạn Ukraine nhưng tình trạng bài xích người di cư lại gia tăng.
"Không thể không làm việc ở Ba Lan, mà người Ukraine là những người không thể ngồi không", Belyba, người đã dành 13 tháng trên tiền tuyến chống Nga, nói trong gara sửa xe ở Warsaw ngày 24/6.
Anh đến Ba Lan nửa năm trước, làm việc trong một cửa hàng sửa xe của người bạn thời thơ ấu quê ở Dnipro, thành phố phía đông Ukraine.
![]() |
Oleksandr Belyba, thợ cơ khí ôtô 33 tuổi người Ukraine, làm việc trong cửa hàng sửa chữa ở Warsaw, ngày 24/6. Ảnh: AFP |
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Ba Lan mở cửa biên giới đón hàng triệu người tị nạn Ukraine, đồng thời cung cấp cho họ nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, đa số chính sách đã hết hiệu lực, người Ukraine tị nạn ở Ba Lan bây giờ có quyền và nghĩa vụ giống người Ba Lan.
Có khoảng 1,5 triệu người Ukraine đang sống ở Ba Lan, trong đó một triệu người được coi là người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Người lao động và sinh viên Ukraine được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí giống công dân Ba Lan.
Sự hiện diện của họ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Ba Lan, theo báo cáo công bố hồi tháng 6 của Deloitte, một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới và cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR.
Theo báo cáo, người tị nạn Ukraine năm 2024 "đã đóng góp 2,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan". Phần đóng góp này sẽ "mất đi" nếu không còn người tị nạn Ukraine.
Những người tị nạn giúp "tăng nguồn cung lao động trong cả vai trò người làm thuê lẫn chủ doanh nghiệp, đồng thời mở rộng nhu cầu tiêu dùng", Deloitte nhấn mạnh, lưu ý 69% người tị nạn Ukraine ở Ba Lan có việc làm.
Báo cáo này trái với tuyên bố của một số chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc và cực hữu Ba Lan, những người cáo buộc người Ukraine "đang lợi dụng Ba Lan" và đề cao khẩu hiệu "Ba Lan là trên hết, người Ba Lan là trên hết". Họ cho rằng phúc lợi xã hội phải dành "cho người Ba Lan" và người Ba Lan nên "được ưu tiên" khi xếp hàng khám bệnh.
Lãnh đạo cực hữu Slawomir Mentzen thậm chí cáo buộc người Ukraine đối xử với người Ba Lan như "đồ ngốc" và người dân Ba Lan đang lao động để giúp người Ukraine ở lại Ba Lan.
Tuy nhiên, Oleh Yarovyi, chủ sở hữu chuỗi cà phê Dobro Dobro ở Warsaw, nơi 95% nhân viên là người Ukraine, phủ nhận cáo buộc này và cho rằng phúc lợi xã hội "không đủ để sống thoải mái ở Ba Lan".
"Vật giá ở Ba Lan không rẻ, để sống bình thường, người tị nạn vẫn phải làm thêm nhiều việc", ông nói.
Olesia Hryhorash, nhân viên dịch vụ giặt khô trong một trung tâm mua sắm, đồng tình với ý kiến này.
"Tất cả bạn bè của tôi đều đang làm việc, một số người thậm chí còn làm hai việc", người phụ nữ 25 tuổi đến Ba Lan để nghỉ lễ ngay trước khi Nga phát động chiến sự, nói.
![]() |
Olesia Hryhorash, thợ may làm việc tại một cửa hàng giặt khô trong trung tâm thương mại ở Warsaw, ngày 26/6. Ảnh: AFP |
Theo báo cáo của UNHCR, người Ukraine ở Ba Lan chủ yếu làm công việc có thu nhập thấp, sự xuất hiện của họ không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp Ba Lan vốn ở mức 5%.
"Nền kinh tế được hưởng lợi từ một nguồn tài nguyên lớn hơn, cho phép chuyên môn hóa sâu hơn và tăng trưởng năng suất cao hơn", báo cáo có đoạn.
"Tôi không lấy bất kỳ món tiền nào của Ba Lan. Mọi thứ tôi có ở đây đều do chính tay tôi làm ra", Vitalii Vizinskyi, 47 tuổi, chủ một công ty xây dựng quê ở miền tây Ukraine, nói. "Đương nhiên, tôi cũng đóng thuế ở đây".
Đằng sau ông là các công nhân người Ukraine, Belarus và Ba Lan đang bận rộn lát đá trong vườn của một đại sứ quán ở Warsaw.
Kateryna Glazkova, giám đốc điều hành của Liên minh các doanh nhân Ukraine, người thường xuyên qua lại giữa Kiev và Warsaw, nơi gia đình cô đang định cư, cho biết Ba Lan đã "đơn giản hóa việc đăng ký kinh doanh của người Ukraine".
![]() |
Vitalii Vizinskyi (phải), người Ukraine, chủ một công ty xây dựng, giám sát nhân viên lát đá vỉa hè trong vườn của một đại sứ quán ở Warsaw, ngày 24/6. Ảnh: AFP |
Viện Kinh tế Ba Lan ước tính người Ukraine chiếm gần 1/10 doanh nghiệp siêu nhỏ ở Ba Lan, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ.
Báo cáo của ngân hàng nhà nước Ba Lan BGK cho thấy tiền thuế và đóng góp an sinh xã hội từ người di cư Ukraine lên tới 15,1 tỷ zloty (4,18 tỷ USD), trong khi tổng số tiền hỗ trợ trẻ em Ukraine mà chính phủ Ba Lan đã cấp là 2,8 tỷ zloty.
"Với số tiền thuế đã nộp và những đóng góp cho ngân sách Ba Lan, người Ukraine đã trả lại nhiều hơn rất nhiều so với số tiền viện trợ họ đã nhận", Glazkova nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)