"Tôi mua gấp đôi mọi thứ. Đậu, đồ hộp, bột mì", người đàn ông 53 tuổi nói. Kế hoạch của ông là tích trữ càng nhiều càng tốt trước khi lệnh áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực từ 0h ngày 9/4 (12h ngày 10/4 giờ Hà Nội).
Trước khi ghé Walmart, ông Jennings đã tạt qua siêu thị Costco, mua lượng lớn đường, bột mì và nước. "Tôi cảm thấy suy thoái tới gần, tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", ông nói, tin rằng vật giá sẽ sớm tăng vọt do lệnh áp thuế của ông Trump với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ.
Dù nhiều người mua sắm có thái độ chờ xem tình hình sẽ thế nào sau khi đòn thuế có hiệu lực, số còn lại lo sợ rằng bất kỳ nỗi hoảng loạn nào cũng sẽ gây ra cơn sốt tích trữ hàng hóa, làm gia tăng lo ngại về lạm phát.
![]() |
Manish Kapoor, nhà sáng lập GCG, công ty quản lý chuỗi cung ứng bên ngoài Los Angeles, cho biết thuế quan đang khơi dậy nỗi sợ hãi về khoảng thời gian hàng hóa siêu thị khan hiếm trong đại dịch Covid-19, khi đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản phẩm, lạm phát tăng cao.
"Chúng tôi đã chứng kiến điều này trong thời Covid-19, thời điểm mọi người điên cuồng đổ xô đến siêu thị, gom hết mọi thứ trên kệ bất kể nhu cầu", ông Kapoor nói. "Sẽ không đến mức này, nhưng mọi người đang lo lắng hàng hóa tăng giá, dẫn đến xu hướng tích trữ".
Trong số này có Angelo Barrio, 55 tuổi, cựu quản lý ngành may mặc. Ông Barrio nói chiến thuật "khuấy đảo và gây hỗn loạn" của ông Trump khiến ông và bạn bè lo lắng về hướng đi của nền kinh tế Mỹ.
Ông bắt đầu mua hàng hóa có hạn sử dụng dài từ tháng 11/2024, do lo ngại các nhà bán lẻ sẽ tăng giá để bù thuế.
Tuần qua, ông đã đến Costco tích trữ kem đánh răng, xà phòng, nước, gạo để bảo quản trong tầng hầm. Tại Walmart, ông mua thêm hai chai dầu olive, nâng tổng số dầu tích trữ lên 20 chai.
"Bạn không bao giờ có thể chắc chắn mình sẽ cần bao nhiêu", ông nói.
![]() |
Bên trong siêu thị Walmart ở Secaucus, New Jersey, ngày 3/4. Ảnh: Reuters |
Maggie Collins, ngoài 60 tuổi, cho biết bà "run rẩy" khi nghĩ về thuế quan của ông Trump và tác động của chúng lên người cao tuổi.
Tại siêu thị Walmart ở North Bergen, New Jersey, bà chất đầy xe đẩy những mặt hàng như sữa tắm, băng vệ sinh, vì giá các mặt hàng này ở đây rẻ hơn một chút so với nhiều siêu thị khác.
"Tôi xem xét kỹ giá cả, vì tôi sống dựa vào nguồn thu nhập cố định", bà Collins, điều dưỡng viên tại viện dưỡng lão trong khu vực, nói. "Mua một món hàng đắt hơn đồng nghĩa việc phải cấu trừ vào khoản chi khác".
Trong lần ghé siêu thị Shoprite gần đây để mua thịt băm, loại thịt mà Collins hay mua giờ đây có giá 16 USD cho một túi 1,36 kg, buộc bà phải chọn loại khác có giá rẻ hơn một nửa.
"Làm thế nào bọn trẻ có thể xoay xở với tình hình như vậy đây", bà tự hỏi. "Chúng vừa chỉ mới vào đời mà mọi thứ đã quá khó khăn như vậy".
Đức Trung (Theo Reuters, Guardian, Washington Post)