Sau khi thẻ tín dụng bị từ chối cho một giao dịch trị giá 6 USD ở thị trấn Boca Raton, bang Florida, Richard VanMetter nghĩ rằng có kẻ gian xâm nhập tài khoản nên ngân hàng đã khóa thẻ của ông.
Người đàn ông 76 tuổi, một nhà vật lý đã về hưu, gọi cho ngân hàng thì mới biết rằng chính quyền liên bang đã thông báo với mọi tổ chức tài chính: ông không còn sống nữa và mọi hoạt động tài chính dưới tên ông có thể là giả mạo.
Không chỉ bị từ chối sử dụng dịch vụ ngân hàng, VanMetter còn bị cắt lương hưu, mất bảo hiểm y tế Medicare và khoản trợ cấp An sinh Xã hội cuối cùng cũng bị truy thu.
"Như thể sự tồn tại của tôi đã bị xóa sạch", ông kể lại.
![]() |
Richard VanMetter tại nhà riêng ở bang Washington. Ảnh: Washington Post |
Hồ sơ của VanMetter bị đưa nhầm vào danh sách thống kê người đã qua đời của Cơ quan An sinh Xã hội (SSA), được gọi nôm na là "sổ cái chứng tử" (DMF), trong đợt rà soát hệ thống trước đó của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk phụ trách.
SSA là cơ quan lưu trữ đầy đủ nhất dữ liệu người qua đời ở Mỹ, với hơn 142 triệu hồ sơ được thu thập từ năm 1899. Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ với các ngân hàng, nhà tuyển dụng, cơ quan bầu cử và nhiều tổ chức khác để cung cấp dịch vụ cho người dân Mỹ.
VanMetter cho rằng ông vẫn còn may mắn khi phát hiện rắc rối giữa lúc đang đi nghỉ mát ở một thị trấn đầy đủ tiện nghi và dịch vụ công cộng. Ông mang theo hộ chiếu để du lịch trên du thuyền nên đã nhanh chóng tới văn phòng SSA tại Boca Raton để chứng minh mình chưa qua đời.
"Tôi bước vào văn phòng và nói với nhân viên bảo vệ: 'Xin chào, tôi là người đã bị liệt vào diện đã chết'. Người bảo vệ chỉ thở dài và gọi cho quầy lễ tân: 'Lại thêm một người nữa này'", VanMetter nhớ lại.
Các công chức tại văn phòng SSA mất hơn một giờ để giúp ông "hồi sinh" trên hệ thống. "Cô nhân viên hôm ấy phải nhập lại gần như toàn bộ dữ liệu của tôi, không chỉ đơn giản là bỏ chọn ô 'đã chết' trên máy tính", ông kể.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn bên trong SSA đã khiến việc khắc phục các sự cố tương tự gian nan hơn trước. Website SSA thường xuyên gặp trục trặc, còn đường dây nóng bị nghẽn liên tục.
Những rắc rối kỹ thuật này vốn không lạ lẫm ở những hệ thống dịch vụ công, khi phải xử lý lượng dữ liệu khổng lồ của công dân Mỹ, nhưng khó khăn càng chồng chất kể từ khi DOGE đẩy mạnh cắt giảm nhân sự và các dịch vụ công mà họ cho là lãng phí.
![]() |
Elon Musk mặc áo in chữ DOGE trong khuôn viên Nhà Trắng hôm 9/3. Ảnh: AP |
Ned Johnson, cư dân thành phố Seattle bang Washington, ở bờ tây nước Mỹ, cũng phát hiện mình bị "khai tử" vào tháng 2, sau khi vợ ông nhận thông báo từ đơn vị bảo hiểm y tế Medicare.
Johnson phải đến văn phòng SSA địa phương ba lần, mỗi lần chờ nhiều giờ, nhưng không giải quyết được gì. Văn phòng có 50 quầy tiếp dân, nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến chỉ có ba quầy có người trực. Cuối cùng, nhờ can thiệp từ thượng nghị sĩ Maria Cantwell và hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, hồ sơ của ông mới được xử lý.
"Qua 45 ngày xử lý, tôi thấy nhân viên SSA là những người có thiện chí, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nhưng họ thiếu nhân lực trầm trọng", Johnson kể trên Seattle Times.
Tại New York, chuyên viên kỹ thuật Rennie Glasgow, với 15 năm làm việc tại văn phòng SSA phía bắc bang, cho biết ngày nào cũng có người mang giấy tờ tùy thân đến văn phòng và khiếu nại không nhận được phúc lợi dù rõ ràng họ còn sống.
"Đội của DOGE đã vào hệ thống và 'khai tử' khoảng 4 triệu người. Nhưng họ không chắc liệu những người đó có thật sự đã chết hay chưa. Họ chỉ gửi email cho chúng tôi nói rằng: Nếu người nào còn sống đến văn phòng với đầy đủ giấy tờ, thì khôi phục hồ sơ cho từng trường hợp", Glasgow kể lại.
Ông nói thêm rằng quá trình khôi phục dữ liệu để đưa một người ra khỏi "sổ cái chứng tử" mất trung bình 3-4 ngày. Cho đến khi được "hồi sinh", người đó phải sống trong tình trạng "chết về tài chính". Họ không thể thanh toán chi phí liên quan đến ôtô của mình, không được ngân hàng cấp tín dụng, không thể làm gì bằng danh tính vốn đã bị hệ thống đánh dấu là "đã chết".
Rắc rối không kết thúc hoàn toàn sau khi hồ sơ một người được đưa khỏi "sổ cái chứng tử". Thông tin của họ cần được chuyển về trung tâm thanh toán trong SSA, giải quyết cấp lại những phúc lợi mà họ mất trong thời gian "đã chết". Bộ phận này lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hàng loạt đợt cắt giảm từ DOGE.
"Công việc trước đây mất 15 ngày, giờ mất 30-45 ngày", Glasgow nói.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Elon Musk đứng cạnh xe Tesla tại Nhà Trắng ngày 11/3. Ảnh: AP |
Văn phòng của ông ở phía bắc New York chỉ còn 30 nhân viên làm việc. Văn phòng có 18 quầy phục vụ nhưng chỉ có 4 quầy hoạt động mỗi ngày. Trung bình, người dân phải chờ khoảng ba tiếng mới đến lượt mình, nhưng khi họ đến nơi thì khả năng cao là hệ thống máy tính lại sập và nhân viên SSA đành bó tay.
"Ngày nào cũng vậy, từ 10h đến khoảng 12h, hệ thống sẽ gặp trục trặc kỹ thuật. Người dân ngồi chờ hàng tiếng, đến lượt mình lại phải nghe chúng tôi báo rằng chẳng ai hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra", Glasgow bức xúc.
Musk nhiều lần tuyên bố khoảng 20 triệu người Mỹ trên 100 tuổi đang nhận trợ cấp. Giới phân tích cho rằng tuyên bố này không thể chính xác vì dân số thực tế ở độ tuổi đó tại Mỹ chỉ khoảng 100.000 người.
Hệ thống SSA đang lưu trữ hơn 530 triệu số An sinh Xã hội, trong đó có hàng triệu hồ sơ cũ sai lệch do lỗi công nghệ, thiếu thông tin ngày sinh hay mã hóa sai. Việc xác minh từng cá nhân để làm sạch dữ liệu sẽ tốn kém nhiều hơn lợi ích thu được, theo báo cáo năm 2023 của cơ quan này.
Bất chấp cảnh báo rằng việc rà soát tìm "người chết" hại nhiều hơn lợi, DOGE vẫn chuyển hàng triệu hồ sơ nghi vấn vào DMF, theo các nguồn thạo tin tiết lộ cho Washington Post.
Các nguồn tin này cho biết kể từ đầu tháng 3, hơn 10 triệu số An sinh Xã hội đã bị đưa vào danh sách người chết, chứ không chỉ 4 triệu như Glasgow ghi nhận. Quyết định phân loại không dựa trên bằng chứng rõ ràng mà chỉ dựa vào giả định rằng những người này chắc đã qua đời. Các chỉ dấu phân loại gồm ngày sinh trước 1/3/1905 nhưng sau năm 1871, không có thu nhập 45 năm qua, không thay đổi địa chỉ trong 50 năm qua, và không nhận trợ cấp.
Chính quyền Tổng thống Trump có thừa nhận DOGE đang can thiệp vào dữ liệu của SSA và điều chỉnh danh sách người chết. "Việc cập nhật danh sách là một phần trong nỗ lực liên tục cải thiện độ chính xác dữ liệu và ngăn chặn gian lận", phát ngôn viên Nhà Trắng Liz Huston nói, dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng hay trường hợp gian lận nào cụ thể.
Hồi đầu tháng 4, truyền thông Mỹ còn phát hiện SSA âm thầm đưa hơn 6.000 người nhập cư vừa bị rút quyền tạm trú ở Mỹ vào danh sách "đã chết", theo yêu cầu của Bộ An ninh Nội địa. Chiến thuật này được sử dụng để chặn mọi giao dịch tài chính và làm việc của nhóm người nhập cư ban đầu đến Mỹ hợp pháp nhưng giờ đây bị xếp vào diện cư trú trái phép, buộc họ chỉ còn cách "tự trục xuất" khỏi Mỹ.
Khi đọc tin về những người nhập cư bị "khai tử", VanMetter nói ông có thể hiểu rõ tổn thương kinh hoàng về tinh thần lẫn tài chính mà những người này sẽ chịu đựng. Còn Ned Johnson, sau nhiều tuần tìm cách "hồi sinh" bản thân chỉ vì sai sót của chính phủ, choáng váng khi nghe Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói rằng chỉ có "kẻ gian lận" mới than phiền vì mất trợ cấp vài tháng.
"Điều đó thực sự khiến tôi bức xúc. Tôi không gian lận gì cả, nhưng họ vẫn nhắm vào tôi", Johnson nói.
Thanh Danh (Theo Washington Post, Daily Beast, AP)