"Ai thắt nút thì phải tháo nút", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong ngày 24/4 tuyên bố, đề cập đến hành động "tăng thuế quan đơn phương bắt nguồn từ Mỹ". Theo ông He, để giải quyết vấn đề, Mỹ phải "xóa bỏ hoàn toàn mọi biện pháp thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc và tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng".
Tuyên bố cứng rắn được Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tiếp có các động thái mang tính xoa dịu rằng Washington đang "tích cực đàm phán" với Bắc Kinh và sẽ "giảm đáng kể" mức thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc không vội vàng nhượng bộ hay thỏa hiệp, vì đang sở hữu nhiều lợi thế trong cuộc đấu thuế quan với Mỹ. Một trong những lợi thế đó là các nhà máy được tự động hóa trên khắp Trung Quốc với tốc độ chóng mặt. Những đội quân robot, với khả năng đảm nhận nhiều khâu trong quy trình sản xuất, đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó, nhà máy có thể giữ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng ở mức thấp, mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như khắc chế phần nào mức thuế cao mà Tổng thống Trump tung ra.
Các nhà máy Trung Quốc hiện được tự động hóa nhiều hơn so với Mỹ, Đức hay Nhật Bản. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Trung Quốc có tỷ lệ robot nhà máy trên 10.000 công nhân lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, trừ Hàn Quốc và Singapore.
![]() |
Cánh tay robot lắp ráp ôtô tại một nhà máy sản xuất xe điện ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2023. Ảnh: Reuters |
Động lực tự động hóa của Trung Quốc được định hướng bởi các chỉ thị từ chính phủ, bên cạnh những khoản đầu tư nhà nước lớn. Nhờ robot, Trung Quốc có thể tiếp tục thống trị ngành sản xuất ngay cả khi lực lượng lao động quốc gia già đi và ngày càng ít người sẵn sàng làm những công việc chân tay tại nhà máy.
He Liang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Yunmu Intelligent Manufacturing, nhà sản xuất robot hình người hàng đầu Trung Quốc, cho biết nước này đang nỗ lực biến robot thành một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.
"Chúng tôi kỳ vọng có thể đưa ngành chế tạo robot hình người phát triển giống như ngành ôtô điện", ông nói. "Với quan điểm này, đây là một chiến lược quốc gia".
Robot đang thay thế công nhân không chỉ trong các nhà máy ôtô quy mô lớn, mà còn ở hàng nghìn xưởng sản xuất nhỏ lẻ của Trung Quốc.
Xưởng nhỏ của Elon Li ở Quảng Châu có 11 công nhân cắt, hàn kim loại, chuyên sản xuất lò nướng và thiết bị nướng giá rẻ. Ông chuẩn bị chi 40.000 USD mua cánh tay robot gắn camera từ một công ty nội địa. Thiết bị này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan sát cách công nhân hàn các mặt lò nướng rồi bắt chước hành động của họ.
4 năm trước, Li chỉ có thể nhập hệ thống tương tự từ các công ty robot nước ngoài với giá gần 140.000 USD.
"Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đầu tư vào tự động hóa", ông nói, thêm rằng con người chỉ có thể làm việc 8 tiếng mỗi ngày, trong khi máy móc "sẵn sàng làm 24 tiếng không nghỉ".
Các công ty lớn còn đặt cược nhiều hơn vào tự động hóa.
Tại Ninh Ba, một nhà máy khổng lồ của Zeekr, hãng sản xuất ôtô điện Trung Quốc, có 500 robot vào thời điểm bắt đầu hoạt động cách đây 4 năm. Hiện họ sở hữu 820 robot và đang lên kế hoạch sản xuất thêm nhiều robot khác.
Tại nhà máy Zeekr, tiếng nhạc sẽ vang lên mỗi khi robot xe đẩy di chuyển để cảnh báo mọi người xung quanh. Chúng kéo những thỏi nhôm đến một thang máy tự động, chuyển lên lò nung ở phía trên cùng của một cỗ máy cao hơn 12 m. Sau khi nóng chảy, nhôm được đúc thành nhiều hình dạng khác nhau, tương ứng với các bộ phận khác nhau của xe điện. Các robot xe đẩy, cùng với xe nâng do người điều khiển, sau đó đưa thành phẩm đến nhà kho.
Cùng lúc, nhiều robot khác đưa các tấm pin đến dây chuyền lắp ráp, nơi hàng trăm cánh tay máy, làm việc theo nhóm lên đến 16 máy, thực hiện một loạt động tác phức tạp để hàn chúng vào thân xe. Khu vực hàn được gọi là "vùng tối" bởi tại đây, robot có thể hoạt động mà không cần bật đèn.
Dù vậy, các nhà máy Trung Quốc vẫn sử dụng lượng lớn lao động con người. Ngay cả với quy trình tự động hóa, họ vẫn cần công nhân để kiểm tra chất lượng và lắp đặt một số bộ phận đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của con người, như dây điện. Có những thứ máy móc không thể tự làm, chẳng hạn trước khi sơn ôtô, công nhân vẫn phải dùng tay chà xát và tinh chỉnh để xử lý mọi khuyết điểm nhỏ.
Tuy nhiên, một số bước trong quá trình kiểm soát chất lượng đang được tự động hóa với hỗ trợ của AI.
Ở gần cuối dây chuyền lắp ráp của Zeekr, hàng chục camera độ phân giải cao chụp ảnh từng chiếc xe. Máy tính so sánh hình ảnh với cơ sở dữ liệu về những chiếc xe được lắp ráp đúng cách và cảnh báo nhân viên nhà máy nếu phát hiện sai khác. Nhờ máy móc, nhiệm vụ này chỉ mất vài giây.
"Hầu hết công việc của chúng tôi đều liên quan đến việc ngồi trước màn hình máy tính", Pinky Wu, công nhân tại Zeekr, cho hay.
Zeekr và các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc khác cũng sử dụng AI để thiết kế và cải tiến chức năng của xe.
Carrie Li, nhà thiết kế làm việc tại tòa nhà văn phòng mới của Zeekr ở Thượng Hải, sử dụng AI để phân tích cách các bề mặt nội thất khác nhau tương tác như thế nào bên trong một chiếc xe.
"Tôi có nhiều thời gian rảnh hơn để mở mang đầu óc và tự mình khám phá xem nên đưa xu hướng thời trang nào vào nội thất xe hơi", cô nói.
Các nhà máy sản xuất ôtô tại Mỹ cũng áp dụng tự động hóa, nhưng phần lớn thiết bị đến từ Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy lắp ráp ôtô của thế giới được xây dựng trong 20 năm qua đều ở Trung Quốc, thu hút ngành công nghiệp tự động hóa phát triển xung quanh chúng.
Các công ty Trung Quốc cũng mua lại những nhà sản xuất robot tiên tiến ở nước ngoài, như Kuka của Đức, rồi chuyển toàn bộ hoạt động về nội địa. Khi Volkswagen mở nhà máy ôtô điện tại Hợp Phì vào năm ngoái, họ chỉ có duy nhất một robot từ Đức, trong khi có tới 1.074 robot sản xuất tại Thượng Hải.
Đà phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực robot nhà máy được thúc đẩy từ trên xuống dưới. Sáng kiến "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" của chính phủ nước này, bắt đầu từ một thập kỷ trước, đã nêu ra 10 ngành công nghiệp mà Trung Quốc muốn cạnh tranh toàn cầu. Robot là một trong số đó.
Ví dụ, để buộc ngành công nghiệp ôtô phải suy nghĩ về cách sử dụng robot hình người, năm ngoái, chính quyền đã yêu cầu các nhà sản xuất lớn phải sử dụng robot và ghi lại cảnh chúng thực hiện nhiệm vụ tại nhà máy lắp ráp của họ.
Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đọc báo cáo công tác chính phủ trước quốc hội, cho hay nỗ lực "phát triển mạnh mẽ" robot thông minh sẽ nằm trong kế hoạch trọng điểm của đất nước năm nay. Chính phủ cũng công bố một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 137 tỷ USD cho ngành robot, AI, cùng các công nghệ tiên tiến khác.
Các trường đại học Trung Quốc đào tạo khoảng 350.000 sinh viên ngành kỹ thuật cơ khí mỗi năm, cũng như thợ điện, thợ hàn và các ngành khác đòi hỏi tay nghề cao. Trong khi đó, các trường đại học Mỹ hiện chỉ đào tạo khoảng 45.000 kỹ sư cơ khí mỗi năm.
Jonathan Hurst, giám đốc phát triển, đồng sáng lập Agility Robotics, nhà sản xuất robot hàng đầu Mỹ, cho biết việc tìm kiếm nhân viên lành nghề là một trong những thách thức lớn nhất của ông.
![]() |
Robot hình người làm việc tại một nhà máy ôtô ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, năm 2024. Ảnh: China Daily |
Tại Hội chợ Canton Fair, hội chợ thương mại lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Quảng Châu, sản phẩm robot pha cà phê của Dolphin Robot Technology thu hút sự chú ý của người tham quan.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi khách hàng rất quan tâm đến sản phẩm này. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sẵn sàng mua robot pha cà phê ngay lập tức", Han Zhaolin, nhà sáng lập Dolphin Robot Technology, cho hay.
Han không rõ thương chiến Mỹ - Trung sẽ leo thang đến mức nào, nhưng không cảm thấy quá lo lắng. Công ty của anh đang nắm gần 100 bằng sáng chế liên quan đến robot pha cà phê và gần như không có đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế, nên có thể trụ vững trước đòn thuế của Mỹ.
"Chúng tôi không phải là bên chịu thuế, cũng không hạ giá bán, vì khách hàng Mỹ rất muốn mua robot này", Han nói. "Robot này không có ở Mỹ, Đức hay Nhật, còn sản phẩm của Hàn Quốc có giá gấp đôi".
Nhiều đơn vị sản xuất robot tham gia hội chợ có chung cảm nhận. Nhiều bộ phận cốt lõi trong hệ thống của họ được sản xuất tại Trung Quốc nên không bị ảnh hưởng bởi các mức thuế của Mỹ. Chúng cũng thường rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu, trong khi được phát triển, sản xuất nhanh hơn nhiều, giúp chúng duy trì lợi thế cạnh tranh ngay cả chịu khi thuế cao.
Theo Han, thương chiến với Mỹ thậm chí còn có thể được coi là cơ hội phát triển của công ty. "Đòn thuế khiến nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm hơn và sẵn lòng thử các sản phẩm công nghệ thế hệ mới của Trung Quốc", anh nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)