"Không dễ thống nhất các điều khoản chính của một giải pháp. Chúng đang được thảo luận", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn ngày 15/4, khi được hỏi liệu Moskva và Washington đã đạt đồng thuận về khía cạnh nào đó của thỏa thuận hòa bình tiềm năng hay chưa.
"Chúng tôi hiểu rõ một thỏa thuận cùng có lợi sẽ như thế nào và thỏa thuận có thể khiến Nga sa vào cái bẫy khác trông sẽ ra sao. Nga không bao giờ chối bỏ thỏa thuận cùng có lợi", ông Lavrov nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nói rằng ông muốn chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm ở Ukraine và đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Moskva và Kiev chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, mà chỉ có những cam kết nhỏ về ngừng tấn công hạ tầng năng lượng của nhau.
Điện Kremlin hôm 13/4 cho biết vẫn còn quá sớm để mong đợi kết quả từ việc khôi phục quan hệ bình thường với Mỹ.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại một cuộc họp báo ở Moskva ngày 3/4. Ảnh: AFP |
Theo ông Lavrov, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6/2024 đã nêu rõ lập trường của Nga, khi yêu cầu Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 tỉnh mà Nga đã sáp nhập.
"Chúng tôi quan tâm đến quyền của người dân sống trên những lãnh thổ này. Đó là lý do những vùng đất đó rất thân thương với chúng tôi. Và Nga không thể từ bỏ, bởi nếu chúng tôi làm vậy, người dân ở đó sẽ bị trục xuất", Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Nga hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014, và những khu vực thuộc 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson.
Ông Lavrov tán dương quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan chiến sự Ukraine và cho rằng việc chính quyền Joe Biden ủng hộ Ukraine gia nhập NATO chính là nguyên nhân dẫn đến chiến sự.
Ông cũng khẳng định giới lãnh đạo Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào khiến Nga phải phụ thuộc vào phương Tây về kinh tế, quân sự, công nghệ hoặc nông nghiệp. Theo ông, những lệnh trừng phạt mà chính quyền tổng thống Joe Biden áp đặt đối với Nga, Trung Quốc và Iran đã hủy hoại quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới.
Huyền Lê (Theo Reuters)