Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/4 xác nhận Văn phòng Biến đổi khí hậu Toàn cầu (OGC), cơ quan đại diện cho Washington về ngoại giao khí hậu tại Liên Hợp Quốc, đã bị đóng cửa.
"Chúng tôi sẽ không tham gia các thỏa thuận, sáng kiến quốc tế không phản ánh những giá trị của Mỹ. Không cần duy trì văn phòng hỗ trợ nỗ lực của các chính quyền trước đây nhằm thúc đẩy Mỹ tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận khác về hạn chế hoặc ngăn chặn biến đổi khí hậu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Giới quan sát cho rằng động thái này không gây bất ngờ, bởi Tổng thống Donald Trump không quan tâm nhiều đến chống biến đổi khí hậu và đã lần thứ hai rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi trở lại Nhà Trắng.
![]() |
Tổng thống Trump (phải) và Ngoại trưởng Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth tại Nhà Trắng ngày 24/4. Ảnh: AP |
Thông báo giải thể OGC được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio công bố kế hoạch tái cấu trúc Bộ Ngoại giao. Một trong những thay đổi lớn nhất là chấm dứt chức vụ đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu, vốn là vị trí cấp cao dưới thời cựu tổng thống Joe Biden.
Động thái của Mỹ làm dấy lên nghi ngờ rằng Washington sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP30 tại Brazil vào tháng 11. Sự vắng mặt của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đánh dấu thay đổi lớn trong ngoại giao khí hậu toàn cầu.
Cựu tổng thống Joe Biden từng đề cao nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bổ nhiệm cựu ngoại trưởng John Kerry đảm nhận vai trò đặc phái viên về khí hậu. Ông Kerry đã hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc, nước phát thải khí lớn nhất thế giới, trong hội nghị COP28 tại Dubai năm 2023. Bắc Kinh khi đó lần đầu lên tiếng kêu gọi thế giới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.
Copernicus, chương trình giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cho biết Trái Đất đã nóng lên ít nhất 1,36 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo nếu con số này chạm mức 1,5 độ, Trái Đất sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại từ xu hướng gia tăng các thảm họa tự nhiên và tình trạng biến mất của hầu hết các rạn san hô.
Thùy Lâm (Theo AFP)