Telegram, một ứng dụng nhắn tin được quảng bá là an toàn và bảo mật, trở thành một hiện tượng toàn cầu kể từ khi ra mắt vào năm 2013, theo Lenta. Với gần 800 triệu người dùng hàng tháng trên toàn thế giới, Telegram không chỉ là nền tảng liên lạc mà còn là công cụ truyền thông, tổ chức cộng đồng, thậm chí là một kênh tin tức thay thế trong nhiều khu vực.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Telegram cũng đi kèm với những tranh cãi về an ninh quốc gia, khi nền tảng này bị nhiều quốc gia cáo buộc là nơi phát tán thông tin sai lệch, nội dung bất hợp pháp, thậm chí hỗ trợ các hoạt động tội phạm.
Sự ra đời và vai trò của Telegram
Telegram được sáng lập bởi anh em Pavel và Nikolai Durov, hai doanh nhân công nghệ người Nga. Trước khi phát triển Telegram, Pavel Durov nổi tiếng với việc sáng lập VKontakte (VK), mạng xã hội lớn nhất của Nga, vào năm 2006.
VKontakte nhanh chóng trở thành nền tảng phổ biến tương tự Facebook ở phương Tây, với hàng chục triệu người dùng. Tuy nhiên, sự thành công của VK đã khiến giới chức Nga chú ý đến Pavel Durov, theo RIA Novosti.
Năm 2013, khi một số cuộc biểu tình diễn ra ở Nga và Ukraine liên quan đến phong trào Maidan, chính quyền Nga yêu cầu VKontakte cung cấp dữ liệu cá nhân của các nhà hoạt động đối lập. Pavel Durov từ chối hợp tác, dẫn đến áp lực mạnh mẽ từ Điện Kremlin.
Theo Novaya Gazeta, có bằng chứng cho thấy Durov đã đối thoại với Vladislav Surkov, một quan chức cấp cao của Điện Kremlin, về việc chia sẻ dữ liệu người dùng. Cuối cùng, dưới áp lực từ các nhà đầu tư thân Kremlin, Durov đã bán cổ phần của mình tại VKontakte năm 2014 và rời khỏi Nga để "xây dựng một nền tảng độc lập".
Pavel Durov cùng anh trai Nikolai sau đó tập trung phát triển Telegram, công ty đặt trụ sở đặt tại Dubai, UAE. Telegram được quảng bá là một ứng dụng nhắn tin tập trung vào quyền riêng tư và bảo mật, sử dụng mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption) cho các cuộc trò chuyện riêng tư, mặc dù tính năng này không được bật mặc định cho các nhóm hoặc kênh công khai.
![]() |
Pavel Durov tại một hội nghị ở San Francisco, Mỹ năm 2015. Ảnh: AFP |
Telegram cho phép tạo các nhóm chat với tối đa 200.000 thành viên và các kênh công khai để phát sóng thông tin, điều này làm nó trở nên khác biệt so với các ứng dụng như WhatsApp hay Signal.
Theo trang Statista, Telegram nhanh chóng thu hút người dùng nhờ giao diện thân thiện, tốc độ nhanh, và khả năng lưu trữ dữ liệu trên đám mây, cho phép truy cập tin nhắn từ nhiều thiết bị. Telegram đạt hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt ở các quốc gia như Nga, Ukraine, Ấn Độ và Brazil. Tính đến tháng 3, Telegram vượt mốc một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Tuy nhiên, sự cởi mở và thiếu kiểm duyệt nội dung này cũng là lý do Telegram trở thành "tâm điểm" của các tranh cãi liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo các chuyên gia, Telegram không đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin, mà đã trở thành nền tảng quan trọng trong các phong trào chính trị, xã hội và quân sự. Trong xung đột Nga - Ukraine từ năm 2022, Telegram trở thành "mặt trận số" chính cho cả hai bên.
Tại Ukraine, Telegram được chính phủ, quân đội, người dân sử dụng để chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công, cảnh báo không kích, và tổ chức hỗ trợ nhân đạo. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thường xuyên sử dụng kênh Telegram để kêu gọi đoàn kết và bác bỏ các thông tin sai lệch.
Các chatbot Telegram được sử dụng rộng rãi để người dân báo cáo vị trí của quân đội Nga, giúp Ukraine thực hiện các cuộc tấn công chính xác.
Tại Nga, sau khi các nền tảng mạng xã hội phương Tây như Twitter, Facebook, và Instagram bị cấm hoạt động, Telegram trở thành nguồn thông tin chính cho nhiều người dân nước này. Theo New York Times, số lượt tải Telegram tại Nga tăng vọt lên 4,4 triệu năm 2022, với 25% dân số Nga sử dụng các kênh công khai của Telegram để cập nhật tin tức về chiến sự tại Ukraine.
Mối lo ngại về an ninh quốc gia
Dù mang lại nhiều lợi ích, Telegram cũng là công cụ phổ biến cho một số phong trào biểu tình trên toàn cầu. Chính phủ Belarus cho biết một số nhóm ở nước này sử dụng các kênh Telegram được mã hóa để tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình.
Nền tảng này cũng bị các nhóm cực đoan như phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng để tuyên truyền, tuyển mộ thành viên, gây ra lo ngại về việc thiếu kiểm soát nội dung. Điều này khiến Telegram hứng chịu nhiều chỉ trích vì các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Một số quốc gia châu Âu như Đức, Na Uy, Tây Ban Nha từng áp dụng các lệnh cấm hoặc hạn chế với Telegram vì không tuân thủ luật chống phát tán nội dung thù địch hoặc gây lo ngại về an ninh quốc gia hoặc bản quyền.
Trung Quốc, Iran, Thái Lan vài năm qua đã cấm hoàn toàn hoặc chặn Telegram. Cục Viễn thông thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 21/5 cũng gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an. Theo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, có 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số các kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam.
Một trong những vấn đề lớn nhất được các chuyên gia chỉ ra với Telegram là chính sách kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo. Không giống như các nền tảng mạng xã hội Facebook hay Twitter, Telegram không áp dụng các biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ, dẫn đến việc nền tảng này trở thành nơi tán phát thông tin sai lệch và tuyên truyền có dụng ý xấu.
CEO Pavel Durov hồi năm ngoái thừa nhận Telegram "không hoàn hảo" và có một số vấn đề về kiểm duyệt nội dung, khiến người dùng lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp, "tạo hình ảnh xấu cho toàn bộ nền tảng".
Durov cho hay tính năng tải lên phương tiện mới cho công cụ viết blog độc lập "có vẻ đã bị lạm dụng bởi các tác nhân ẩn danh", bị những người này "sử dụng sai mục đích". Tính năng tìm người lân cận People Nearby cũng "có vấn đề" khi nền tảng giới thiệu "bot và những kẻ lừa đảo" với người dùng, buộc Telegram phải loại bỏ.
Bên cạnh đó, Telegram cũng bị cáo buộc là "nơi trú ẩn" cho các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm buôn bán ma túy, rửa tiền, phát tán nội dung lạm dụng trẻ em. Chính sách không kiểm duyệt của Telegram, cùng với tính ẩn danh, khiến nó trở thành lựa chọn ưa thích của các nhóm tội phạm.
Theo Trung tâm Tự do Ngôn luận có trụ sở tại Mỹ, Telegram bị điều tra ở Pháp vì các cáo buộc liên quan không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn nội dung bất hợp pháp, bao gồm buôn bán ma túy và lạm dụng trẻ em.
Pavel Durov ngày 24/8/2024 bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, Pháp, liên quan đến cuộc điều tra về các hoạt động tội phạm trên Telegram. Các cáo buộc bao gồm việc Telegram không chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng về các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy và nội dung "lạm dụng trẻ em".
![]() |
Logo ứng dụng Telegram hiển thị trên màn hình điện thoại di động tháng 8/2024. Ảnh: Reuters |
Durov được thả sau bốn ngày thẩm vấn nhưng phải nộp 5 triệu euro tiền bảo lãnh và báo cáo với cảnh sát hai lần mỗi tuần. Sự việc này đã làm dấy lên tranh cãi về trách nhiệm pháp lý của Telegram và quyền "tự do ngôn luận".
Tiếp đó là lo ngại về bảo mật dữ liệu. Mặc dù Telegram quảng bá mình là một nền tảng an toàn, các chuyên gia bảo mật đã đặt câu hỏi về tính bảo mật thực sự của nó. Moxie Marlinspike, nhà sáng lập Signal, từng cảnh báo Telegram lưu trữ tin nhắn trên máy chủ đám mây dưới dạng văn bản thuần, không mã hóa đầu cuối theo mặc định, khiến dữ liệu người dùng dễ bị truy cập bởi nhân viên Telegram và bên thứ ba.
Việc Telegram được cả hai bên tham chiến ở Ukraine sử dụng cho các hoạt động quân sự, điều phối hoạt động trên chiến trường cũng gây ra nhiều lo ngại. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, quân đội Nga phụ thuộc vào ứng dụng Telegram như một "công cụ chỉ huy chính" trong các chiến dịch ở Kharkov và Kursk, do hệ thống liên lạc của họ thiếu hiệu quả và dễ bị gây nhiễu hoặc chặn thu.
Điều này đặt ra câu hỏi về an ninh quốc gia, khi một nền tảng không được kiểm soát có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động quân sự. Với lo ngại này, chính phủ Ukraine hồi tháng 9/2024 đã ra lệnh cấm quân đội, quan chức chính phủ và nhân viên cơ sở hạ tầng trọng yếu sử dụng Telegram trên điện thoại công việc, do lo ngại Nga có thể sử dụng nền tảng để do thám và lan truyền thông tin sai lệch.
Yaroslav Yurchyshyn, nghị sĩ Ukraine, gọi sự phụ thuộc vào Telegram là "vấn đề nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia, khi đất nước không thể kiểm soát một nền tảng có vai trò quan trọng trong thời chiến.
Telegram và Pavel Durov nhiều lần bác bỏ các cáo buộc về an ninh. Sau khi Durov bị bắt ở Pháp, Telegram tuyên bố họ tuân thủ luật pháp EU và các tiêu chuẩn kiểm duyệt nội dung, đồng thời khẳng định Durov "không có gì phải che giấu". Telegram cũng cho biết họ đã cải thiện các công cụ phát hiện và xóa nội dung cực đoan kể từ năm 2018, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể về cách thức thực hiện.
![]() |
Biểu tượng Telegram trên điện thoại trong ảnh chụp hồi tháng 7/2024. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây như Pháp, Ukraine nhấn mạnh rằng Telegram cần chịu trách nhiệm về nội dung trên nền tảng và hợp tác với cơ quan chức năng để ngăn chặn tội phạm.
Cộng đồng người dùng Telegram có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người, đặc biệt ở Nga và Ukraine, coi Telegram là "cứu cánh" để tiếp cận thông tin không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia bảo mật như Moxie Marlinspike đã kêu gọi người dùng chuyển sang các nền tảng an toàn hơn để đảm bảo quyền riêng tư.
Theo giới chuyên gia, Telegram đã đi một chặng đường dài từ một ứng dụng nhắn tin đơn thuần đến một nền tảng có ảnh hưởng lớn đến chính trị, xã hội, quân sự trên toàn cầu. Lịch sử hình thành của Telegram gắn liền với câu chuyện về quyền riêng tư, tự do ngôn luận, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn về an ninh quốc gia.
Các mối lo ngại về thông tin sai lệch, hoạt động tội phạm, bảo mật dữ liệu và sử dụng cho mục đích quân sự cho thấy Telegram là "con dao hai lưỡi". Ứng dụng này giúp kết nối hàng trăm triệu người trên thế giới, nhưng cũng tạo ra những lỗ hổng mà các tổ chức tội phạm và các bên liên quan có thể khai thác.
Theo Alex Hern, bình luận viên công nghệ của Guardian, để giải quyết những vấn đề này, Telegram cần tăng cường kiểm duyệt nội dung và hợp tác với các cơ quan chức năng, đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng, tương lai của Telegram sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa tự do và trách nhiệm, giữa bảo mật và an ninh quốc gia.
Phong Lâm (Theo TASS, Lenta, Guardian)