Căng thẳng Campuchia - Thái Lan leo thang từ rạng sáng 24/7, khi quân đội hai bên nổ súng gần đền Ta Moan Thom, sau đó lan sang một số khu vực khác dọc biên giới.
Giao tranh trở nên nghiêm trọng hơn khi quân đội Campuchia và Thái Lan triển khai vũ khí hạng nặng. Thái Lan cáo buộc Campuchia khai hỏa pháo phản lực BM-21 vào các khu dân cư nên điều tiêm kích F-16 tấn công các mục tiêu quân sự bên kia biên giới để trả đũa.
Giới chức Thái Lan cho biết giao tranh khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, hơn 30 người bị thương. Campuchia chưa công bố thương vong.
![]() |
Binh sĩ Campuchia đứng trên xe tải chở bệ phóng pháo phản lực BM-21 di chuyển trên một con đường ở tỉnh Oddar Meanchey ngày 25/7. Ảnh: AFP |
Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trên thực tế, căng thẳng biên giới Campuchia - Thái Lan vẫn luôn âm ỉ, ít nhất là từ năm 1907, với tâm điểm là ngôi đền nghìn năm tuổi Preah Vihear.
Đầu thế kỷ 20, Campuchia là thuộc địa của Pháp và biên giới Thái Lan - Campuchia được người Pháp vẽ bản đồ theo yêu cầu của một ủy ban song phương. Theo thỏa thuận năm 1904, biên giới sẽ chạy theo đường phân thủy tự nhiên giữa hai nước, chủ yếu dọc dãy núi Dangrek chạy theo hướng đông - tây ở phía bắc Campuchia, giáp Thái Lan.
Đây được coi là đường phân thủy chính giữa hai quốc gia do nước mưa rơi ở phía bắc dãy Dangrek sẽ chảy về phía các phụ lưu sông Mekong ở đông bắc Thái Lan, còn nước mưa ở sườn nam sẽ chảy vào các hệ thống sông của Campuchia. Trên dãy Dangrek có địa danh nổi bật là đền cổ Preah Vihear.
Tuy nhiên, bản đồ do người Pháp vẽ lại có sai lệch khi thể hiện đền Preah Vihear thuộc về Campuchia, dù nó nằm ở phía bắc đường phân thủy. Thái Lan đã chấp nhận bản đồ này để sử dụng chính thức, nhưng họ phát hiện ra sai sót trên khi thực hiện một khảo sát riêng vào năm 1930 và bắt đầu khiếu nại.
Dù vậy, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) phán quyết rằng họ phản đối quá muộn và mất quyền kiểm soát đối với ngôi đền do đã "ngầm chấp thuận".
Chính phủ Thái Lan sau đó đã cố gắng đàm phán điều chỉnh biên giới với chính quyền thực dân Đông Dương của Pháp. Tuy nhiên, quá trình này chấm dứt khi Pháp đầu hàng Đức Quốc xã vào năm 1940.
Với việc Campuchia giành được độc lập và Pháp rút quân vào năm 1953, quân đội Thái Lan đã kiểm soát đền Preah Vihear vào năm 1954 theo biên giới dựa trên đường phân thủy tự nhiên. Campuchia phản đối và ngôi đền trở thành tâm điểm tranh chấp giữa hai nước.
![]() |
Vị trí dãy núi Dangrek và các ngôi trên tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Đồ họa: CNA |
Phía Thái Lan lập luận rằng ngôi đền được xây dựng hướng về phía bắc để phục vụ các vùng đồng bằng phía trên, chứ không phải đồng bằng Campuchia xa phía dưới. Tuy nhiên, dựa trên bản đồ của Pháp năm 1907, Campuchia khẳng định ngôi đền nằm trong lãnh thổ của mình. Cuối cùng, cả hai nước đồng ý đệ trình tranh chấp lên ICJ và tuân thủ phán quyết của tòa.
Năm 1962, các thẩm phán ICJ trao quyền sở hữu đền Preah Vihear cho Campuchia với 9 phiếu thuận, 3 phiếu chống, tuyên bố rằng bản đồ năm 1907 thể hiện rõ ràng Preah Vihear nằm trong lãnh thổ Campuchia.
Tuy nhiên, ICJ chỉ phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia mà không quy định về phần đất liền kề phía bắc, nơi có lối vào đền. Thái Lan miễn cưỡng trao trả ngôi đền nhưng vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với khu vực xung quanh, nhấn mạnh biên giới tại những vùng đất này chưa bao giờ được phân định chính thức.
Phán quyết trên đã trở thành một điểm căng thẳng lớn trong quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan.
Năm 2008, Campuchia nộp đơn lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề nghị công nhận Preah Vihear là Di sản Thế giới.
Thái Lan phản đối động thái này vì cho rằng đơn đề nghị từ Campuchia bao gồm cả phần đất xung quanh ngôi đền mà Thái Lan vẫn coi là lãnh thổ của mình. Để tránh đẩy căng thẳng đi xa, Campuchia rút lại hồ sơ ban đầu. Họ sau đó nộp lại một bản đồ chỉnh sửa, chỉ yêu cầu công nhận riêng ngôi đền.
Việc Preah Vihear được UNESCO công nhận, dù chỉ là ngôi đền, vẫn làm bùng lên căng thẳng mới. Thái Lan cho rằng Campuchia đã sử dụng việc công nhận này để khẳng định chủ quyền đối với khu vực tranh chấp, dẫn đến các cuộc đụng độ quân sự.
Từ năm 2008 đến 2011, giao tranh đã bùng phát nhiều lần tại khu vực biên giới gần đền Preah Vihear và các khu vực tranh chấp khác như đền Ta Moan Thom và Ta Krabey. Hàng trăm binh lính và dân thường đã thiệt mạng và bị thương. Hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm chủ quyền và nổ súng trước.
Tháng 4/2011, Campuchia nộp đơn lên ICJ yêu cầu giải thích phán quyết năm 1962, đồng thời kiến nghị tòa án áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm chấm dứt xung đột.
![]() |
Binh sĩ Thái Lan và Campuchia đứng gác tại một ngôi đền Khmer cổ dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước ở tỉnh Oddar Meanchey hồi tháng ba. Ảnh: AFP |
Tháng 7/2011, ICJ bác bỏ yêu cầu từ Thái Lan về việc hủy vụ kiện của Campuchia, yêu cầu cả hai quốc gia rút binh lính khỏi "khu phi quân sự tạm thời", trong đó có khu vực tranh chấp và một phần vùng lân cận, tiếp tục hợp tác với ASEAN và các quan sát viên do ASEAN chỉ định, đồng thời kiềm chế mọi hành động có thể "làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng tranh chấp". Tòa án cũng ra lệnh cho Thái Lan không cản trở người Campuchia tiếp cận đền Preah Vihear.
Tháng 11/2013, ICJ ra tuyên bố rằng phán quyết năm 1962 đã trao toàn bộ khu vực tranh chấp cho Campuchia và yêu cầu quân đội Thái Lan rút quân. Phán quyết này được đưa ra sau thời gian căng thẳng leo thang trước đó.
Tuy nhiên, tòa bác bỏ lập luận của Campuchia rằng ngọn đồi Phnom Trap gần đó cũng cần được trao cho nước này theo phán quyết năm 1962. Phnom Trap, người Thái gọi là Phu Ma-khuea, là ngọn đồi cách ngôi đền ba km về phía tây bắc và chiếm hơn 4 km2 trong 4,6 km2 mà cả hai quốc gia tranh chấp.
ICJ kết luận việc đề cập đến "khu vực lân cận" đền Preah Vihear trong phần quyết định của phán quyết năm 1962 không có ý mở rộng đến Phnom Trap.
Phán quyết này một lần nữa gây bức xúc và phản đối ở Thái Lan, nhưng nhìn chung tình hình quân sự tại biên giới đã dịu xuống sau đó.
Căng thẳng nhen nhóm trở lại hồi tháng 5, sau khi lực lượng vũ trang Thái Lan và Campuchia nổ súng vào nhau trong một khu vực biên giới đang tranh chấp tương đối nhỏ, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Mặc dù sau đó hai nước đều tuyên bố đồng ý giảm leo thang tình hình, chính quyền Campuchia và Thái Lan vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở các khu vực tranh chấp, khiến căng thẳng vẫn ở mức cao.
Thái Lan áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ tại biên giới với Campuchia, khiến hầu hết hoạt động qua lại cửa khẩu bị đình chỉ, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.
Campuchia cũng cấm phim và chương trình truyền hình Thái Lan, ngừng nhập khẩu nhiên liệu, trái cây và rau củ từ quốc gia láng giềng, đồng thời tẩy chay một số đường truyền Internet và nguồn cung cấp điện của Thái Lan.
Hôm 24/7, sau khi đụng độ nổ ra, chính quyền Thái Lan thông báo đóng cửa hoàn toàn biên giới với Campuchia. Lực lượng hai nước hôm nay tiếp tục giao tranh dọc biên giới, sử dụng các vũ khí hạng nặng như pháo binh và rocket.
Tờ Nation của Thái Lan đưa tin quân đội nước này đã chiếm được đền Preah Vihear và Ta Krabey, nhưng phó phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Mao Sophy Chetra bác bỏ, khẳng định hai đền này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Campuchia.
Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters)