Theo quy tắc ban bố lệnh thiết quân luật sửa đổi được quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn ngày 3/7, cảnh sát, quân đội sẽ bị cấm vào khuôn viên tòa nhà nghị viện mà không có sự chấp thuận của chủ tịch quốc hội. Họ cũng không được cản trở các nghị sĩ vào tòa nhà quốc hội trong trường hợp thiết quân luật.
Quy tắc mới được thông qua sau khi Hàn Quốc chứng kiến giai đoạn hỗn loạn và bất ổn vì lệnh thiết quân luật được cựu tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố vào tháng 12/2024.
Ông Yoon khi đó đã triển khai lực lượng quân đội và cảnh sát đến phong tỏa tòa nhà quốc hội, nhằm ngăn các nghị sĩ tiến vào trong tổ chức cuộc họp thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật.
Trong cuộc hỗn loạn, nghị sĩ lãnh đạo đảng dân chủ Lee Jae-myung, hiện là tân Tổng thống Hàn Quốc, đã phải né tránh lực lượng an ninh, trèo hàng rào vào tòa nhà quốc hội để bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật.
![]() |
Cảnh sát bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc đêm 3/12/2024. Ảnh: AFP |
Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền cựu tổng thống Yoon sau đó bị cách chức và bị bắt vì liên quan đến lệnh thiết quân luật. Ông Yoon đã bị luận tội, phế truất và đang bị xét xử vì tội nổi loạn.
Điều 77 Hiến pháp Hàn Quốc quy định Tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật nhằm ứng phó với chiến tranh, thảm họa hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Thiết quân luật tại Hàn Quốc được chia làm hai loại gồm khẩn cấp và an ninh. Tình trạng thiết quân luật mà ông Yoon ban bố cuối năm 2024 là loại khẩn cấp.
Khi lệnh thiết quân luật khẩn cấp được ban bố, chính quyền Hàn Quốc có thể áp đặt những biện pháp quyết liệt nhằm thay thế hệ thống quản trị dân sự bằng chế độ quân sự, đình chỉ các tiến trình pháp lý dân sự.
Sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho quốc hội. Nếu đa số nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc phải tuân thủ điều này.
Đức Trung (Theo Reuters, Yonhap)