Giới chức Hàn Quốc tuần trước phê duyệt ngân sách quốc phòng bổ sung, trong đó chấm dứt giai đoạn hai của chương trình mua sắm trực thăng tấn công hạng nặng, hủy bỏ thương vụ mua thêm 36 chiếc AH-64E Apache do Mỹ chế tạo với chi phí dự kiến khoảng 2,2 tỷ USD.
Yu Yong-weon, nghị sĩ đảng Quyền lực Nhân dân Hàn Quốc, ngày 6/7 hoan nghênh quyết định trên, nhấn mạnh những xung đột trên thế giới gần đây cho thấy trực thăng ngày càng dễ tổn thương trước tên lửa và thiết bị không người lái (drone) giá rẻ.
"Xem xét lại thương vụ mua Apache là bước đi tích cực. Drone và các hệ thống thông minh đang định nghĩa lại chiến trường hiện đại. Thay vì bám vào các phương tiện chiến đấu kiểu cũ đắt tiền, chúng ta phải đầu tư năng lực phù hợp với xung đột tương lai", ông nói.
![]() |
Trực thăng AH-64 Apache của Hàn Quốc tham gia diễn tập tháng 7/2022. Ảnh: Yonhap |
Hàn Quốc muốn đặt mua thêm 36 trực thăng Apache từ nhiều năm trước. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 8/2024 phê duyệt hợp đồng có tổng giá trị 3,5 tỷ USD cho Seoul. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc sau đó nói rằng giá bán Apache đã tăng 66% so với thương vụ đầu tiên ký vào năm 2013, làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả chi phí của mẫu trực thăng này.
Các chỉ huy quân đội Hàn Quốc hồi tháng 5 quyết định xem xét lại chương trình mua trực thăng, trong đó cân nhắc các hệ thống lai có thể vận hành tự động hoặc do người điều khiển. Lục quân Mỹ đã hủy bỏ dự án trực thăng tấn công thế hệ tiếp theo, Nhật Bản và Australia cũng đang xem xét điều này.
Theo Boeing, AH-64 Apache là mẫu trực thăng đa nhiệm hiện đại nhất thế giới, được sử dụng bởi lục quân Mỹ và 15 quốc gia khác. Phiên bản AH-64E có khả năng đáp ứng hầu như mọi nhiệm vụ, đạt tốc độ bay tối đa 280 km/h, trần bay hơn 6 km, có thể mang theo 16 tên lửa Hellfire, 76 rocket và 1.200 viên đạn cho pháo tự động 30 mm.
Nguyễn Tiến (Theo Korea Times, AP, AFP)