"Bạn muốn có một đảng chính trị mới và bạn sẽ có được nó. Hôm nay, đảng Nước Mỹ đã được thành lập để trả lại tự do cho các bạn", Elon Musk thông báo trên mạng xã hội X ngày 5/7.
Trước đó một ngày, tỷ phú công nghệ dẫn kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trên X do ông thực hiện, trong đó đặt câu hỏi rằng những người tham gia khảo sát có muốn "độc lập khỏi thể chế hai đảng" đã lãnh đạo nền chính trị Mỹ khoảng hai thế kỷ qua hay không. Cuộc khảo sát nhận được hơn 1,2 triệu câu trả lời.
Trong bài đăng thông báo thành lập đảng, Musk cho biết 2/3 số người tham gia khảo sát ủng hộ lập đảng mới.
Hiện chưa rõ đảng mới của Elon Musk sẽ tác động như thế nào đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 và bầu cử tổng thống năm 2028.
![]() |
Elon Musk tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hồi tháng 5. Ảnh: AP |
Musk, người giàu nhất thế giới, là nhà tài trợ chính trị lớn nhất của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Musk từng lãnh đạo nỗ lực cắt giảm chi tiêu và nhân lực liên bang với tư cách người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE).
Musk cũng bất đồng quan điểm với ông Trump về kế hoạch chi tiêu được gọi là "Đạo luật to đẹp" và tuyên bố sẽ làm mọi cách có thể để đánh bại những nghị sĩ đã bỏ phiếu cho kế hoạch này.
Musk chỉ trích cả đảng Dân chủ và Cộng hòa với lý do thâm hụt ngân sách chính phủ tăng mạnh khi hai đảng này điều hành đất nước. Ông cho biết muốn xây dựng một đảng bảo thủ về tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, song đưa ra ít chi tiết khác về cương lĩnh của đảng.
Musk không thể tranh cử tổng thống theo quy định từ hiến pháp Mỹ vì ông sinh ra ở Nam Phi, nhưng việc ông thành lập đảng mới có thể khiến đảng Cộng hòa đánh mất nhiều cử tri ủng hộ.
Musk hôm 4/7 vạch ra kế hoạch chính trị khả thi để giành được các ghế dễ mất tại Hạ viện, Thượng viện và trở thành "lá phiếu quyết định" cho các đạo luật quan trọng. "Một cách để thực hiện điều này là tập trung vào 2 hoặc 3 ghế Thượng viện và 8-10 Hạ viện", tỷ phú này cho hay.
Toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện đều được bầu lại sau mỗi hai năm, trong khi khoảng 1/3 trong số 100 ghế Thượng viện, với nhiệm kỳ 6 năm, được bầu sau mỗi hai năm.
Một số người chỉ ra cách các chiến dịch của bên thứ ba đã chia rẽ phiếu bầu trong lịch sử, như việc doanh nhân Ross Perot tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập vào năm 1992 đã góp phần khiến nỗ lực tái tranh cử của George H.W. Bush thất bại, đưa đến chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton.
"Musk chỉ đang học theo con đường của Ross Perot. Tôi chẳng thích cách này chút nào", một người bình luận trên X.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)