Nhằm đáp trả đòn thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc hôm 4/4 thông báo áp mức thuế 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp dụng kiểm soát xuất khẩu với 7 nguyên tố đất hiếm nặng và trung bình là samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium, yttrium.
Bắc Kinh trước đó áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 5 kim loại quan trọng là vonfram, telua, bismuth, molypden và indi.
Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, xe điện, năng lượng và công nghiệp điện tử. Bắc Kinh hiện sản xuất khoảng 90% lượng đất hiếm trên thế giới và là nhà cung cấp chính loại khoáng sản này cho Mỹ.
Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin trong ngành cho biết động thái của Trung Quốc đang gây lo ngại cho một số nhà sản xuất trong lĩnh vực hàng không của Mỹ, do họ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Một trong các dự án có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng là chương trình phát triển mẫu tiêm kích thế hệ 6 có tên gọi F-47, theo Newsweek.
![]() |
Đất hiếm chất đống tại bến tàu ở thành phố Liên Vân Cảng, Trung Quốc hồi năm 2016. Ảnh: AFP |
Tổng thống Trump hôm 21/3 thông báo trao cho tập đoàn Boeing hợp đồng sản xuất mẫu chiến đấu cơ thuộc dự án Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới (NGAD) này, nhằm thay thế dòng F-22 Raptor và trở thành hạt nhân trong phi đội máy bay thế hệ mới của không quân Mỹ.
"Động thái của Trung Quốc chứng tỏ rằng nước này sẵn sàng tận dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực khai thác và tinh chế khoáng sản quan trọng. Nó cũng cho thấy động thái đối đầu của ông Trump có thể gây rủi ro cho chương trình NGAD", Newsweek cho hay.
Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho biết nước này hiện sử dụng 5% lượng đất hiếm cho các ứng dụng về quốc phòng, trong đó có chiến đấu cơ. Mỗi tiêm kích tàng hình F-35 của nhà thầu Lockheed Martin sử dụng khoảng 417 kg đất hiếm để chế tạo các bộ phận như hệ thống tác chiến điện tử, radar định vị mục tiêu và động cơ điện điều khiển cánh lái, theo Viện Lịch sử Khoa học Mỹ.
Chuyên trang về công nghệ sạch Cleantechnica cho biết yttrium là nguyên liệu thiết yếu để chế tạo phủ lớp phủ động cơ phản lực, cũng như hệ thống radar tần số cao và vũ khí laser. Khoáng sản này còn được dùng để sản xuất lớp phủ cách nhiệt cho cánh tua-bin, giúp động cơ máy bay không bị nóng chảy trong quá trình hoạt động.
"Mẫu tiêm kích tàng hình như F-47 phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium, dysprosium và terbium để sản xuất nam châm hiệu suất cao, bộ truyền động và hệ thống radar. Nó còn cần những kim loại chiến lược như vonfram, titan và niobi để tạo độ bền trong kết cấu, khả năng chịu nhiệt và lớp phủ tàng hình", công ty tư vấn SFA Oxford có trụ sở tại Anh cho hay.
Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhận định biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của nước này đã đánh trực tiếp vào điểm yếu cốt lõi của Mỹ.
"Đất hiếm nặng và trung bình được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quân sự như tên lửa, radar và nam châm vĩnh cửu. Chúng cũng đắt đỏ và khó khai thác", trang Global Times của Trung Quốc dẫn lời ông Tống cho hay.
![]() |
Hình ảnh mô phỏng của tiêm kích Boeing F-47. Đồ họa: USAF |
Giới chức Mỹ chưa công bố thông số kỹ thuật cụ thể của dòng F-47, song tư lệnh không quân Mỹ David Allvin tiết lộ nó sở hữu nhiều tính năng vượt trội dòng F-22, khi được trang bị "công nghệ tàng hình thế hệ mới, cảm biến tích hợp, năng lực tấn công tầm xa để đối phó các đối thủ tinh vi nhất trong môi trường có nhiều mối đe dọa".
Không quân Mỹ được cho là muốn chế tạo 220-250 tiêm kích thuộc dự án NGAD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi năm 2018 ước tính giá xuất xưởng của mỗi máy bay có thể lên tới 300 triệu USD, song con số này giờ có thể cao hơn nhiều.
Chưa rõ khi nào tiêm kích F-47 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt, song tư lệnh không quân Mỹ khẳng định nó "sẽ cất cánh trong nhiệm kỳ của ông Trump". Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ kết thúc vào tháng 1/2029, đồng nghĩa Boeing và không quân Mỹ còn gần 4 năm nữa để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Dù vậy, cuộc chiến thuế quan và động thái hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch này của Mỹ gặp nhiều thách thức.
"Trong lúc Mỹ đang đẩy mạnh phát triển chương trình NGAD, đảm bảo được khả năng tiếp cận các nguyên liệu đầu vào thiết yếu trên có ý nghĩa rất quan trọng với lĩnh vực quốc phòng nước này, không kém gì bản thân vũ khí đó", SFA Oxford cho hay.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Global Times, Reuters)