Hàng trăm nghìn việc làm bị mất. Nhà máy, trang trại và toàn bộ ngành công nghiệp ngừng hoạt động. Nghèo đói hoành hành. Đây là những điều mà người Mexico thường lo lắng đầu tiên khi nghĩ tới viễn cảnh chiến tranh thương mại toàn diện nổ ra với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, Mexico còn một nỗi lo khác nghiêm trọng không kém nếu rơi vào cuộc đối đầu thương mại với Mỹ. Đó là mất điện, các thành phố tê liệt và người dân phải đối mặt tình trạng cắt điện luân phiên.
Năng lượng chính là một trong những điểm yếu lớn nhất của Mexico trong bất cứ kịch bản căng thẳng thương mại nào với chính quyền ông Trump, bởi nước này phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt tự nhiên từ Mỹ.
"Mọi thứ sẽ vô cùng hỗn loạn nếu nguồn khí đốt tới Mexico bị gián đoạn. Đây thực sự là một trong những lý do Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhún nhường trước ông Trump như vậy, dù không nói ra", Schreiner Parker, giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latin của công ty tình báo năng lượng ở Na Uy, nhận xét.
![]() |
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tại buổi họp báo ở Mexico City ngày 8/1. Ảnh: Reuters |
Mexico phụ thuộc tới 70% nguồn cung cấp khí đốt từ nước láng giềng Mỹ. Khí đốt được nhập khẩu để sản xuất tới 60% nguồn cung điện cho Mexico.
Điều này đồng nghĩa nếu Mỹ cắt khí đốt, hàng loạt nhà máy điện sẽ ngừng hoạt động, nhiều vùng ở Mexico sẽ chìm trong bóng tối, thiệt hại kinh tế sẽ lớn hơn cả thuế quan, theo các nhà chiến lược năng lượng.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ chỉ ra lượng khí đốt tự nhiên mà Mexico nhập khẩu từ Mỹ tăng 4,3% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục hơn 180 triệu mét khối mỗi ngày. Năm 2024, Mexico duy trì vị thế là quốc gia mua khí đốt tự nhiên lớn nhất của Mỹ, chiếm 30,5% tổng lượng xuất khẩu của nước này và tăng 0,9% so với năm 2023.
"Mexico có thể chịu đựng được bao lâu nếu Mỹ cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên, xăng và điện? 24 giờ ư?", Alfredo Campos Villeda, biên tập viên của Milenio ở Mexico City, đặt câu hỏi.
Cơn bão mùa đông Uri năm 2021 đã cho thấy Mexico có thể đối mặt cú sốc như thế nào nếu nguồn cung điện bị gián đoạn. Thời tiết lạnh bất thường đã gây áp lực cho lưới điện của bang Texas và Thống đốc Greg Abbott đã lệnh cho các nhà sản xuất khí đốt tạm dừng xuất khẩu tới Mexico.
Chỉ trong vài ngày, lượng khí đốt từ Texas tới Mexico đã giảm khoảng 90%, dẫn đến gián đoạn nguồn cung điện và ảnh hưởng tới hơn 5 triệu hộ gia đình trên 26 bang của nước này.
Chính phủ của bà Sheinbaum và người dân Mexico lo ngại kịch bản ông Trump có thể biến xuất khẩu khí đốt thành vũ khí nhằm gia tăng áp lực với họ. Dù hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang dùng khí đốt để làm đòn bẩy ngoại giao, giới chức Mexico đã coi nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ như "gót chân Achilles" của họ.
Juan Roberto Lozano, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Năng lượng Quốc gia Mexico, trong cuộc phỏng vấn với Natural Gas Intelligence hồi tháng 2 thừa nhận điều này.
"Chính quyền ông Trump hoàn toàn nhận thức được sự phụ thuộc quá mức này. Hoàn toàn có khả năng năng lượng trở thành điểm gây căng thẳng giữa Mexico và Mỹ", ông nói.
![]() |
Bồn chứa và hệ thống làm lạnh khí đốt của nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa hỏng lớn thứ hai Mỹ Freeport LNG gần Freeport, bang Texas hồi tháng 2/2023. Ảnh: Reuters |
Mexico không phải là không có lựa chọn thay thế. Một số nhà máy điện có thể chuyển sang dùng dầu. Nhưng những nỗ lực như vậy sẽ không đủ để bù đắp nếu đối mặt tình trạng đột ngột mất nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Chính phủ Mexico cũng cần phải tìm các nhà cung cấp khác sẵn sàng bán khí đốt cho họ trước áp lực của Mỹ, xây dựng và cải tạo nhiều cảng tiếp nhận tàu chở khí đốt hóa lỏng, cũng như thiết lập hệ thống đường ống để vận chuyển nhiên liệu tới các thành phố lớn.
Dù bằng cách nào, các nhà chiến lược năng lượng cảnh báo nỗ lực như vậy có thể mất nhiều năm và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ mà Mexico hiện không thể đáp ứng.
"Không có lựa chọn nào khác cho Mexico. Họ không có đường ống khí đốt với bất kỳ nước nào khác ngoài Mỹ", Ira Joseph, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, nói.
Tổng thống Sheinbaum đang cố gắng giảm mức phụ thuộc năng lượng của Mexico vào Mỹ. Bà tháng này cho biết Mexico đặt mục tiêu tăng sản lượng khai thác khí đốt trong nước lên hơn 140 triệu mét khối mỗi ngày vào năm 2030, từ mức hiện tại khoảng 108 triệu mét khối.
Chính phủ Mexico đang đàm phán với các công ty tư nhân về mở rộng khai thác khí đá phiến, dù đây từng được xem là điều cấm kỵ đối với đảng cầm quyền cánh tả của bà Sheinbaum, theo nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận. Luật Mexico cho phép khai thác khí đá phiến, nhưng việc sử dụng hiện tại rất hạn chế khi một bộ phận thành viên trong đảng của bà Sheinbaum và các nhà môi trường phản đối vì lo ngại hoạt động này đe dọa hệ sinh thái.
Mexico chủ yếu sử dụng khí đốt để sản xuất điện và cung cấp cho các nhà máy trong nền công nghiệp giá rẻ, vốn được xem là trọng tâm nền kinh tế xuất khẩu của nước này.
Tình trạng phụ thuộc của Mexico vào khí đốt Mỹ dự kiến gia tăng trong những tháng tới, khi nước này xây dựng thêm các nhà máy điện khí. Một đường ống mới, dài hàng trăm km từ Texas tới bán đảo Yucatan ở đông nam Mexico, dự kiến bắt đầu cung cấp khí đốt vào giữa năm 2025.
"Các chính trị gia của chúng tôi luôn nói về tự cường năng lượng. Nhưng về vấn đề khí đốt, chúng tôi còn rất lâu nữa mới có thể tự cung cấp", Raul Puente, giám đốc tại Cydsa, công ty đang cố thuyết phục Mexico mở rộng kho dự trữ nhiên liệu, nói và xem đây là "vấn đề an ninh quốc gia".
Thùy Lâm (Theo FT, Reuters, Mexico Business)