Các quan chức Palestine am hiểu về tiến trình đàm phán giữa Israel và Hamas tại Doha, Qatar tối 11/7 nói với BBC rằng cuộc đối thoại đang đứng trước bờ vực sụp đổ, khi hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về một số vấn đề sau 8 vòng hòa đàm gián tiếp.
Họ cho biết các vòng đàm phán gần nhất tập trung vào hai vấn đề chính, bao gồm cơ chế phân phối viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza và mức độ rút quân của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Lập trường của Hamas là hàng viện trợ phải được phép vào dải đất, đồng thời được phân phối thông qua các cơ quan của Liên Hợp Quốc và tổ chức cứu trợ quốc tế. Trong khi đó, Israel muốn hàng hóa tiếp tục được phân phối qua Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF), tổ chức do Israel và Mỹ hậu thuẫn.
Theo các bên trung gian đàm phán, hai bên đã đạt được tiến triển nhất định trong nỗ lực thu hẹp bất đồng về vấn đề này, song vẫn chưa đạt được đồng thuận.
![]() |
Người dân Palestine vác túi bột mì được viện trợ tại Gaza City hôm 12/7. Ảnh: AP |
Về vấn đề rút quân, phái đoàn Israel trong vòng đàm phán thứ 5 cho biết Tel Aviv sẽ duy trì "vùng đệm" hạn chế bên trong Dải Gaza, với độ sâu 1-1,5 km.
Phía Hamas ban đầu coi đề xuất này là cơ sở tiềm năng để tiến tới thỏa hiệp. Tuy nhiên, bản đồ mà nhóm vũ trang nhận được sau đó lại cho thấy Israel dự kiến duy trì vùng đệm sâu hơn nhiều, lên tới ba km ở một số khu vực, cũng như sẽ tiếp tục hiện diện quân sự lâu dài ở phần lớn lãnh thổ Dải Gaza.
Cụ thể, quân đội Israel sẽ duy trì lực lượng trên toàn bộ thành phố miền nam Rafah, 85% làng Khuzaa ở phía đông Khan Younis, phần lớn diện tích các thị trấn phía bắc Beit Lahia và Beit Hanoun, bên cạnh những khu dân cư phía đông Gaza City như Tuffah, Shejaiya và Zeitoun.
Giới chức Hamas coi thông tin trên bản đồ thể hiện sự thiếu thiện chí từ Israel và càng làm xói mòn lòng tin giữa hai bên.
Các quan chức Palestine cũng cáo buộc phái đoàn Israel tìm cách trì hoãn đàm phán, nhằm tạo không khí ngoại giao tích cực cho chuyến thăm Mỹ gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Một quan chức nói Israel đã cố tình cử tới Doha một phái đoàn không có quyền ra quyết định vì mục đích trên.
"Họ chưa bao giờ nghiêm túc đối thoại", một nhà đàm phán cấp cao của Palestine cho biết. "Họ lợi dụng cuộc đàm phán để tỏ vẻ rằng đã có tiến triển".
Quan chức này cáo buộc Israel đang thực thi chiến lược lâu dài nhằm ép cư dân Gaza phải dời đi, dưới vỏ bọc là kế hoạch nhân đạo. Ông đề cập tuyên bố hôm 7/7 của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz rằng đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị kế hoạch xây dựng khu lều trại mới ở thành phố Rafah.
Nơi này ban đầu sẽ chứa khoảng 600.000 người Palestine trước khi mở rộng ra cho toàn bộ hơn hai triệu cư dân ở Dải Gaza, theo ông Katz. Người dân địa phương sẽ bị kiểm tra an ninh để được vào bên trong và không được phép rời đi sau đó.
"Mục đích của việc tập trung dân thường gần biên giới Ai Cập là nhằm tạo điều kiện trục xuất họ, qua cửa khẩu Rafah sang Ai Cập hoặc qua đường biển", ông nói.
![]() |
Vị trí các đô thị ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC |
Những người chỉ trích, cả trong nước và quốc tế, đã lên án đề xuất của Israel và gọi đây là kế hoạch xây dựng "trại tập trung".
Phía Palestine đang kêu gọi Mỹ, đồng minh của Israel, can thiệp mạnh mẽ hơn để gây áp lực buộc Tel Aviv phải đưa ra các nhượng bộ thực chất. Các bên trung gian cảnh báo nếu Washington không hành động, cuộc đối thoại sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Trước khi rời Mỹ hôm 10/7, Thủ tướng Netanyahu vẫn thể hiện thái độ tích cực khi bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận "trong vài ngày tới".
Phạm Giang (Theo BBC)