Thượng viện Mỹ ngày 1/7 phê chuẩn dự luật chi tiêu công và giảm thuế, còn gọi là "một dự luật to đẹp" (OBBBA) của Tổng thống Donald Trump, với số phiếu sít sao 51-50. Phó tổng thống JD Vance phải bỏ phiếu thuận để phá thế bế tắc, khi ba thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ phản đối dự luật.
Đây là kết quả của hơn một ngày làm việc liên tục của các thượng nghị sĩ Cộng hòa để sửa đổi và thông qua các điều khoản còn gây bất đồng nội bộ. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski được mô tả là "mảnh ghép cuối cùng", khi bà chuyển sang ủng hộ dự luật sau cuộc trao đổi với lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune.
"Đây có lẽ là 24 giờ lập pháp căng thẳng và gian nan nhất tôi từng trải qua", bà Murkowski trả lời báo giới. Tổng cộng, Thượng viện đã bỏ phiếu 45 lần liên tiếp, nhiều nhất lịch sử cơ quan này, để thông qua được dự luật.
![]() |
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune (giữa) trả lời báo giới tại Đồi Capitol ngày 1/7. Ảnh: AFP |
OBBBA đã được Hạ viện thông qua cuối tháng 5. Dự luật thiết lập nền tảng để ông Trump triển khai nghị trình nhiệm kỳ hai, nhưng nguy cơ làm tăng nợ công của Mỹ và bao gồm một số điều khoản gây tranh cãi, như cắt giảm tài trợ chương trình y tế dành cho người thu nhập thấp Medicaid.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa muốn chỉnh sửa các nội dung gây tranh cãi của dự luật nhưng còn bất đồng. Tình hình càng gấp rút khi hạn chót 4/7 ông Trump mong muốn đến gần. Do đó, họ chọn thực hiện "vote-a-rama", quy trình gồm hàng loạt cuộc bỏ phiếu liên tiếp để thông qua các điều chỉnh cho dự luật ngân sách.
6h ngày 30/6, Phó tổng thống Vance, Chủ tịch Thượng viện, đến Đồi Capitol, cho thấy các thượng nghị sĩ Cộng hòa có thể phải cần đến lá phiếu của ông để thúc đẩy OBBBA. Phe Cộng hòa chiếm thế đa số 53-47 tại Thượng viện, tức là họ không được phép mất quá ba phiếu ủng hộ.
Vote-a-rama bắt đầu khoảng 9h35 cùng ngày. Các thượng nghị sĩ lần lượt thảo luận và bỏ phiếu về các điều khoản sửa đổi trong dự luật.
Nợ công Mỹ hiện là 36.000 tỷ USD. Ước tính từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho thấy OBBBA của Thượng viện sẽ làm tăng thâm hụt khoảng 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới. Quá trình thảo luận của phe Cộng hòa chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thế nào với các chương trình phúc lợi.
Thượng nghị sĩ John Cornyn đề xuất giảm chi trả liên bang cho Medicaid với các bang đang cung cấp bảo hiểm y tế cho người nhập cư không giấy tờ. Điều chỉnh này không được thông qua.
Phe Dân chủ cũng đưa ra các sửa đổi để cản trở đối thủ, nhắm đến Medicaid cùng các chương trình hỗ trợ khác. Thượng nghị sĩ Ed Markey đề xuất xóa điều khoản sẽ buộc bệnh viện ở nông thôn phải giới hạn dịch vụ hoặc đóng cửa.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nói đây là một phần trong chiến lược của họ. "Tại sao chúng tôi lại muốn ngừng đưa ra sửa đổi, khi chúng giúp làm nổi bật sự khác biệt giữa hai đảng?", ông Schumer nói với Politico. "Chúng tôi muốn nêu càng nhiều điều chỉnh càng tốt".
Những đề xuất từ phe Dân chủ đều bị bỏ phiếu bác bỏ, khi các nghị sĩ đều bỏ phiếu theo đảng của mình.
Khoảng 3h30 ngày 1/7, Thượng viện thông qua sửa đổi đầu tiên với OBBBA do thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst đề xuất, cấm sử dụng quỹ liên bang để trợ cấp thất nghiệp cho các cá nhân có mức lương hàng năm trên 1 triệu USD.
Thượng viện thông qua chỉnh sửa nhằm loại bỏ điều khoản ngăn chính quyền bang và địa phương ban hành quy định riêng về trí tuệ nhân tạo trong vòng 10 năm. Đây là đề xuất từ thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn, ủng hộ thông qua với tỷ lệ 99-1, cũng nhằm chiều lòng một số hạ nghị sĩ Cộng hòa, như bà Majorie Taylor Greene.
4h30 ngày 1/7, ông Thune nói với các phóng viên rằng họ đã "cận kề đích", chỉ còn "một số cuộc bỏ phiếu về chỉnh sửa" trước khi thông qua. Nhưng ông Thune không nêu cụ thể, đồng nghĩa không rõ vote-a-rama còn kéo dài bao lâu.
Truyền thông Mỹ mô tả các thượng nghị sĩ, tuổi trung bình trên 65, phải vật lộn để thức trắng đêm "với giờ giấc và cách làm việc không khác gì sinh viên đại học". Họ gọi đồ từ bên ngoài để ăn đêm và đồ ăn nhanh cho bữa sáng.
Các phóng viên chờ đợi vote-a-rama đều ngủ gật trên ghế dài trong khu vực dành cho báo giới. Các trợ lý đẩy một xe lớn cà phê từ thang máy vào phòng nghỉ của Thượng viện, nơi các thượng nghị sĩ uể oải bước vào để nạp năng lượng.
![]() |
Trợ lý đưa đồ ăn đến Thượng viện ngày 30/6. Ảnh: AFP |
Mặt trời bắt đầu lên, báo hiệu một ngày oi bức ở Washington, nhưng tại Thượng viện, một số nghị sĩ phải tìm cách giữ ấm, vì nhiệt độ trong phòng làm việc được giữ ở mức rất thấp để chống lại oi bức, ẩm ướt của mùa hè Washington.
Một số người quấn khăn, như thượng nghị sĩ Cindy Hyde-Smith. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren mặc áo có mũ trùm đầu. Bà Murkowski mang theo một chiếc chăn lông lớn. Khi bà Murkowski đến chỗ ông Thune để trao đổi khoảng 30 phút, thượng nghị sĩ Susan Collins đã mượn chiếc chăn này.
Thượng nghị sĩ Markwayne Mullin giết thời gian bằng cách đăng video "tham quan Đồi Capitol ban đêm", quay các khu vực trong tòa nhà rồi đăng lên mạng xã hội. Ông Cornyn ngồi đọc sách trên máy Kindle. Hai thượng nghị sĩ Deb Fischer và Bill Hagerty ra ngoài tòa nhà quốc hội để chụp ảnh bầu trời bình minh.
Nhiều ôtô khi đó đã tập trung về Đồi Capitol chờ đón các thượng nghị sĩ ra sân bay về nhà nghỉ lễ ngày quốc khánh 4/7.
"Ôi trời, tôi chỉ muốn về", thượng nghị sĩ Dân chủ John Fetterman nói với báo giới, thêm rằng ông đã bỏ lỡ chuyến đi biển với cả gia đình.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis hôn gió và vẫy tay về phía máy quay tại phòng họp. Ông lý giải đây là thông điệp gửi đến cháu, vì chúng hỏi rằng "lỡ ông bỏ lỡ tất cả ngày nghỉ thì sao?".
Một số thượng nghị sĩ đi thay đồ, số khác ngả người trên ghế hoặc lướt điện thoại. Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley, 91 tuổi, lớn tuổi nhất Thượng viện, ngồi bệt giữa phòng họp, tay chống lên đầu gối, hai bàn tay đan lại, cố giữ tỉnh táo trong đêm dài.
Hơn 7h ngày 1/7, thượng nghị sĩ John Kennedy thông báo rút lại một đề xuất chỉnh sửa của ông, nói "con số cụ thể thì tôi cũng không nhớ nổi nữa", câu đùa khiến những đồng nghiệp đang mệt mỏi bật cười.
Theo New York Post, Thượng viện sau đó bỏ phiếu về sửa đổi thứ 45, lập kỷ lục vote-a-rama dài nhất. Kỷ lục trước đó là 44 lần, được thiết lập hồi tháng 3/2008.
Nội dung bỏ phiếu là đề xuất sửa đổi từ thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen rằng OBBBA nên cắt giảm 100 triệu USD cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Đề xuất này nhận số phiếu 50-50, ông Vance không can thiệp, đồng nghĩa sửa đổi thất bại.
Tổng cộng, sau 45 lần bỏ phiếu, Thượng viện chỉ thông qua 6 điều chỉnh trong OBBBA.
![]() |
Một trợ lý nằm nghỉ ngơi bên ngoài phòng họp của các nghị sĩ tại Thượng viện ngày 1/7. Ảnh: Reuters |
Vote-a-rama đi đến hồi kết vài giờ sau đó. Toàn bộ Thượng viện bỏ phiếu về OBBBA. Ba thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins, Rand Paul và Tillis đứng về phía đảng Dân chủ phản đối OBBBA. Ông Vance bỏ lá phiếu quyết định, phá thế cân bằng 50-50 và thông qua dự luật.
Sau khi được Thượng viện thông qua, OBBBA được đưa trở lại Hạ viện để xem xét các điều khoản sửa đổi. Bất kỳ điều khoản sửa đổi nào tại cơ quan này đều đồng nghĩa phải đưa dự luật trở lại Thượng viện lần nữa.
Nếu Hạ viện cũng thông qua, OBBBA sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Trump để ký thành luật. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson còn ba ngày để kịp thông qua dự luật trước ngày quốc khánh 4/7, hạn chót mà ông Trump đã đặt ra.
Như Tâm (Theo WSJ, BBC, CNN, Washington Post)